Đôi khi việc trẻ biếng ăn lại nằm ở chính những sai lầm của bố mẹ trong cách cho bé ăn uống.
Khi một đứa trẻ chào đời, câu chúc quen thuộc mà mọi người hay dành tặng cho bé là “hay ăn chóng lớn”. Với trẻ nhỏ, người lớn không mong mỏi gì hơn là việc bé luôn ăn ngoan, ngủ ngoan, khỏe mạnh, chóng lớn. Bởi vậy những năm tháng đầu đời của bé luôn được ông bà, bố mẹ chăm bẵm kỹ càng đến từng miếng ăn, giấc ngủ. Tuy nhiên khi trẻ lớn hơn, nhiều bà mẹ lại đau đầu vì chuyện biếng ăn của bé.
Nhìn con không chịu ăn uống, còi cọc, ốm đau, mẹ lại càng áp lực và không ngừng nghĩ cách “nhồi nhét”, cho con ăn uống thêm để bù lại. Nhưng đôi khi việc con biếng ăn lại nằm ở chính cách chăm sóc của mẹ. Mẹ càng chăm, con càng còi cọc, điều nghe tưởng chừng vô lý đó hoàn toàn có thể xảy ra khi mẹ nuôi con không đúng cách.
Danh Mục
Khẩu phần ăn của con chưa cân đối mẹ ơi!
Mỗi ngày mẹ đều vào bếp, tự tay nấu cho con những món ăn mà mẹ tâm huyết. Thế nhưng, bữa ăn đó của con đã đủ chất hay chưa có khi mẹ lại không biết. Không phải ông bố bà mẹ nào cũng trang bị đầy đủ kiến thức về dinh dưỡng cho con, thế nên khẩu phần ăn của bé chỉ tập trung vào 1-2 nhóm chất. Khi khẩu phần ăn thiếu cân đối, con sẽ bị thiếu chất mà cơ thể thiếu chất nào cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, đặc biệt là trong vấn đề tiêu hóa. Con thiếu chất, chướng bụng, chậm lớn, biếng ăn… cũng vì lý do này. Bởi vậy, trong mỗi bữa ăn của con, mẹ cần đảm bảo luôn có đủ 4 nhóm chất là: Đạm, chất béo, tinh bột, Vitamin và khoáng chất.
Mẹ có thể nhìn qua những bữa cơm của người Nhật, mỗi bữa lên đến 10-15 món, mỗi loại bày biện 1 ít. “Tại sao phải cầu kỳ thế nhỉ?” – Đó chắc chắn là câu hỏi của nhiều mẹ. Nhưng đó cũng chính là cách các mẹ Nhật bổ sung thực phẩm đa dạng, đồng thời cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình. Các vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Còn ở các nước châu Âu, họ ưu tiên việc bổ sung vi chất dinh dưỡng qua các loại viên uống hàng ngày như Vitamin tổng hợp, sắt, kẽm… Trong khi đó ở Việt Nam, cha mẹ gần như để con có biểu hiện biếng ăn kéo dài hoặc suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao mới cuống cuồng sử dụng. Mẹ không biết rằng việc cải thiện dinh dưỡng không phải ngày một ngày hai là đem lại hiệu quả mà phải mất ít nhất từ 3-6 tháng.
Bởi vậy, nếu như việc ăn uống của con không đa dạng, mẹ có thể nghĩ đến những phương án bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng thường xuyên và đều đặn cho con. Chẳng hạn bé lười ăn rau thì mẹ cần bổ sung vitamin, chất xơ hòa tan. Nếu bé lười ăn thịt, mẹ có thể bổ sung sắt, kẽm, và bổ sung canxi nếu như bé không khoái khẩu các món tôm, cua, cá…
Mẹ hãy trang trí phần ăn cho con thật đẹp, mẹ nhé!
Cuộc sống ngày càng hối hả, con người ai ai cũng bận rộn với cơm, áo, gạo, tiền nên việc nấu ăn cho con với nhiều mẹ chỉ đơn thuần là chuẩn bị cơm và thức ăn cho bé. Nhiều khi mẹ bận quá, bữa ăn đem ra cho con có mỗi bát cơm và thức ăn xếp lên trên. Rồi ngày này qua ngày nọ, mẹ lặp đi lặp lại những món quen thuộc với cách chế biến quen thuộc. Chính sự nhàm chán đó khiến bé cảm thấy chán nản, không muốn ăn. Thực ra với người lớn chúng ta cũng vậy, một món ăn dù có ngon tới đâu nhưng ăn quá nhiều lần với những cách chế biến giống nhau thì cũng chẳng còn thấy hấp dẫn nữa.
Minh chứng cho điều này là câu chuyện có thật của một bà mẹ trẻ ở Bình Dương. Chị có một cô con gái bị biếng ăn, suy dinh dưỡng. Sau khi đưa con đi khám, chị cũng cho con ăn theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng tình hình không cải thiện. Thế rồi tình yêu dành cho con đã giúp chị nảy ra ý tưởng biến những phần ăn của con trở nên thật độc đáo, biết đâu bé sẽ thích?
Những bữa cơm sau đó, người mẹ dành thời gian để trang trí bữa ăn của con theo chủ đề mà con thích – các loại động vật. Bữa thì con gấu, bữa thì con cá, con thỏ… Quả nhiên, cô bé đã hứng thú với việc ăn uống hơn hẳn và “xử lý” gọn gàng những phần cơm mẹ chuẩn bị cho mình. Việc này có thể khiến mẹ mất 1 chút thời gian, nhưng đổi lại là con luôn ăn ngoan, mong chờ được thưởng thức những bữa cơm mẹ nấu thì còn gì hạnh phúc hơn thế?
“Con không thể ăn thêm nữa…”
Có một nghịch lý thế này, con càng biếng ăn thì bố mẹ càng “nhồi nhét” để mong con ăn được nhiều. “Con ăn thêm đi, há miệng ra nào, ăn thêm miếng này thì mẹ sẽ cho đi chơi…” – câu nói cửa miệng của không ít bà mẹ và những thìa cơm, thìa cháo cứ liên tục dí sát vào miệng bé, cứ tưởng là một cách tốt cho con nhưng hóa ra lại gây hậu quả hoàn toàn ngược lại.
Khi bé đã cảm thấy đủ no và có dấu hiệu từ chối việc mẹ cho ăn thêm, mẹ hãy tôn trọng bé. Tình trạng kéo dài như vậy sẽ khiến bé cảm thấy áp lực, thậm chí ám ảnh mỗi khi vào bữa ăn, dẫn đến bữa ăn không đạt hiệu quả. Thế là công mẹ thành công cốc mà con thì khổ sở, khó chịu, dạ dày của con chỉ có bằng vậy, mẹ cứ cố vượt quá dung tích cho phép để làm gì?
Mẹ hãy nghĩ rằng nếu chính mình cũng thế, không muốn ăn nữa mà bị ép phải ăn sẽ khó chịu thế nào? Bởi vậy mẹ chỉ nên cho con ăn vừa đủ thôi, để bé không cảm thấy bị ức chế đến mức sợ ăn uống. Ăn trong trạng thái không vui vẻ cũng khiến con không hấp thụ được chất dinh dưỡng đâu, mẹ à!
Hết 30 phút rồi, bữa ăn kết thúc ở đây thôi!
Khái niệm một bữa ăn của con thường được bố mẹ tự đặt ra là ăn đến khi nào xong, hết thì thôi, bao lâu mẹ cũng chờ được, thức ăn tuyệt đối không được bỏ thừa. Điều đó không phải là sự kiên nhẫn của mẹ nữa rồi, đó lại chính là một trong những lý do khiến con biếng ăn ngày qua ngày.
Nếu mẹ chưa biết điều này thì chuyên gia khuyên mẹ rằng, mỗi bữa ăn của trẻ không nên kéo dài quá 30 phút. Nếu bé không ăn hết mẹ cũng hãy dừng bữa của con. Bởi vì sau khi ăn xong, bé cần một khoảng thời gian nhất định để tiêu hóa thức ăn nạp vào. Bữa ăn của bé kéo dài quá lâu, đến bữa sau bé vẫn chưa kịp tiêu hóa hết thức ăn của bữa trước nên chưa cảm thấy đói, không muốn ăn, nhưng đó cũng là lúc mẹ lại tiếp tục cho con một bữa ăn mới. Vòng luẩn quẩn đó mẹ có thấy quen không?
Thương con bằng cho con ăn vô tội vạ
Vì thương con biếng ăn, còi cọc nên bất cứ lúc nào con muốn ăn gì là mẹ lại lập tức chiều ý, thôi thì con cứ ăn là được, ăn gì cũng được. Những bữa phụ xuất hiện từ đây, mọi lúc mọi nơi với những món khoái khẩu của bé, nào bim bim, bánh kẹo, thức ăn nhanh… Chính những “thủ phạm” này khiến bé ngang dạ, đến bữa chính lại ngồi trước bàn ăn với vẻ mặt đầy chán nản, cơm mẹ nấu biết ăn thế nào khi bụng vẫn còn no?
Ăn vặt chỉ nên diễn ra giữa 2 bữa chính thôi mẹ ơi, và cho con một lượng thức ăn nhỏ để làm sao bé kịp tiêu hóa khi bước vào bữa chính. Mẹ cũng đừng nuông chiều con bằng những món hấp dẫn như bánh, kẹo, bim bim… Thay vào đó là trái cây sẽ tốt hơn rất nhiều.
“Ăn ngoan nào để mẹ mở điện thoại cho con xem”
Cảnh tượng này có lẽ đã chẳng còn xa lạ gì giữa thời đại 4.0 như hiện nay. Nó hiện hữu trong mỗi gia đình, trong mỗi bữa ăn, trở thành điều dĩ nhiên đến quen thuộc. Thế mới có chuyện những MV ca nhạc thiếu nhi cán mốc tỷ view, tất cả là nhờ những khán giả nhí, vừa say mê cuốn theo tiếng nhạc, miệng mở to theo bản năng đón những thìa cơm, thìa cháo của mẹ, của bà.
Cái lợi trước mắt của cách này khiến nhiều mẹ vui như tìm được bảo bối. Bát cháo, bát cơm nguội lạnh, mất ngon sớm muộn sẽ hết vì có “mồi” là chiếc tivi, điện thoại. Nhưng thói quen xấu của con cũng bắt đầu từ đó, những lần sau bé lại tiếp tục đòi hỏi sự trao đổi, phải được xem tivi, điện thoại thì mới chịu ăn. Đó có phải là điều tốt hay không, chắc chắn là không mẹ nhỉ. Bởi vậy, trước khi con quá phụ thuộc vào đồ công nghệ, mẹ hãy luyện cho con việc ăn uống nghiêm túc trên bàn ăn và nói không với điện thoại, tivi.
Người mẹ nào cũng yêu con, cũng mong muốn nâng niu, chăm bẵm, làm những điều tốt đẹp nhất cho thiên thần bé nhỏ của mình. Thế nhưng để làm được điều đó, mẹ hãy là một bà mẹ thông thái, đủ hiểu biết để không vô tình biến sự yêu thương của mình thành điều gây hại cho con.