Bé ra mồ hôi trộm không sốt: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Mồ hôi trộm là tình trạng mồ hôi tiết ra từ cơ thể trong lúc ngủ thường xuất hiện ở các vị trí đầu, trán, nách, háng, bàn tay, bàn chân, nhất là vùng lưng.

Thật dễ hiểu khi bé cưng đổ mồ hôi trộm lúc ốm. Thế nhưng ngay cả lúc khỏe mạnh lưng con cũng bị ướt nhẹp vào ban đêm khiến mẹ không hiểu vì sao. Trẻ ra mồ hôi trộm không sốt là do đâu? Làm sao để giúp bé con thoát khỏi tình trạng ra mồ hôi trộm đáng ghét? TTSKNK sẽ giúp mẹ đi tìm nguyên nhân và cách phòng tránh mồ hôi trộm cho bé.

Mồ hôi trộm là gì? Mẹ và bé gặp vấn đề và phiền toái gì khi bé bị mồ hôi trộm?

Mồ hôi trộm là tình trạng mồ hôi tiết ra từ cơ thể trong lúc ngủ thường xuất hiện ở các vị trí đầu, trán, nách, háng, bàn tay, bàn chân, nhất là vùng lưng. Mồ hôi trộm xuất hiện không phải do thời tiết oi bức hay do bé hoạt động nhiều.

Vì thân nhiệt của trẻ em sơ sinh khá cao nên việc bé dễ đổ mồ hôi là chuyện bình thường. Nếu tình trạng mồ hôi toát ra chỉ hơi ẩm, không ướt lưng, bết tóc thì không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu đêm nào con cũng toát mồ hôi đầm đìa ướt cả áo, mẹ sờ thấy con lạnh lưng thì đây là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều và mẹ cần phải chú ý.

Tình trạng này khiến bé con dễ bị cảm lạnh, ho, viêm đường hô hấp, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi, lười bú, chậm tăng cân, sức đề kháng yếu đấy mẹ ạ.

Mẹ có biết vì sao bé con đổ mồ hôi trộm nhiều không?

Có thể những cách ủ ấm hoặc không gian phòng chưa phù hợp nên bé bị ra mồ hôi trộm. Vì vậy, mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

1. Phòng quá bí

Đành rằng không nên để trẻ sơ sinh tiếp xúc với nắng, gió quá nhiều, tuy nhiên nếu mẹ đóng kín phòng ngủ của bé thì sẽ làm gió và không khí không lưu thông, dễ khiến con nóng bức và đổ mồ hôi nhiều đấy mẹ ạ.

2. Mẹ ủ bé quá kỹ

Nhiều mẹ có thói quen dùng gối chặn để giữ cố định bé, đồng thời, đắp chăn, quấn khăn hoặc chũn chặt để con không bị giật mình và lạnh. Thế nhưng mẹ không biết rằng nếu ủ quá kỹ như vậy, cơ thể bé sẽ không thể thoát nhiệt, sinh ra nóng bức và đổ mồ hôi nhiều. Hoặc thói quen ấp trẻ sơ sinh vào lòng mẹ cũng có thể vô tình khiến thân nhiệt của bé tăng lên và đổ mồ hôi ướt lưng trong khi ngủ.

3. Thói quen dùng điều hòa không phù hợp với trẻ sơ sinh

Thói quen đóng kín cửa khi dùng điều hòa cũng dễ khiến bé bị ngột ngạt, nóng bức, dẫn đến tình trạng đổ mồ hôi trộm. Ngoài ra, do lo sợ bé yêu bị lạnh nên mẹ thường chỉnh điều hòa ở mức nhiệt cao từ 28ºC trở lên khiến bé con bị nóng và toát nhiều mồ hôi.

4. Dùng tã dán sơ sinh không phù hợp

Nếu tã dán sơ sinh có chất liệu không mềm mại, bí, không thoáng khí, bề mặt không thấm hút tốt, để lại ẩm ướt trong khi sử dụng cũng sẽ khiến bé con nóng bức và đổ mồ hôi nhiều. Tình trạng mồ hôi nhiều có thể gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp và ảnh hưởng đến vấn đề cân nặng cũng như nhiều vấn đề về sức khỏe khác của bé như:

Cảm lạnh, ho sốt, viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, lười bú, chậm tăng cân đấy mẹ ạ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho sức khỏe của bé suy kiệt, chậm lớn, miễn dịch kém từ đó dễ bị mắc bệnh. Vậy, dấu hiệu hay triệu chứng nào để mẹ nhận biết được bé con bị đổ mồ hôi nhiều? Mẹ hãy theo dõi phần tiếp theo nhé.

Các triệu chứng đổ mồ hôi quá nhiều ở trẻ sơ sinh

Những dấu hiệu sau có thể cho mẹ biết bé con có đang bị đổ mồ hôi trộm quá nhiều hay không.

  • Thấy rõ những giọt mồ hôi lấm tấm trên đầu, trán của bé
  • Tóc ướt, bết
  • Cổ ướt
  • Khi mẹ sờ tay vào thấy rõ ngực, lưng bé bị ướt
  • Lớp tã, áo sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với lưng, ngực ẩm hoặc ướt
  • Bao tay, bao chân sờ thấy ẩm
  • Khi tháo bao tay, bao chân thấy tay, chân của bé ướt và sờ thấy lạnh

Tình trạng mồ hôi trộm nhiều và kéo dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé con vì vậy mẹ không nên chủ quan. Mẹ có thể tìm hiểu kỹ hậu quả của mồ hôi trộm ở phần tiếp theo nhé.

Mồ hôi trộm gây hại cho bé sơ sinh như thế nào?

Mồ hôi trộm quá nhiều có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như sau:

♦ Khiến bé ngủ không ngon giấc: Bé ngủ không sâu giấc hay trằn trọc, quấy khóc sẽ có hại cho hệ thần kinh, gây bất ổn cho tinh thần, khiến bé dễ bị căng thẳng, stress và chậm phát triển trí não.

♦ Nguy cơ viêm đường hô hấp: Mồ hôi trộm vào ban đêm khiến bé dễ bị nhiễm lạnh do mẹ không phát hiện và lau kịp thời. Khi mồ hôi thấm ẩm ướt quần áo sẽ làm hạ thân nhiệt của trẻ, từ đó khiến con dễ bị cảm lạnh, ho sốt, viêm phế quản, viêm phổi.

♦ Khiến bé con bị mất nước: Tình trạng toát mồ hôi quá nhiều sẽ khiến cơ thể trẻ bị mất nước và chất điện giải từ đó dễ gây nóng trong, rối loạn tiêu hóa, táo bón. Hệ tiêu hóa không khỏe mạnh làm hạn chế sự hấp thụ chất dinh dưỡng từ đó khiến bé chậm tăng cân và ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển của trẻ.

♦ Gây rôm sảy, mụn nhọt: Tình trạng ứ đọng mồ hôi ở lỗ chân lông dễ gây ra rôm sảy, mụn nhọt hoặc các bệnh về da liễu khác khiến bé con ngứa ngáy, khó chịu.

Mồ hôi trộm không chỉ ảnh hưởng xấu đến việc phát triển thể chất mà còn khiến gây hại cho sự phát triển trí não của bé. Vì vậy, mẹ cần ngăn ngừa mồ hôi trộm để giữ cho cơ thể bé luôn khô thoáng. Vậy làm thế nào để giúp bé thoát khỏi tình trạng mồ hôi trộm?

Làm thế nào để phòng tránh mồ hôi trộm quá nhiều ở trẻ sơ sinh?

Để đánh bay mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh, giúp bé con đêm dài ngon giấc, mẹ có thể tham khảo ngay các gợi ý này nhé.

1. Chọn đồ sơ sinh có chất liệu mềm mại, thông thoáng

Để bé yêu không cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, mẹ nên chọn quần áo có chất liệu mềm mại, thông thoáng. Mẹ cũng không nên cho bé mặc quần áo quá dày làm cơ thể bé bị ủ nhiệt dẫn đến mồ hôi trộm nhé.

2. Giữ phòng ngủ của bé thông thoáng, nhiệt độ phòng thích hợp

Đối với trẻ sơ sinh khỏe mạnh, trong khi bật điều hòa, mẹ nên đồng thời mở cửa phòng để không khí lưu thông, giúp bé yêu dễ chịu. Ngoài ra, nếu bé đã đeo bao tay, bao chân, đội mũ thì mẹ nên để điều hòa ở mức nhiệt 26-28ºC. Nhiệt độ phòng trên 28°C sẽ làm bé con bị nóng và đổ mồ hôi đấy mẹ nhé.

3. Mẹ bỏ thói quen ủ bé quá kỹ trong khi ngủ

Đây là thói quen xấu làm tăng thân nhiệt của trẻ, khiến bé bị đổ mồ hôi đầm đìa khi ngủ. Vì vậy, mẹ không nên đắp chăn cho bé quá dày, đồng thời mẹ cũng nên bỏ thói quen ấp bé để mồ hôi không làm phiền giấc ngủ của con nữa nhé.

Không phải lúc nào bé ra mồ hôi trộm nhiều cũng là do con bị ốm sốt hoặc gặp vấn đề về sức khỏe. Con đổ mồ hôi trộm nhiều còn có thể do mẹ chưa biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh phù hợp nữa. Vì vậy, mẹ nên thay đổi cách chăm sóc bé theo các bước đã hướng dẫn ở trên.