Truy tìm thủ phạm khiến trẻ mắc bệnh gan nhiễm mỡ

Theo TS Đào Việt Hằng, sau Tết số bệnh nhân đến viện khám vì các bệnh lý tiêu hóa gia tăng, đáng chú ý đó là bệnh gan nhiễm mỡ; thậm chí cả trẻ nhỏ cũng bị gan nhiễm mỡ.

Nguyên nhân gan nhiễm mỡ

Viêm gan nhiễm mỡ là tình trạng tổn thương gan, đặc trưng bởi hiện tượng tế bào gan phình to như bong bóng, chứa nhiều hạt mỡ nhỏ, tẩm nhuận nhiều bạch cầu đa nhân trung tính ở các tiểu thùy gan.

Viêm gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu thường không có triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, sợ mỡ, đau tức vùng gan, vàng da.

TS Đào Việt Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết để xác định gan nhiễm mỡ chủ yếu khi thăm khám sức khỏe khi siêu âm ổ bụng thấy gan tăng sáng do mỡ lắng đọng trong gan tăng.

Một số trường hợp men gan tăng cao thấy mệt mỏi, chán ăn khi siêu âm gan to hơn, có kèm rối loạn chức năng gan. Để chẩn đoán chính xác gan nhiễm mỡ phải sinh thiết nhưng đây là biện pháp xâm lấn nên ít sử dụng hơn – BS Hằng cho biết.

Nguyên nhân thường gặp nhất là do rượu. Nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn có những bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ mà không thuộc nhóm sử dụng nhiều rượu. Khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích trữ trong các tế bào gan và gây nên gan nhiễm mỡ. Mặc dù vậy, chế độ ăn giàu chất béo cũng chưa hẳn là nguyên nhân của tình trạng này.

Thay đổi lối sống

Với trẻ bị gan nhiễm mỡ khi đi khám đều là những cháu bé thích ăn những thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hòa, các chất bảo quản dẫn tới rối loạn chuyển hóa mỡ trong gan.

Theo bác sĩ Hằng nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ ăn càng nhiều càng tốt, càng béo thì phát triển cơ thể tốt hơn. Vì vậy, trẻ cứ ăn thoải mái các đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh không hạn chế. Điều này gây ra gan tích tụ mỡ nhiều hơn sinh ra bệnh gan nhiễm mỡ.

Trẻ ăn các loại đồ ngọt, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao

Mặc dù gan nhiễm mỡ không phải là bệnh lý quá nghiêm trọng bởi tổn thương nó gây ra có thể hồi phục được. Tuy nhiên, do trẻ đang độ tuổi phát triển, nếu cha mẹ chủ quan, bệnh hoàn toàn có thể tiến triển nặng, gây các biến chứng như xơ gan, viêm gan mạn, thậm chí ung thư gan,… Hơn nữa, gan là cơ quan nội tạng quan trọng của cơ thể, nếu nó bị tổn thương thì hoạt động của nhiều cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng.

Hiện chưa có thuốc đặc trị gan nhiễm mỡ. Với các trường hợp gan nhiễm mỡ, bác sĩ Hằng cho biết bệnh nhân thường được khuyến cáo thay đổi lối sống. Trong chế độ ăn cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo: đồ chiên rán, thức ăn nhanh, mỡ động vật. Thực phẩm chứa nhiều đường: bánh kẹo, nước ngọt. Ngoài ra không cho trẻ ăn khuya, ăn đúng bữa trong ngày.

Trẻ cũng cần thường xuyên luyện tập thể dục, và rèn luyện sức khỏe mỗi ngày không chỉ giúp kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ tốt hơn mà còn hỗ trợ cho sự phát triển, nâng cao sức đề kháng cơ thể.

BS Hằng khuyên các phụ huynh có thể sắp xếp thời gian cùng con tăng cường vận động hơn có thể chạy cùng con, đạp xe đạp cùng con thay vì suốt ngày chỉ học hành rồi lại chơi điện thoại, xem tivi.

 

(Theo info.vietnamnet.vn)