Theo Đông y, viễn chí vị đắng cay, tính ôn; vào kinh phế, tâm và thận. Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, khứ đàm khai khiếu.
Trừ đờm, chữa ho:
Bài 1: viễn chí 8g, cát cánh 6g, cam thảo 6g. Sắc chia uống 3 lần trong ngày. Chữa ho có đờm.
Bài 2: viễn chí 12g, trần bì 4g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm.
Chữa trẻ em sốt cao co giật: viễn chí 8g, sinh địa 8g, câu đằng 8g, thiên trúc hoàng 8g. Sắc uống.
Chữa mụn nhọt sưng do đờm tắc đọng hoặc sưng vú: sắc uống, bã đắp chỗ đau.
Có thể dùng viễn chí để giải độc phụ tử, ô đầu.
Một số món ăn thuốc có viễn chí:
Bột viễn chí chiêu nước cơm: viễn chí tán bột mịn. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần, uống với nước cơm hoặc cháo. Dùng cho người suy nhược thần kinh, quên lẫn, giảm trí nhớ, tim đập mạnh, loạn nhịp, mất ngủ.
Cháo viễn chí táo nhân: viễn chí 10g, toan táo nhân sao 10g, gạo tẻ 50g. Sắc các vị thuốc lấy nước, bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo. Ăn vào buổi tối trước khi ngủ. Món này thích hợp cho người tim đập mạnh, loạn nhịp, quên lẫn, giảm trí nhớ, mất ngủ, ho, nhiều đờm.
Kiêng kỵ: Người bệnh không có chứng thực hỏa và người âm hư dương vượng không dùng.