Trẻ tăng chiều cao chậm có nghiêm trọng không?

Có lẽ thời đại của “siêu mẫu”, phụ huynh nào cũng muốn con cao. Rất nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy con mình không cao bằng “con nhà người ta”. Cha mẹ sợ sau này con sẽ thấp bé hơn. Điều đó có thực sự đúng đắn? Trẻ tăng chiều cao chậm có nghiêm trọng không? 

Chiều cao là chỉ số “trung thực” hơn cân nặng

Ông bà ta có câu: “Nhất dáng nhì da”. Chiều cao trở thành một tiêu chí về “cái đẹp” bất biến trong văn hoá người Việt. Tuy nhiên có một nghịch lý rằng, cha mẹ muốn trẻ cao nhưng từ ngày thơ ấu, lại đo cân nặng nhiều hơn chiều cao, có những phu huynh còn chưa từng đo chiều cao/ chiều dài cho trẻ.

Hôm nay mình có trò chuyện với một mẹ, bạn ấy kể con bạn 3 tháng nhưng được 5kg, bé lúc sinh nặng 3,4 kg và bé hay táo bón nữa. Mình có hỏi lại bạn chiều dài hiện tại của bé là bao nhiêu, mấy tháng gần đây bé có dài thêm không? Nhưng rất tiếc là bạn ấy đã không đo chiều dài cho bé trong 3 tháng này. Có lẽ, đây là sai lầm mà nhiều mẹ gặp phải. Hầu như khi nhắc đến sự tăng trưởng của trẻ các mẹ chỉ quan tâm đến cân nặng mà bỏ qua một chỉ số cực kì quan trọng đó là chiều cao của bé.

Trẻ tăng chiều cao chậm, mẹ phải làm sao?

Chiều cao quyết định tăng trưởng dài hạn của trẻ

Theo sách “Bài giảng nhi khoa” của Nhà xuất bản Y học khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ cân nặng chỉ phản ánh tình trạng nhất thời.  Bác sĩ cần phải phối hợp với chiều cao để quyết định trong dài hạn con có tăng trưởng tốt không?

Lấy một ví dụ đơn giản, chẳng hạn bạn cao 1m60. Chẳng may bạn bị ốm, cân nặng có thể sụt nhưng bạn sẽ không thấp hơn. Rõ ràng chỉ số 1,6m mới là yếu tố chính xác hơn để đánh giá tăng trưởng của bạn. Tương tự với trẻ em cũng vậy.

Chính vì thế, TTSKNK khuyến khích cha mẹ nên đo chiều cao/ chiều dài, và cân nặng của trẻ theo tháng. Với trẻ nhỏ dưới 3 tháng, tần suất đo có thể theo tuần. Việc này hữu ích cho bác sĩ, đặc biệt đối với trẻ chậm tăng cân, biếng ăn, chậm tăng chiều cao.

Khi nào cha mẹ cần lo lắng chiều cao của bé? 

Theo NCBI, trẻ được gọi là tầm vóc thấp (short stature) khi chiều cao của trẻ <-2 SD (theo Z-score) hoặc < 3rd (theo bách phân vị) khi so sánh cùng tuổi, cùng giới. Hoặc nếu bé có chiều cao nằm trong khoảng bình thường nhưng đường cong tăng trưởng chiều cao luôn nằm dưới 25th bách phân vị trong 6 – 12 tháng quan sát.

Rõ ràng, không nên chỉ dựa vào chiều cao tại một thời điểm để đánh giá tình trạng của bé mà phải kết hợp với sự tăng chiều cao qua các giai đoạn.

Các mẹ có thể tham khảo tiêu chuẩn của WHO – 2006 để đánh giá chiều cao và các chỉ số khác của bé như bảng bên dưới:

Biểu đồ tăng chiều cao của bé gái
Biểu đồ tăng chiều cao của bé trai

Vì sao trẻ tăng chiều cao chậm? 

Theo một nghiên cứu đánh giá về sự tăng trưởng của 2500 trẻ tại một bệnh viện ở Ấn Độ cho kết quả:  140 trẻ (5,6%) có tầm vóc thấp trong đó do nguyên nhân sau

  1. Suy dinh dưỡng (30%)
  2. Các bệnh lý không phải do nội tiết (30%)
  3. Rối loạn xương (11,4%)
  4. Rối loạn nội tiết (10,7%)
  5. Trì hoãn tăng trưởng thể chất và dậy thì – CDGP (10,7%)
  6. Trẻ nhỏ so với tuổi sinh – SGA (3,6%)
  7. Các nguyên nhân khác.

Trẻ chậm tăng chiều cao, mẹ có cần lo lắng? 

Khi trẻ có tầm vóc thấp, các mẹ không nên quá lo lắng bởi đó có thể là một tình trạng bình thường không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên mất cảnh giác bởi đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nào đó.

  • Tầm vóc thấp sinh lý bình thường:

+ Trẻ tầm vóc thấp có tính gia đình (Familial short stature). Những bé này thường có bố mẹ hoặc cả hai có chiều cao thấp;

+ Trì hoãn tăng trưởng thể chất và dậy thì (Constitutional delay in growth and puberty – CDGP). Bé có thể có chiều cao trong giai đoạn ấu thơ thấp, dậy thì muộn hơn nhưng bé sẽ đạt được chiều cao đạt chuẩn khi trưởng thành;

+ Trẻ nhỏ so với tuổi sinh (Small for gestational age – SGA). Do một nguyên nhân nào đó bé chậm tăng trưởng từ trong tử cung mẹ nhưng nếu sau khi sinh bé được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ thì phần lớn bé bắt kịp tăng trưởng sau khoảng 2 tuổi.

  • Tầm vóc thấp do bệnh lý.

Đây là vấn đề đáng lo ngại, nhiều bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ như: Các bệnh tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, nhiễm trùng…; các bệnh nội tiết dẫn đến thiếu hụt 1 số hormon như thiếu hormon tăng trưởng GH, hormon tuyến giáp…; tình trạng suy dinh dưỡng và rối loạn gen. Những bệnh lý này cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

  • Yếu tố môi trường

Môi trường căng thẳng, trẻ bị ruồng bỏ, thiếu căng thẳng cũng là nguyên nhân làm bé chậm tăng chiều cao.

Tại sao trẻ tháng này tăng chiều cao chậm hơn so với tháng trước? 

Theo sách “Bài giảng nhi khoa”, chiều dài lúc sinh bình quân 50 cm. Trẻ tăng 25 cm trong năm đầu (Nhưng lưu ý khác nhau giữa các tháng: 3 tháng đầu tăng trung bình 3,5 – 3,8 cm/tháng; 3 tháng tiếp theo tăng 2 cm/tháng; 6 tháng còn lại 1,2 – 1,4 cm/tháng). Trong năm thứ 2, trẻ tăng 12cm. 8 cm ở năm thứ 3; từ 4 – 10 tuổi tăng 5 cm/năm. Nên nếu mẹ lo lắng khi tại sao tháng trước bé tăng 2 cm chẳng hạn nhưng tháng này bé tăng có 0,5cm thôi thì mẹ nên nhớ mỗi giai đoạn sự tăng chiều cao của bé là khác nhau nhé.

Mẹ nên làm gì nếu con tăng chiều cao chậm hơn so với chuẩn?

Đại đa số việc trẻ tăng chiều cao chậm có liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Vì thế, khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất:

  1. Tập trung vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ bằng các siêu thực phẩm.
  2. Bổ sung thêm vitamin tổng hợp giúp cải thiện vị giác, tăng cường sức khoẻ. Đồng thời các sản phẩm bổ sung vitamin tổng hợp cũng chứa vitamin D, giúp trẻ kích thích chiều cao.
  3. Cho trẻ vận động nhiều. Cha mẹ đừng yêu cầu trẻ ngồi yên một chỗ, vì “mẹ không đủ hơi chạy theo con đâu”. Thực tế, trẻ vận động “nhiều” là so với người lớn. Còn với một đứa trẻ, sự vận động đó tốt cho việc phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ. Cụ thể, vận động giúp trẻ tăng cường chuyển hoá canxi vào xương, giúp hệ xương chắc khoẻ tự nhiên.
  4. Cho trẻ ngủ sớm. Thời điểm trẻ ngủ, quá trình đồng hoá diễn ra rất mạnh, nên trẻ ngủ sớm sẽ có điều kiện tăng trưởng chiều cao tốt hơn trẻ ngủ ít, ngủ muộn.
Chăm sóc dinh dưỡng đúng nhu cầu lứa tuổi, ngủ đủ và vận động là cách giúp trẻ tăng chiều cao
Chăm sóc dinh dưỡng đúng nhu cầu lứa tuổi, ngủ đủ và vận động là cách giúp trẻ tăng chiều cao

Tóm lại

Theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, sử dụng biểu đồ tăng trưởng là “test” tốt nhất để theo dõi sự tăng trưởng của trẻ. 6 tháng là khoảng thời gian điển hình cho trẻ lớn lên. Nếu như tốc độ tăng trưởng của trẻ là bình thường thì không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng nếu có bất thường như trình bày ở trên thì mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được khám xác định nguyên nhân.

Trung tâm sức khoẻ nhi khoa

Kỳ tích cậu bé 580 gram và hành trình thoát ốm, tăng cân vù vù