Thời điểm này, các bệnh viện nhi luôn trong tình trạng quá tải do số lượng trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp đông. Không ít trẻ phải hỗ trợ thở ô xy do viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp…
Gia tăng bệnh nhi mắc bệnh lý hô hấp
Tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), số lượng trẻ em mắc virus RSV là virus hợp bào hô hấp, gây viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phổi ở trẻ đông. PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, số lượng ca nhập viện mắc virus hợp bào hô hấp gia tăng. Trước trung bình mỗi ngày tiếp nhận 10-15 bệnh nhi, nhưng một tháng gần đây tăng lên 30 – 40 trẻ, có ngày tới hơn 40 trường hợp. Các giường đều kín bệnh nhi. Không ít trẻ phải dùng đến hỗ trợ thở oxy do viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp… Đa phần các ca nặng vào thường kèm theo bệnh lý nền.
Đang chăm sóc con gái 4 tháng tuổi ở phòng chăm sóc đặc biệt, anh B.T.L. (Nghệ An) cho biết, khi con có biểu hiện sốt, khò khè, gia đình đã đưa đi điều trị ở BV Sản Nhi Nghệ An. Nằm ở đây 10 ngày, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ xác định cháu bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Hiện bé điều trị được 5 ngày vẫn phải thở máy. Con của anh L sinh non ở tuần 28 là trường hợp có nhiều nguy cơ cao gặp biến chứng khi mắc virus này.
Cùng với con gái anh L, ở Khoa hiện cũng rất đông bệnh nhi. Nhiều trường hợp vì không điều trị kịp thời dẫn tới bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng do mắc virus hợp bào hô hấp.
Không chỉ ngoài Bắc, ở phía Nam như ở bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện nhi đồng TP HCM… theo chia sẻ của các bác sĩ, số lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp cũng tăng hơn thời điểm trước.
Theo BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi đồng 1), lượng bệnh nhi đến khám tăng đột biến trong mấy tuần gần đây. Hiện đơn vị đang điều trị cho hơn 400 trẻ mắc các bệnh hô hấp. Tuy nhiên, cơ bản bệnh vẫn theo quy luật chứ không bùng phát dịch bệnh. Phần lớn trẻ đến khám do mắc các bệnh về nhiễm trùng hô hấp, viêm hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi… Những bệnh nhi điều trị nội trú bị viêm hô hấp dưới, nhiều nhất là viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn…
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh cho biết, thời điểm này số lượng bệnh nhi vào viện do bệnh cúm tăng do giao mùa, không khí và độ ẩm thuận lợi cho virus phát tán mạnh, cơ thể trẻ không kịp thích nghi. Có rất nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, trong đó nhiều nhất là virus RSV loại hợp bào hô hấp. Với trường hợp nhẹ cũng có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên, nặng dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.
Điều đáng nói, triệu chứng ban đầu khi trẻ nhiễm RSV rất giống cảm cúm thông thường nên thường chủ quan. Trẻ hắt hơi, sổ mũi nhiều, có thể sốt từ nhẹ tới cao. Nhiều trẻ vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí sau 3 – 5 ngày tự khỏi. Nhưng với những trường hợp như trẻ sinh non, thiếu cân, trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc bị tim bẩm sinh… thường diễn biến nhanh, nặng.
Điều cần làm để tránh bệnh
PGS.TS Hanh cho rằng, bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Với trẻ sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện rất dễ bị virus tấn công nên cần phải nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, cho uống nhiều nước…
Như nói ở trên, trẻ có thể tự khỏi song cần theo sõi sát sao với trẻ để phát hiện các dấu hiệu nặng, cấp cứu trẻ kịp thời. Trường hợp trẻ bị bội nhiễm phổi sẽ cần phải dùng kháng sinh, truyền dịch, hỗ trợ thở oxi…
Trong thời điểm hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các bệnh lý đường hô hấp, các gia đình cần tránh chủ quan. Đặc biệt, bệnh dễ lây truyền từ người sang người qua hô hấp bằng cách qua các giọt bắn, dịch hô hấp qua ho, hắt hơi… Để phòng tránh bệnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý cho con:
+ Tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc với những người đang cảm lạnh hay sốt.
+ Rửa tay với xà phòng và nước thường xuyên vừa giúp phòng thêm bệnh truyền nhiễm Covid-19 thời điểm này.
+ Mặc ấm cho trẻ khi thời tiết lạnh. Trẻ sốt cao uống thêm bù dịch, cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ.
+ Sử dụng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, và vứt ngay lập tức, nếu bạn mắc bệnh nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người.
+ Virus có thể sống trên các bề mặt vật dụng nên mọi người cần rửa sạch những đồ chơi của trẻ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Đồng thời, không hôn con bởi có thể làm lây lan virus.
+ Trẻ có biểu hiện ho, chảy mũi, sốt nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế để điều trị kịp thời.