Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan cho cộng đồng. Bệnh lành tính, ít nguy hiểm nhưng cũng có gặp thể biến chứng nặng nếu không được chữa trị đúng cách. Ai cũng có thể bị thủy đậu nhưng bệnh hay gặp hơn ở trẻ em. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Dưới đây là tổng hợp những kiến thức hữu ích nhất về thủy đậu.
Danh Mục
1. Bệnh thủy đậu và tác nhân gây bệnh
Bệnh thủy đậu được xếp vào bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster ( VZV ). Biểu hiện điển hình như mụn nước ngứa trên da và niêm mạc, sốt cao, mệt mỏi. Bệnh lây qua đường hô hấp, tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch.
Người mắc bệnh thủy đậu hiếm khi tái phát do cơ thể tạo miễn dịch trọn đời với bệnh.
2. Nguồn lây nhiễm bệnh và dịch tễ
Người là nguồn bệnh thủy đậu duy nhất. Bệnh lây từ người này qua người khác do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua dịch hô hấp ( nước bọt, dịch mũi, ..), dịch từ nốt phỏng.
Bệnh rất dễ lây truyền, tỷ lệ lây nhiễm thường cao hơn 90% ở những người chưa có miễn dịch trước đó.
Ai cũng có thể mắc thủy đậu nhưng trẻ em là đối tượng hay gặp nhất. Bệnh gặp ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh phổ biến vào mùa đông và đầu mùa xuân, có tính chất chu kì.
3. Triệu chứng của thủy đậu
Bất cứ ai chưa từng bị thủy đậu và chưa được tiêm vaccine đề có nguy cơ mắc bệnh. Từ khi mắc bệnh đến khi có những dấu hiệu đầu tiên có thể mất 7 – 21 ngày. Bệnh thường kéo dài 4 – 7 ngày từ khi khởi phát.
Triệu chứng kinh điển của thủy đậu là phát ban sau đó biến thành mụn nước ngứa ( nốt rạ ) sau khô và đóng vảy. Nốt mọc toàn thân / rải rác khoảng 100 – 500 nốt. Những nốt ban đầu tiên thường ở ngực, lưng, mặt. Sau đó ban lan ra khắp cơ thể, có thể có trong mí mắt, miệng và bộ phận sinh dục. Nốt rạ thường để lại sẹo lõm trên da khi khỏi bệnh.
Những triệu chứng khác có có thể xuất hiện trước phát ban 1 – 2 ngày gồm:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Ăn mất ngon
- Đau đầu
4. Biến chứng của thủy đậu
Thủy đậu thường lành tính, sẽ khỏi sau một thời gian phát bệnh. Hầu hết người khỏe mạnh mắc bệnh ít gặp phải biến chứng nếu được điều trị đúng cách.
Đối tượng có nguy cơ mắc biến chứng cao hơn:
- Trẻ sơ sinh
- Phụ nữ mang thai
- Người có hệ miễn dịch suy yếu ( do bệnh/ do thuốc ):
- Người bị HIV/AIDS
- Bệnh nhân ung thư
- Bệnh nhân cấy ghép
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch corticoid kéo dài
Các biến chứng có thể gặp:
- Nhiễm trùng các cơ quan: da, niêm mạc, viêm phổi, viêm màng não, viêm thận và cầu thận, viêm tai giữa, …
- Bệnh lý về máu: xuất huyết, nhiễm trùng huyết
- Thần kinh, võng mạc: Zona thần kinh, viêm võng mạc
- Dị tật bẩm sinh thai nhi khi mẹ mang thai mắc thủy đậu
Những biến chứng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
5. Điều trị và chăm sóc bệnh thủy đậu như thế nào?
Thủy đậu là bệnh có thể điều trị tại nhà, đến nay chưa có thuốc đặc trị. Các biện pháp điều trị hỗ trợ chủ yếu để giảm triệu chứng, dự phòng viêm nhiễm và những biến chứng nặng xảy ra. Tuy nhiên nguyên tắc điều trị vẫn cần tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Chăm sóc người bệnh tại nhà
Khi bị thủy đậu nên tránh tiếp xúc với nhiều người, hạn chế đi đến nơi đông người. Trẻ em bị thủy đậu nên cho trẻ nghỉ học từ 5-7 ngày đến khi hết bệnh. Lựa chọn quần áo mỏng, rộng tránh làm vỡ mụn nước. Chọn chất liệu vải thấm mồ hôi đề phòng viêm nhiễm các mụn nước. Hạn chế tiếp xúc với gió, đặc biệt là gió lạnh vì khiến cơ thể nhiễm lạnh làm bệnh nặng thêm.
Để riêng các vật dụng cá nhân: cốc , ly, bàn chải đánh răng, khăn mặt, …Trong thời gian bệnh phải vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước sát trùng hoặc nước ấm. Không được dùng xà phòng chà xát da. Trẻ nhỏ bị thủy đậu bố mẹ nên đeo bao tay hoặc cắt gọn móng để trẻ không gãi các vết bỏng làm vỡ mụn nước.
Lưu ý trong ăn uống
Thủy đậu là bệnh do virus gây ra nên sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Tăng sức đề kháng để bổ sung thêm năng lượng sẽ giúp trẻ nhanh lành bệnh. Do vậy, nên chọn ăn những thực phẩm đa dạng, nhiều dưỡng chất và giàu vitamin cho cơ thể để hồi phục sức khỏe, nâng cao đề kháng. Chọn chế biến món ăn mềm, dễ tiêu. Uống đủ nước, bổ sung thêm nước hoa quả mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi bị thủy đậu vẫn nên kiêng một số thực phẩm sau:
- Đồ ăn chiên rán, dầu mỡ
- Thực phẩm cay, nóng, mặn
- Hạn chế ăn đồ ăn có nhiều acid: cam, chanh, café, socola
- Các thực phẩm gây dị ứng
- Món ăn có nếp như xôi, bánh chưng
Dùng thuốc cho người mắc thủy đậu
Dùng thuốc tím bôi lên nốt mụn nước đề phòng viêm nhiễm và giảm sẹo sau này. Khi sốt cao có thể dùng Paracetamol hạ sốt nhưng phải theo liệu lượng chỉ dẫn của bác sĩ. Sử dụng dung dịch sát khuẩn Argyrol / chloramphenicol để vệ sinh mắt, mũi. Sau khi các nốt rạ đóng nắp có thể sử dụng kem dị ứng, kem bôi ngứa.
Những loại thuốc tuyệt đối không được dùng:
- Aspirin
- Thuốc mỡ tetracyclin, Penicillin
- Với phụ nữ có thai không được dùng kem trị ngứa có chứa Phenol
Bắt buộc đưa người bệnh đi gặp bác sĩ khi:
- Sốt kéo dài hơn 4 ngày, sốt cao >39ºC
- Bất kì khu vực nào trên cơ thể trở nên nóng, đỏ, chảy mủ nhiều, mủ có màu khác lạ
- Cứng cổ
- Nôn thường xuyên
- Ho nặng
- Khó thở
- Đau bụng nặng
6. Các biện pháp dự phòng thủy đậu
Biện pháp tối ưu nhất phòng ngừa thủy đậu là tiêm phòng. Đối với trẻ em, sử dụng vacxin thủy đậu là rất cần thiết. Tuân thủ lịch tiêm phòng thủy đậu như sau:
- Mũi 1: khi trẻ trên 12 tháng tuổi
- Mũi 2: Tiêm sau mũi đầu 3 tháng ( Trẻ từ 1-13 tuổi) hoặc sau mũi đầu 1 tháng ( trẻ lớn hơn 13 tuổi )
Nếu tiếp xúc với người bệnh mà chưa có kháng thể ngừa thủy đậu phải tiêm chủng ngừa trong vòng 3 ngày sau đó.
7. Chiến dịch chống dịch bệnh
Bệnh thủy đậu dễ dàng lây lan thành dịch cho cộng đồng. Khi phát hiện bệnh thủy đậu cần thực hiện các biện pháp sau để ngăn dịch lây lan rộng rãi:
- Cách li với cộng đồng: Nghỉ học / nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác. Hạn chế đến nơi đông người
- Sát khuẩn các đồ vật, vật dụng có nguy cơ bám dịch tiết hô hấp, dịch mủ
- Chủ động tiêm phòng trong 96 giờ phơi nhiễm với bệnh
Nâng cao kiến thức về bệnh thủy đậu và chủ động phòng ngừa góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh cho con và cộng đồng. Hy vọng bài viết giải đáp được hết những thắc mắc của mẹ về thủy đậu. Mẹ không phải hoang mang trước mùa dịch thủy đậu đang xảy ra xung quanh trẻ.
Xem thêm: