Sau khi ăn, bé xuất hiện tình trạng tím tái cả mặt và tay nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Mới đây, một bé gái 5 tuổi ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã bị ngộ độc thực phẩm phải đưa đến bệnh viện điều trị vì ăn kim chi do người mẹ tự làm. Bác sĩ cho biết, khi bé gái nhập viện, mở khẩu trang thì thấy môi bé gái tím tái, ngón tay cũng chuyển sang màu tím, trong quá trình xét nghiệm cho thấy độ bão hòa oxy trong máu của bé gái chỉ còn 83% và có các triệu chứng rõ ràng của tình trạng thiếu oxy.
Bác sĩ chẩn đoán cô bé bị ngộ độc, một điển hình của ngộ độc nitrit. Người cha cho biết, trong bữa ăn tối, anh lấy món kim chi muối cách đây gần 2 tuần và cho cô con gái 5 tuổi ăn. Không ngờ, vừa ăn được một lúc, con gái anh xuất hiện triệu chứng khó chịu nên anh vội vàng đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Sau điều trị đầy đủ của bác sĩ, cô bé hiện đang hồi phục tốt.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến bé gái có triệu chứng ngộ độc là do đã ăn kim chi ngâm chua khoảng hai tuần. Hàm lượng nitrit trong kim chi cũng như các loại rau muối chua đạt đỉnh cao nhất trong vòng hai tuần sau khi được ngâm, sau đó nó bắt đầu giảm xuống. Rau muối chua sau 25 ngày thì có thể yên tâm ăn. Vì các loại rau muối chua đạt mức an toàn khi nó đủ độ chín, khi đó hàm lượng nitrit gần như mất hẳn. Tuy nhiên, nó sẽ tăng trở lại khi dưa có dấu hiệu khú, hỏng.
Các triệu chứng của ngộ độc nitrit là gì? Chúng ta nên phòng tránh nó như thế nào?
Nitrit là muối có chứa anion nitrit (NO2). Phổ biến nhất là natri nitrit, natri nitrit có dạng bột hoặc hạt màu trắng đến vàng nhạt, vị hơi mặn và dễ tan trong nước. Nitrit cực kỳ độc, có thể bị ngộ độc khi ăn phải 0,3-0,5gam, nếu ăn đến 3gam có thể gây chết người.
Hơn nữa khi nitrit vào dạ dày kết hợp với các thức ăn như thịt, cá, cua, mắm… tạo thành hợp chất nitrosamine có thể gây ung thư. Vậy, để bảo vệ bản thân và gia đình, bạn nên hạn chế lượng rau muối chua như kim chi, dưa cà muối xổi hoặc đã bị khú đưa vào cơ thể.
Tình trạng ngộ độc nitrit khởi phát nhanh, thời gian ủ bệnh chung từ 1 đến 3 giờ. Đặc điểm chính của ngộ độc là tím tái do thiếu oxy mô, như môi, lưỡi, đầu ngón tay, kết mạc, da mặt và toàn thân đều bầm tím. Trường hợp nhẹ thì gây chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, tim đập nhanh, buồn ngủ hoặc cáu kỉnh, khó thở, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Trường hợp nặng có thể hôn mê, co giật, đại tiện không tự chủ và tử vong do suy hô hấp.
Phòng tránh ngộ độc nitrit cho trẻ như thế nào?
1. Không cho trẻ ăn thức ăn ôi thiu
Trong thức ăn ôi thiu thường tồn tại nitrit, hãy cố gắng giữ thức ăn tươi để tránh ngộ độc nitrit.
2. Không ăn rau mới ngâm
Hàm lượng nitrit trong rau dưa muối là cao nhất, vì khi muối dưa chúng ta thường cho nhiều muối và ít nhất phải ngâm muối trong 20 ngày trước khi ăn để tránh tác hại do ngộ độc nitrit.
3. Tránh những món có hàm lượng nitrit cao
Các loại rau, quả xanh được bón nhiều phân hóa học cũng chứa nhiều nitrit. Nếu không được sử dụng đúng cách cơ thể cũng sẽ tự hấp thụ hàm lượng nitrit rất lớn từ rau củ quả vào cơ thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài ra, trong thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, nem chua, xúc xích, thịt hun khói, thịt và cá đông lạnh cũng là những món có nguy cơ nhiễm độc nitrit, nitrat rất cao.
Vậy nên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho trẻ, bố mẹ nên tìm mua thực phẩm tươi sạch, rõ nguồn gốc. Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh…
(Theo Vietgiaitri)