Danh Mục
Càng gần Tết, những loại bánh kẹo, hoa quả sấy càng được các gia đình mua nhiều hơn. Nếu chẳng may sơ ý, trẻ có thể bị ngộ độc do ăn nhầm gói hút ẩm.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) vừa tiếp nhận cấp cứu một bé gái gần 5 tuổi bị ngộ độc do ăn nhầm gói hút ẩm trong hộp trái cây sấy. Bé gái N.B.N. (gần 5 tuổi, trú tại Vĩnh Long) được người nhà phát hiện ăn nhầm gói hút ẩm trong hộp sấy trái cây, ngay lập tức đưa vào viện cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng xác định loại độc chất mà bé ăn phải chính là gói hút ẩm trong hộp trái cây sấy. Sau đó, bé được chỉ định rửa dạ dày để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể và nằm viện để theo dõi tình trạng sức khỏe. May mắn là, sau đó 2 ngày bé đã được xuất viện và khỏe lại.
Ngộ độc do ăn nhầm gói hút ẩm không phải là trường hợp hiếm gặp. Nhiều phụ huynh do sơ ý hoặc cho rằng gói hút ẩm không độc hại nên cho trẻ chơi bình thường, dẫn tới các trường hợp đáng tiếc.
1. Ngộ độc do ăn nhầm gói hút ẩm nguy hiểm như thế nào?
Các bác sĩ cho biết, có 3 loại hạt hút ẩm được sử dụng phổ biến hiện nay đó là: Silica gel, hạt hút ẩm Claybentonic và bột hút ẩm Canxi clorua. Mỗi một loại chất hút ẩm sẽ có những nguy hiểm khác nhau nếu trẻ vô tình nuốt phải dẫn tới ngộ độc do ăn nhầm gói hút ẩm. Chưa kể tới, các gói hút ẩm được gói bằng giấy, trẻ rất dễ dàng xé rách.
1.1. Gây tổn thương niêm mạc
Theo Ths. Nguyễn Thanh Long – nguyên giảng viên Đại học Y Dược Huế cho biết, khi trẻ nuốt phải hạt trong gói hút ẩm hoặc để hạt rơi vào mắt, vào đường thở sẽ rất nguy hiểm. Chẳng hạn như hạt silica gel (được biết là một dạng ocid sililic) đang được sử dụng khá rộng rãi trên thị trường. Hạt này có đặc điểm là không thể tiêu hóa được và có độ hút ẩm cao.
Nếu như trẻ ăn phải sẽ khiến hạt này dính vào niêm mạc và gây tổn thương niêm mạc.
Hoặc như hạt hút ẩm Clay bentonite (là một dạng đất sét được hoạt hóa ở nhiệt độ cao). Mặc dù loại chất hút ẩm này khá thân thiện với môi trường và có khả năng hút ẩm hạn chế hơn nên khi vô tình nuốt phải sẽ gây ra các tổn thương ít hơn so với silica gel. Tuy nhiên, nếu nuốt phải hạt clay bentonite với số lượng lớn sẽ gây hại cho niêm mạc đường hô hấp, ngoài ra là các tác hại khác khi đường hô hấp có dị vật.
1.2. Nguy cơ tắc ruột
Theo ThS Trần Ngọc Lưu Phương – trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) – cho biết hạt silica gel có một đặc tính là khả năng hút ẩm cực mạnh nên hạt này có thể hấp thụ nước và trương nở ra. Nếu như vô tình nuốt phải một lượng đủ lớn thì sẽ có nguy cơ bị tắc ruột.
Bên cạnh đó, nếu như hạt này chạm vào niêm mạc miệng sẽ gây ra hiện tượng bỏng hoặc lở loét. Nếu gói hút ẩm ở dạng bột có thể gây ra bệnh bụi phổi (còn gọi là bụi phổi silic).
“Loại canxi clorua rơi vào miệng gây lở loét miệng, đau rát họng, khạc ra máu. Rơi tới ống tiêu hóa gây lở loét nặng nề, xuất huyết tiêu hóa, đau bụng dữ dội. Nếu hít phải có thể bị kích ứng hô hấp dữ dội, lở loét đường hô hấp, kích ứng hen suyễn, suy hô hấp, thậm chí là tử vong” – BS Lưu Phương cảnh báo.
1.3. Nguy cơ từ các gói hút ẩm không rõ nguồn gốc
Các bác sĩ cho biết, những gói hút ẩm không có nguồn gốc rõ ràng có thể chứa chất bột canxi clorua, đây là dạng bột màu trắng.
Người bán tham rẻ, pha nhiều tạp chất tạo ra một chất hút ẩm khá mạnh nhưng độc hại hơn rất nhiều so với silica gel. Cụ thể, chất này khi gặp nước sẽ sinh ra phản ứng kiềm mạnh dẫn tới ăn mòn da (tương tự như vôi bột).
Bác sĩ Long nói thêm, canxi clorua khi tiếp xúc cũng có thể gây ra dị ứng, đặc biệt là với da đang ẩm.
2. Các gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý gì để tránh ngộ độc do ăn nhầm gói hút ẩm?
Vậy cha mẹ cần làm gì để hạn chế nguy cơ trẻ bị ngộ độc do ăn nhầm gói hút ẩm? Bác sĩ Thanh Long nhấn mạnh về việc những gói hút ẩm rất dễ bị xé rách và nuốt phải hoặc rơi vào mắt nếu phụ huynh không kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, với những sản phẩm có gói hút ẩm thì cần đặt ở vị trí cao, khuất tầm mắt của trẻ để trẻ không với tới. Hoặc cũng có thể bỏ ngay đi sau khi mở hộp nếu cảm thấy không cần thiết.
3. Xử trí khi trẻ ăn phải gói hút ẩm
Khi trẻ bị ngộ độc do ăn nhầm gói hút ẩm, cha mẹ cần bình tĩnh sơ cứu tạm thời rồi nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị.
– Đối với trẻ ăn phải hạt silica gel thì cần súc miệng ngay và uống nhiều nước, mục đích để hạn chế tác động có hại của hạt này tới ống tiêu hóa của trẻ.
– Nếu trẻ bị hạt hút ẩm rơi vào mắt thì cha mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt. Mục đích để hạt này ngậm no nước. Tuyệt đối không được để trẻ lấy tay dụi mắt vì có thể gây ra tổn thương cho niêm mạc.