Đứa trẻ đang chơi trên giường thì lăn xuống đất, bác sĩ nói người mẹ đã đúng
Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, việc nuôi dạy con trẻ trong gia đình nhiều thế hệ luôn là những vấn đề nổi cộm vì sự bất đồng giữa cha mẹ, ông bà, con cháu. Trong khi ông bà luôn muốn bảo vệ và nuông chiều các cháu, bố mẹ lại có xu hướng dạy con tự lập bằng cách quan sát từ xa thay vì trực tiếp giúp đỡ các con.
Gia đình của chị Dandan là một ví dụ. Vì bận bịu với công việc, vợ chồng chị Dandan vẫn thường nhờ bà nội chăm sóc, đưa đón cho các con đi học mỗi ngày. Khỏi phải nói, bà nội rất thương nhóc tì và cả hai bà cháu rất mến tay mến chân nhau. Trong một buổi chiều cuối tuần, hôm ấy chị Dandan được nghỉ ở nhà, đứa trẻ – con trai chị – đang chơi trên giường bỗng ngã phịch xuống đất.
Bà nội từ phòng tắm bước ra, thấy cháu trai nằm sấp dưới đất hoảng hốt hét lên. Trái lại, Dandan bình tĩnh đứng từ xa nhìn con, thậm chí còn ngăn cản bà bế cháu lên, và gọi ngay cấp cứu. Lo lắng, bà nội bất bình trách móc Dandan “vô tâm”, không biết yêu thương con mình.
Thế nhưng, khi vào đến bệnh viện, điều làm cho bà bất ngờ là lời khen của bác sĩ dành cho Dandan vì đã xử lí tình huống rất tốt. Bác sĩ giải thích, khi trẻ bị ngã đập đầu, không nên nóng vội bế hay đỡ trẻ, nếu không khéo léo rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Tình huống trên của gia đình chị Dandan đã chứng minh việc sốt sắng nuông chiều và bảo vệ trẻ không phải lúc nào cũng tốt.
Nuông chiều một cách không kiểm soát có thể tác động gì đến trẻ?
Dễ trở nên kiêu ngạo
Khi liên tục được nuông chiều, vô tình, phụ huynh tạo cho trẻ thói quen được “chiều lòng” dù là bất cứ yêu cầu gì. Trẻ sẽ cảm giác được giá trị quan trọng của bản thân đối với gia đình, xem mình là “trung tâm của vũ trụ”. Điều này khiến cho trẻ ngày càng trở nên kiêu ngạo, khó điều khiển và sẽ mất bình tĩnh, tức giận nếu cảm thấy mọi việc diễn ra không vừa ý.
Trẻ em không thể tự lập
Nhiều đứa trẻ được ông bà, bố mẹ lo toan và chăm sóc mọi thứ, điều này chỉ mang lại sự bảo vệ tạm thời cho đứa nhỏ. Sau này khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ phải tự mình chăm lo cho bản thân. Vì vậy, nếu được chăm bẵm quá nhiều, chúng sẽ khó có “sức đề kháng” bảo vệ mình, dễ thất bại và khó lòng mà đứng lên sau vấp ngã.
Thế nào là yêu thương con cháu hợp lí?
Nhận thức rõ vị trí của con trong gia đình
Để yêu thương con đúng cách, trước hết, ông bà bố mẹ cần nhận thức và hành động cho con trẻ thấy được rằng con cái cũng chỉ là một thành viên trong gia đình, không phải là một “vị hoàng đế” hay “hoàng hậu” đặc biệt nào cả. Giống như những thành viên khác, bố mẹ ông bà và cháu chắt cũng là những người bình đẳng như nhau và xứng đáng nhận được sự quan tâm giống nhau.
Để con cái tham gia vào công việc của gia đình
Nhiều bậc cha mẹ vì thương con, sợ con đứt tay, hay vì con muốn xem phim mà chiều theo ý muốn của con khiến cho con trẻ dễ cảm thấy mình không có nghĩa vụ và trách nhiệm, dù là nhỏ, trong việc phụ giúp bố mẹ. Hơn hết, trẻ sẽ không cảm nhận được tình thương của bố mẹ mà xem đó là việc bố mẹ “phải làm” cho mình. Cha mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động, công việc nhà của gia đình, yêu cầu con giúp đỡ và hỏi ý kiến của con trong các quyết định khác nhau. Điều này sẽ làm cho đứa nhỏ cảm thấy có trách nhiệm quan tâm đến gia đình và hơn hết, sẽ gắn kết được tình cảm của con cháu với ông bà, bố mẹ.
Cuối cùng, hãy trò chuyện nhiều hơn với con
Đừng suy nghĩ thay con, thay vào đó, hãy hỏi đứa trẻ muốn gì, suy nghĩ ra sao về các sự kiện xảy ra trong đời sống. Từ đó, các thế hệ gia đình sẽ có không gian để hiểu và thương yêu nhau hơn.
Thực tế, yêu thương con cái một cách không kiểm soát không phải là điều kiện phát triển tốt cho đứa trẻ mà chỉ khiến trẻ hình thành thêm các tính cách, thói quen và nhận thức không đúng. Yêu thương và chiều chuộng con có lý trí là cách duy nhất giúp đứa trẻ phát triển hoàn thiện.