Cha mẹ nên chú trọng nuôi dưỡng hệ tiêu hóa, dinh dưỡng đầy đủ và dùng các biện pháp không dùng thuốc khi chưa cần thiết để con tăng cường miễn dịch, luôn khỏe mạnh.
Thạc sĩ, Dược sĩ cao cấp Trương Minh Đạt, Chánh văn phòng Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam, chia sẻ về cách tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Hệ miễn dịch được coi là đội quân bảo vệ trẻ khỏi các vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác. Trong đó, tuyến ức là trung tâm huấn luyện hệ miễn dịch của cơ thể. Nếu tuyến ức không phát triển hoặc bị mất chức năng, bạn tiêm vắc xin sẽ không có tác dụng. Tuy nhiên, đây là điều mà không phải ai cũng biết.
Hệ miễn dịch gồm 2 loại:
Hệ miễn dịch tự nhiên: Chúng tồn tại ngay trong mỗi cá thể khi được sinh ra, quyết định đến việc trẻ sinh ra có sống được hay không. Đây là lý do trẻ sinh non, nhẹ cân thiếu tháng luôn trong tình trạng nguy kịch do viêm phổi, nhiễm trùng máu nặng. Do đó, khi mang bầu, người mẹ phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để trẻ được sinh ra đủ tháng, đủ cân nặng, có hệ miễn dịch tốt.
Miễn dịch thu được/Miễn dịch đặc hiệu: Đây là hệ miễn dịch quan trọng bậc nhất để trẻ phát triển khỏe mạnh. Miễn dịch đặc hiệu có được do tiêm vắc xin (đặc hiệu chủ động) hoặc do nhiễm khuẩn và cơ thể tạo ra miễn dịch (đặc hiệu thụ động).
Miễn dịch đặc hiệu là gì?
Miễn dịch đặc hiệu do các tế bào Lympho đảm nhiệm (Lympho B tạo ra các kháng thể IgA, IgD, IgE, IgG và Lympho T) trong đó Lympho T là quan trọng nhất, trung tâm của hệ miễn dịch. Nó quyết định trẻ có khỏe hay không và khả năng tái phát bệnh.
Lympho T được tạo ra từ tuyến ức của con người. Tuyến ức là một trung tâm huấn luyện để tạo ra các Lympho T như một “đội quân chủ lực” có khả năng tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
Tuyến ức phát triển rất mạnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ, phát triển mạnh nhất khi trẻ từ 1- 2 tuổi và hoàn thiện khi trẻ 11 tuổi.
Con người đang tự “tiêu diệt” hệ miễn dịch của mình
Tuyến ức bị tổn thương rất nặng và dần mất chức năng huấn luyện hệ miễn dịch bởi corticoid (Dexamethason, Prednisolon, Cortisol…các thuốc điều trị viêm mũi dị ứng, chống viêm, giảm nhầy mũi…). Việc dùng corticoid (tiêm, uống) sẽ làm chết các tế bào tuyến ức, từ đó làm giảm nghiêm trọng khả năng tạo miễn dịch Lympho T.
Trong quá trình hỗ trợ các mẹ nuôi con, tôi tiếp nhận nhiều trường hợp, từ sơ sinh đến 3 tuổi, gần như 100% đơn thuốc đều có corticoid để chống viêm, chống phù nề. Để giảm các triệu chứng của viêm tai mũi họng, corticoid lâu nay vẫn được coi là phương án hàng đầu.
Corticoid nội sinh là một hormone do tuyến thượng thận bài tiết, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và cân bằng của cơ thể. Cơ thể sẽ bài tiết ra corticoid nội sinh đúng theo nhu cầu phát triển cơ thể với liều lượng rất chuẩn, không thừa, không thiếu.
Thực tế hiện nay, mọi người đang sử dụng corticoid bừa bãi và lạm dụng.
Y dược phát triển, việc tổng hợp corticoid có thể nói là một thành tựu lớn. Điều này đã và đang mang lại những giá trị cho việc phòng và điều trị bệnh. Tuy vậy, những nguy cơ lâu dài do lạm dụng thuốc vẫn chưa được chỉ ra một cách đầy đủ và toàn diện.
Để lấy lại hệ miễn dịch cho con, việc đầu tiên, phụ huynh phải ý thức về việc không được tự ý sử dụng corticoid khi con viêm tai, mũi, họng. Nếu buộc sử dụng, cha mẹ phải được hướng dẫn cụ thể, theo dõi sát sao tình trạng của trẻ.
Khi trẻ bị viêm tai giữa, phụ huynh nên rửa mũi tích cực để mũi thông thoáng, không ứ dịch tai giữa. Trường hợp quá nặng có thể chích mủ hoặc đặt ống thông tai.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chăm sóc trẻ tốt, chú trọng nuôi dưỡng hệ tiêu hóa, dinh dưỡng đầy đủ và dùng các biện pháp không dùng thuốc để con luôn khỏe mạnh.