3 tuổi là một trong những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của con nhỏ về cả thể lực, trí tuệ và cảm xúc.
Trước khi con lên 3, những đứa trẻ nhận được nhiều sự quan tâm và chỉ dẫn đúng cách của cha mẹ sẽ có những biểu hiện tốt, là nền tảng phát triển về lâu dài sau này.
Đặc biệt, giai đoạn từ 0-3 tuổi là quãng thời gian của “khoảng trống miễn dịch”, con dễ ốm vặt. Việc hỗ trợ đề kháng cho con không chỉ giúp con dễ chịu hơn mà còn để con khỏe mạnh, không bỏ lỡ giai đoạn vàng để học hỏi, phát triển.
Kích thích giác quan của con
Trong giai đoạn này, thị giác, thính giác, xúc giác và giác quan khác phát triển rất nhanh. Việc kích thích ở mức độ vừa phải các giác quan này có thể thúc đẩy sự phát triển của các dây thần kinh não của trẻ.
Cha mẹ có thể dành thời gian hàng ngày, thể hiện tình cảm với trẻ như ôm con, trò chuyện với con, để bé tiếp xúc với một số đồ chơi giáo dục… để thúc đẩy phát triển xúc giác cho con.
Hỗ trợ đề kháng, dinh dưỡng cho con đúng và đủ
Hỗ trợ đề kháng cho con là một hành trình dài và liên tục. Thế nhưng, trong giai đoạn từ 0-3 tuổi, cha mẹ càng nên đặc biệt chú ý bởi hệ miễn dịch của con còn đang non nớt và trong quá trình hoàn thiện. Đây là giai đoạn được coi là “khoảng trống miễn dịch” của trẻ.
Con có khỏe mạnh, phát triển đều thì mới có thể lực để khám phá và phát triển trí tuệ.
– Ưu tiên cho con sử dụng sữa mẹ trong những năm đầu đời
– Ăn dặm hợp lý, cân bằng dinh dưỡng
– Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên
– Tiêm phòng đầy đủ
– Bổ sung vitamin tổng hợp hay khoáng chất cần thiết theo nhu cầu và hướng dẫn chuyên môn
– Vệ sinh không gian ở, sinh hoạt của con sạch sẽ
– Chú trọng giấc ngủ
Cho con không gian riêng để tự khám phá
Ngoài việc hỗ trợ con trực tiếp tương tác cùng bố mẹ, phụ huynh cũng nên tạo cho con một khoảng không gian riêng để tự khám phá.
Ví dụ như khi con muốn chơi một đồ chơi mới, thay vì hướng dẫn con ngay, cha mẹ có thể để con tự mày mò, nhờ đó mà kích thích trí tưởng tượng cho con.
Đặc biệt ở giai đoạn con mọc răng, hành động cho đồ vật lên miệng của trẻ là một phản xạ để con khám phá, cảm nhận nên cha mẹ cũng đừng quá ngăn cấm, thay vào đó chú ý vệ sinh đồ chơi của con sao cho sạch sẽ hoặc chủ động đưa vào tầm với của con những thiết bị, đồ dùng an toàn.
Khuyến khích con nuôi dưỡng sở thích của mình
Khi con lớn hơn một chút, cha mẹ nên tạo cho con thêm trai nghiệm như ca hát, vẽ tranh, các môn thể thao mới… để tìm ra được điều con yêu thích, hứng thú. Từ đó tạo điều kiện cho con rèn luyện.
Theo nghiên cứu, thông qua việc nuôi dưỡng một sở thích, trí não của con sẽ được phát triển hơn, đồng thời rèn luyện thêm tính kiên nhẫn, theo đuổi tìm hiểu sâu một vấn đề.