Phòng tránh các bệnh về tiêu hóa và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ là một trong những vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm trong ngày Tết.
Những thức ăn trẻ yêu thích ngày Tết là nước ngọt, bánh, kẹo, đồ chiên rán… chứa rất nhiều đường và chất béo. Việc ăn quá nhiều đường và chất béo có ảnh hưởng không tốt cho trẻ, ảnh hưởng dễ thấy nhất là trẻ có biểu hiện đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là các rối loạn khác như nôn rất nhiều hoặc tiêu chảy; tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Theo thống kê thì tỷ lệ béo phì tăng rất nhanh ở các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
BSCKI. Nguyễn Thị Sơn, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết: Trẻ béo phì không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ, ngoại hình mà còn có nhiều nguy cơ bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, tiêu hóa, hô hấp. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng những bệnh lý này chỉ gặp ở người cao tuổi là hoàn toàn sai lầm, vì bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nếu chúng ta cho trẻ ăn một khẩu phần ăn không hợp lý.
Chế độ ăn nhiều đường còn tạo ra các mảng bám trên răng làm mòn men răng, gây sâu răng cho trẻ. Ăn nhiều đường, dầu mỡ khiến trẻ béo phì nhưng lại thiếu rất nhiều chất. Ngoài ra còn tạo một thói quen ăn uống không tốt, sau đó gia đình phải mất rất nhiều thời gian để ổn định lại chế độ ăn cho trẻ”.
Thời gian qua, Khoa Nhi đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bệnh nhi ở lứa tuổi 4 – 5 tuổi bị viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hóa. Điều đáng nói là khai thác chế độ ăn của trẻ thì đa số trẻ đều rất thích ăn cay, ăn mì tôm. Việc ăn các thức ăn chua, cay như như tương ớt, bim bim cay, mì tôm chua cay, bánh mì cay… làm mất cân bằng các yếu tố bảo vệ và tấn công ở niêm mạc dạ dày. Về lâu dài có thể gây ra các bệnh lý như: Viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hóa hoặc trào ngược dạ dày, thực quản.
Ăn uống không khoa học sẽ dẫn đến tình trạng bị chướng bụng, đầy hơi, thậm chí là đau bụng, tiêu chảy. Vấn đề này rất dễ mắc trong những Tết do trẻ được thoải mái ăn uống. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ trong những ngày Tết như sau:
Không cho trẻ ăn quá nhiều một loại thức ăn nào. Khi trẻ có các biểu hiện chướng bụng, đau bụng, nôn, tiêu chảy, có thể sốt do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn thì gia đình không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn vì biểu hiện trên cũng có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý khác mà gia đình không biết để phân biệt.
Ngoài đảm bảo dinh dưỡng, gia đình cần chú ý giấc ngủ cho trẻ. Trẻ phải ngủ đủ giấc cho quá trình phát triển; cho trẻ uống đủ nước, hạn chế tối đa các đồ uống, nước ngọt có ga; các loại hạt, thạch có thể gây hóc cho trẻ nên gia đình cần chú ý để xa tầm tay của các trẻ còn nhỏ.
Một số gia đình thường có thói quen tích trữ thực phẩm, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách sẽ làm cho thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn nên cần chú ý lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.