Trẻ bị viêm phế quản thở khò khè tái đi tái lại mãi không khỏi? Đó là tình trạng chung của rất nhiều bé mà Trung tâm chăm sóc sức khỏe nhi khoa nhận được thắc mắc của các mẹ gửi về cho trung tâm.
Mẹ Nhung (24 tuổi, Hà Nội): bé nhà em được 1 tháng tuổi đi khám bác sĩ bảo bị viêm phế quản. Bé thở khò khè, kèm sốt uống thuốc mà mãi chưa khỏi. Em lo quá, bác sĩ cho e lời khuyên với ạ?
Hãy cùng giải đáp thắc mắc của mẹ Nhung cũng như của các mẹ khác về căn bệnh trẻ bị viêm phế quản thở khò khè với bác sĩ Hà – Trung tâm chăm sóc sức khỏe nhi khoa nhé!
Danh Mục
Mẹ có biết viêm phế quản khò khè thường mắc ở trẻ sơ sinh?
Viêm phế quản là bệnh hô hấp cấp tính rất hay gặp ở trẻ sơ sinh, vào mùa đông xuân, thời tiết ẩm ướt. Trẻ sơ sinh hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện tạo điều kiện vi sinh tấn công vào lớp tế bào biểu mô niêm mạc phế quản. Bệnh có thể nhẹ nhưng có thể rất nặng do suy hô hấp gây tử vong.
Các nguyên nhân trẻ có thể bị viêm phế quản?
1.Tác nhân nhiễm trùng
- Virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm 30-50% các trừờng hợp.
- Virus cúm và á cúm (25%)
- Virus Adenovirus (10%)
2.Yếu tố nguy cơ
Do mẹ chăm sóc chưa đúng cách:
- Bật quạt ,điều hòa khiến trẻ dễ cảm lạnh
- Mẹ để con tiếp xúc với những người mắc cúm, những người hút thuốc lá
- Trẻ bị ốm do nhiễm virus trước đó (viêm mũi họng, amydal, viêm VA… )
- Bệnh tim bẩm sinh
- Suy giảm miễn dịch
Triệu chứng khò khè do đâu?
Khò khè là âm thanh giống như huýt sáo có âm sắc cao nghe được ở thì thở ra. Khò khè được tạo nên do các phế quản đoạn xa co thắt hẹp lại.Trong hai năm đầu đời, khò khè hầu hết thường do nhiễm siêu vi đường hô hấp cấp tính như viêm phế quản hoặc ho và cảm lạnh.
Rất nhiều mẹ nhầm lẫn khò khè ở phế quản với nghẹt mũi.
- Ba mẹ có thể nghe khò khè ở phế quản bằng cách áp sát tai gần miệng trẻ, nghe như tiếng ngáy có thể kèm theo biểu hiện trẻ thở khó, thở ra kéo dài hơn bình thường. Rất khó để nghe khò khè bằng tai thường mà cần đến bác sĩ để kiểm tra.
- Nghẹt mũi làm cho tiếng thở của bé nghe rồ rồ, khụt khịt nhầm là tiếng khò khè, sau khi vệ sinh mũi (nhỏ mũi, rửa mũi) thì tiếng thở của trẻ sẽ êm hơn. Đại đa số khi các mẹ bảo “em nghe con thở khò khè” là tại mũi chứ không phải ở phế quản.
Phân biệt trẻ bị viêm phế quản thở khò khè với viêm phổi
“Không có sự phân biệt rõ ràng nào giữa viêm phế quản và viêm phổi”, tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, tại Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbil (Mỹ) nhận định. Mẹ nên cho bé đến bệnh viện để kiểm tra bệnh một cách chính xác.Tuy nhiên vẫn có một số điểm khác biệt: viêm phổi tác động tới các túi khí ở phổi trong khi viêm phế quản lại gây ảnh hưởng xấu tới ống dẫn phế quản. Các mẹ tham khảo một số biểu hiện dưới đây:
Viêm phế quản thở khò khè :
- Trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa và cao
- Khò khè tăng, không bú được, dễ kiệt sức
- Khò khè không cải thiện dù đã sử dụng đến ba liều thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh
Viêm phổi:
- Giai đoạn ủ bệnh: Dài hay ngắn tùy thuộc vào từng loại virus
- Giai đoạn khởi phát: Triệu chứng viêm long đường hô hấp trên trong vài ngày (đau họng, chảy mũi, hắt hơi, ho), có thể kèm theo sốt nhẹ.
- Giai đoạn toàn phát: Trẻ sốt vừa hoặc cao. Thở nhanh kèm theo rút lõm lồng ngực.
- Các trường hợp nặng có thể có tím, thở rên và mệt lả, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay?
- Trẻ bị viêm phế quản ho nhiều: Trẻ bị cơn ho kéo dài không ngừng, đỏ bừng mặt (ho gà). Trẻ li bì, khó đánh thức, quên bú.
- Trẻ bị viêm phế quản sốt cao, nhiều ngày: trẻ sốt ≥ 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra, tránh hiện tượng co giật.
- Trẻ viêm phế quản khó thở:
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức độ khó thở của trẻ được tính như sau:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở < 60 lần/phút.
- Trẻ 2 tháng – 12 tháng tuổi: nhịp thở <50 lần/phút
- Trẻ từ 1- 5 tuổi: nhịp thở <40 lần/phút
Các mẹ có thể tự tính nhịp thở của con để đưa con đến cơ sở khám bệnh sớm nhất.
Khỏi dứt điểm viêm phế quản thở khò khè nếu mẹ tuân thủ nguyên tắc sau:
- Chống suy hô hấp: Đặt trẻ nằm nơi thoáng khí, yên tĩnh, nới rộng quần áo, tã lót.
- Một số trường hợp bác sĩ yêu cầu dùng khí dung để tránh suy hô hấp. Các mẹ lưu ý chỉ khí dung khi có sự chỉ định của bác sĩ và không lạm dụng.
Chống nhiễm khuẩn:
- Sử dụng kháng sinh cho trẻ khi có bội nhiễm. Đại đa số các trường hợp viêm phế quản ban đầu do virus và không cần thiết dùng kháng sinh đâu nhé!
- Vệ sinh sạch sẽ: hàng ngày vệ sinh răng miệng và da.
- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mũi. Đặc biệt là trước khi bé ngủ để mũi họng thông thoáng, bé ngủ ngon hơn.
- Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ: Nới rộng quần áo, tã lót duy trì thân nhiệt ổn định.
- Chống mất nước, rối loạn điện giải.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
Trẻ viêm phế quản thở khò khè nên ăn gì?
- Trẻ được cung cấp đủ năng lượng theo cân nặng, lứa tuổi.
- Nếu trẻ bú kém cần cho trẻ ăn bằng thìa để đảm bảo số lượng.
- Trẻ ăn dặm hoặc trẻ lớn cần cung cấp thức ăn dễ tiêu và đảm bảo lượng calo cần thiết.
- Trẻ không tự ăn được cần phải tiến hành cho ăn qua ống thông hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch khi trẻ không bú được, nôn trớ hoặc ỉa chảy.
Trẻ viêm phế quản thở khò khè có cần bù nước không?
- Theo dõi và đánh giá tình trạng mất nước của trẻ (thóp, môi, mắt, nếp véo da, khát nước, tinh thần, nước tiểu…). Đảm bảo nước và dinh dưỡng đầy đủ
- Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt nước ấm. Truyền dịch cho trẻ khi có chỉ định.
- Theo dõi tình trạng điện giải để kịp thời điều chỉnh cho trẻ.
Tăng sức đề kháng cho trẻ viêm phế quản thở khò khè
- Nên cho ăn trẻ ăn nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể bé đặc biệt là các vitamin C, E, A.
- Sử dụng các thuốc bổ, vitamin tổng hợp với các bé có sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng.
- Sữa chua chứa men vi sinh giúp cân bằng hệ tiêu hóa vốn còn non nớt của trẻ. Các lợi khuẩn có trong sữa chua còn hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch của bé.
Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng cho trẻ nhanh nhất chỉ bằng 7 bước đơn giản
Phòng bệnh cho trẻ tránh viêm phế quản
- Giữ ấm cho trẻ, tránh nhiễm lạnh, giữ môi trường bé tiếp xúc luôn sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi nhà,.
- Không cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc bệnh đường hô hấp.
- Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý.
- Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ như vaccine phế cầu, vaccine Haemophilus influenza…
Như vậy, trẻ viêm phế quản thở khò khè không thể xem thường. Mẹ nên cho bé đến bệnh viện để kiểm tra bệnh một cách chính xác và điều trị có phác đồ cụ thể tránh bệnh diễn biến nặng, gây những hậu quả nặng nề cho trẻ. Cha mẹ hãy chăm sóc con cẩn thận để phòng bệnh cho bé tránh bị viêm phế quản thở khò khè.
Xem thêm: Mẹ đã biết cách nhận biết trẻ bị viêm phổi sớm?