Danh Mục
Virus Corona là gì?
Virus Corona là một họ virus lớn thường lây nhiễm cho động vật nhưng đôi khi chúng có thể tiến hóa và lây sang người. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó xâm nhập vào một số tế bào và chiếm lấy bộ máy tế bào (gây tổn thương viêm đặc hiệu ở đường hô hấp), đồng thời virus chuyển hướng bộ máy đó để phục vụ cho nó, tạo ra virus mới và nhiễm tiếp người khác.
Có 7 loại virus Corona, trong đó, 4 loại không nguy hiểm là 229E, NL63, OC43 và HKU1; hai loại khác là Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), nguy hiểm hơn và từng gây ra đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, còn một loại virus Corona thuộc chủng mới (ký hiệu SARS-CoV-2, còn được gọi với cái tên “Virus Vũ Hán”) đang “tung hoành” trong những ngày này. SARS-CoV-2 là tác nhân gây ra bệnh viêm phổi cấp, khiến hàng nghìn người nhiễm bệnh và làm số ca tử vong không ngừng tăng lên từng ngày.
Tuy nhiên, năm 2021 đã ghi nhận những biến thể mới của Virus Corona với tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn so với chủng cũ rất nhiều.
Chủng virus biến thể ở Brazil là biến thể virus gây bệnh COVID-19 mới nhất được ghi nhận. Nó dễ lây lan hơn “phiên bản cũ” vào thời điểm đại dịch mới bắt đầu.
Biến thể được tìm thấy ở Anh mặc dù chủ yếu là khu trú ở Anh nhưng đã kịp thời phát tán ra hơn 50 quốc gia.
Biến thể ở Nam Phi cũng đã có mặt ở ít nhất 20 quốc gia khác, trong đó có Anh.
Trong quá trình lây lan và phát triển, tất cả các virus đều xuất hiện các đột biến và hình thành biến thể mới. Cả ba virus biến thể mới đây đều có sự thay đổi ở protein sợi (spike protein) phần virus dùng để gắn vào với tế bào của con người.
Sự biến đổi này giúp các biến thể có khả năng lây nhiễm cho tế bào và lây lan tốt hơn. Biến thể ở Nam Phi dường như đã có những thay đổi quan trọng hơn so với biến thể ở Anh. Và biến thể ở Brazil lại có những đột biến tương tự như biến thể ở Nam Phi, khiến các chuyên gia y tế lo ngại.
SARS-CoV-2 tồn tại được bao lâu trên các bề mặt?
Ở nhiệt độ cao bên ngoài cơ thể (trên 20 độ C, đặc biệt là trên 25 độ C), ánh nắng, môi trường thông thoáng, SARS-CoV-2 sẽ yếu đi và giảm khả năng lây bệnh. Nhưng nếu ở nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí, lạnh thì virus sẽ phát tán và lây lan rất nhanh vì đây là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển.
Hiện vẫn chưa biết chắc chắn virus SARS-CoV-2 tồn tại được bao lâu trên các bề mặt, mặc dù thông tin sơ bộ cho thấy virus có thể tồn tại trong vài giờ. Các chất khử trùng đơn giản có thể tiêu diệt virus khiến nó không còn khả năng lây nhiễm cho người.
Bạn cần nhớ, ở nhiệt độ 40 độ C hoặc hơn, virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng. Bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm, thông thường chúng chết chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp, virus có thể kéo dài thời gian sống.
Cơ chế gây bệnh và lây lan của Virus Corona SARS-CoV-2?
Hầu hết các loại SARS-CoV-2 có con đường lây truyền giống như những loại virus gây cảm lạnh khác, đó là:
- Người bệnh ho và hắt hơi mà không che miệng, dẫn tới phát tán các giọt nước vào không khí, làm lây lan virus sang người khỏe mạnh.
- Người khỏe mạnh chạm hoặc bắt tay với người có SARS-CoV-2 khiến virus truyền từ người này sang người khác.
- Người khỏe mạnh tiếp xúc với một bề mặt hoặc vật thể có virus, sau đó đưa tay lên mũi, mắt hoặc miệng của mình.
- Trong những trường hợp hiếm hoi, virus Corona có thể lây lan qua tiếp xúc với phân.
Virus này ban đầu có thể xuất hiện từ nguồn động vật nhưng hiện nay đã lây lan từ người sang người. Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, trung bình một bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 sẽ lây lan sang 5,5 người khác. Chính vì SARS-CoV-2 có khả năng lan truyền rất nhanh từ người sang người, nên nếu người dân không được trang bị kiến thức về phòng chống bệnh, đại dịch rất dễ xảy ra.
Những triệu chứng và biến chứng gây ra bởi virus Corona SARS-CoV-2?
Các triệu chứng của bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 tiến triển từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng cấp tính như: ho, sốt, khó thở… có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, SARS-CoV-2 gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong…
Thời gian ủ bệnh của SARS-CoV-2 là 14 ngày tức là từ lúc nhiễm Virus Corona tới lúc phát bệnh là 14 ngày mới có biểu hiện lâm sàng. Điều này khiến cho các biện pháp kiểm soát hiện nay rất khó phát hiện.
Người bình thường có biểu hiện sốt thì có phải do SARS-CoV-2 hay không?
Trường hợp sốt, cần phải xem xét người sốt có tiếp xúc với nguồn lây trước đó không? Có đi từ vùng dịch tễ về không? Có tiếp xúc với người có nhiễm bệnh không?… Nếu loại bỏ được những yếu tố trên thì sốt hoàn toàn không liên quan đến việc nhiễm Virus Corona.
Trường hợp sốt do tiêm vắc xin thường là sốt nhẹ, sốt đơn thuần. Nếu không có nguồn lây thì đây là phản ứng thông thường nên hoàn toàn có thể yên tâm.
SARS-CoV-2 nguy hiểm với nhóm đối tượng nào?
Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Virus Corona chủng mới đặc biệt nguy hiểm với những người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, trẻ em, những người có các bệnh lý nền mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch…). Những đối tượng này có khả năng lây nhiễm cao, khó điều trị và bệnh lý diễn biến nhanh, nguy hiểm cho tính mạng.
Đặc biệt, virus Corona cực kỳ nguy hiểm cho phụ nữ có thai. Khi phụ nữ có thai mắc bệnh sẽ để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý này với phụ nữ có thai tương tự như mức độ của dịch bệnh MERS năm 2014.
Trẻ em có nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao không?
Theo tổng kết về SARS, MERS-CoV thì tỉ lệ trẻ em mắc phải là rất thấp, người dưới 18 tuổi chỉ chiếm 5%. Với SARS-CoV-2, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới, trẻ nhỏ ít bị hơn người lớn.
Tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan, thoải mái để trẻ ra ngoài mà không bảo vệ, không có biện pháp phòng ngừa. Cần phải dự phòng, tất cả mọi người đều phải được phòng ngừa và thực hiện biện pháp phòng ngừa như nhau.
Đã có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra chưa?
Tại thời điểm này, chưa có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra. Những người bệnh hiện nay được điều trị giảm các triệu chứng, các trường hợp bệnh nặng sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ tối ưu nhất. Một số phương pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu, thực hiện trong điều trị lâm sàng cho các bệnh nhân.
Phòng ngừa bệnh viêm phổi cấp do SARS-CoV-2 như thế nào?
Để phòng ngừa và ngăn chặn việc phát tán loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc.
- Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
- Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà phòng…
- Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.