Danh Mục
Theo “thói quen” của nhiều người từ thế hệ ông bà, thậm chí đến các bậc phụ huynh trẻ đang nuôi con nhỏ vẫn đang giữ nếp dự trữ và sử dụng kháng sinh khi con bị cảm cúm hay cảm lạnh.
Không thể phủ nhận, nhiều người, đặc biệt là người lớn sẽ thấy việc sử dụng kháng sinh khi bị cảm cúm, cảm lạnh rất hiệu quả. Thế nhưng, vì sao các bác sĩ lại khuyến cáo không được dùng kháng sinh để điều trị cảm cúm, cảm lạnh?
Một điểm chung mà Trung tâm Sức khoẻ Nhi khoa (TTSKNK) nhận thấy đó là: chính bởi người lớn khá chủ quan với những “bệnh vặt” như cảm cúm, cảm lạnh này nên chỉ khi mãi không thấy khỏi, thấy các triệu chứng nặng thêm mới dùng đến thuốc, lúc này đơn thuốc thường kèm theo kháng sinh. Do đó, với nhiều người, kháng sinh đã trở nên quen thuộc và là “thần dược” giúp chúng ta khỏi bệnh.
Thế nhưng, cha mẹ, ông bà cần hiểu rõ về kháng sinh cũng như biện pháp xử lý ĐÚNG khi con cảm lạnh, cảm cúm.
1. Kháng sinh chữa cảm cúm cảm lạnh không có tác dụng với virus:
Do virus nằm trong vật chất di truyền của tế bào chủ cho nên nếu KS tiêu diệt virus thì đồng nghĩa với diệt cả tế bào chủ (người hoặc động vật). Hơn nữa, virus còn có khả năng nằm ẩn mình vài năm trong tế bào ở thể không hoạt động và luôn thay đổi hình dạng nên có khả năng kháng lại thuốc rất cao.
Vì vậy không được dùng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh do virus Chỉ khi nào thực sự có nhiễm khuẩn hoặc nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao (như sau phẫu thuật) mới phải dùng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh phải dùng đủ liều lượng và đủ thời gian quy định, nếu không sẽ tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc lại càng nguy hiểm hơn.
2. Cảm cúm và cảm lạnh là do virus tạo thành bệnh:
Cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm virus gây nhiễm trùng ở mũi và cổ họng (đường hô hấp trên). Nó còn được gọi là viêm mũi họng cấp tính và chứng sổ mũi cấp tính.
Cúm là một căn bệnh truyền nhiễm đường hô hấp gây ra bởi virus influenza. Virus influenza gồm có hai loại chính là type A và type B, gây ra hai loại cúm lây truyền giữa người với người là cúm A và cúm B, tạo ra mùa cúm hàng năm.
Đối với virus để tiêu diệt chúng, người ta sử dụng các thuốc kháng virus là nhóm thuốc khác, chứ không phải là thuốc KS. Ví dụ như để trị cúm do virus người ta dùng các thuốc là oseltamivir (tamiflu), zanamivir (relenza), amantadine (symmetrel) và rimantadine (flumadine)…
3. Khi nào kháng sinh cần được sử dụng khi con cảm cúm, cảm lạnh?
Thông thường cảm lạnh, cảm cúm, các bác sĩ không cho trẻ dùng kháng sinh, vì đa phần bệnh là do virus, trong khi kháng sinh chỉ hoạt động chống lại vi khuẩn.
Dùng thuốc kháng sinh không đúng bệnh, đúng liều có thể làm hệ thống miễn dịch yếu đi, tạo môi trường thuận lợi cho virus phát triển.
Tuy nhiên, khi trẻ bị cảm lạnh hay cảm cúm cũng là lúc hệ miễn dịch của con tạm thời yếu đi, đây là cơ hội để các loại nhiễm khuẩn khác xuất hiện. Khi trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm kéo dài và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, có thể con đã chuyển sang giai đoạn bội nhiễm. Lúc này, con cần được đi khám, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cụ thể, xác định con có bị vi khuẩn xâm nhập thêm không thì mới chỉ định sử dụng kháng sinh thích hợp.
Còn với cảm cúm và cảm lạnh thông thường, cha mẹ chỉ cần chú ý giữ vệ sinh, xử lý các triệu chứng gây khó chịu cho con và tăng cường hỗ trợ đề kháng để trẻ nhanh hồi phục, tránh kéo dài và chuyển sang giai đoạn bội nhiễm. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Những chia sẻ chi tiết về sử dụng kháng sinh hợp lý sẽ được tiết lộ trong cuốn sách sắp ra mắt của Thạc sĩ – Dược sĩ Trương Minh Đạt (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y dược, Giám đốc Trung tâm sức khoẻ Nhi khoa Century)