Sốt xuất huyết có lây không, ăn gì tốt?

Những năm gần đây, tỉ lệ mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam tăng mạnh, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Nhiều người e ngại, không dám tiếp xúc với người mắc bệnh do tâm lý sợ lây. Vây thực tế sốt xuất huyết có lây không? Cùng tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết dưới đây.

Sốt xuất huyết có lấy không
Sốt xuất huyết có lấy không

Sốt xuất huyết bắt nguồn từ đâu?

Sốt xuất huyết hay chính xác hơn là sốt xuất huyết do virus là một nhóm các bệnh do một số họ virus gây ra. ở Việt nam sốt xuất huyết thường do virus Dengue gây ra hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue.

Sốt xuất huyết lây qua đường nào? Tiếp xúc với người mắc bệnh, sốt xuất huyết có lây không?

ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: “Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt”. Bệnh sốt xuất huyết Dengue lây truyền qua muỗi đốt. Muỗi vằn (Aedes) hút máu người bị bệnh sau đó mang virus, khi chúng đốt người lành sẽ lây truyền virus Degue sang người cho lành. Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Đó chính là lý do, dịch sốt xuất huyết bùng lên mạnh mẽ. 

Bệnh sốt xuất huyết không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, nên chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết không bị lây. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây trực tiếp qua đường hô hấp hay tiếp xúc từ người sang người.

 Mắc sốt xuất huyết rồi có bị lây lại không?

Nhiều người băn khoăn đã bị sốt xuất huyết rồi có bị lây lại không nhưng các bác sĩ cho biết bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau mức độ nặng hơn lần trước.

Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể tái nhiễm, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước. Cụ thể, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời.

Đặc điểm nhận dạng muỗi vằn Aedes lây bệnh sốt xuất huyết

Khi thấy muỗi đốt, mẹ đừng lo lắng liệu” sốt xuất huyết có lây không?” Không phải muỗi nào cũng truyền virus lây bệnh sốt xuất huyết. Ở Việt Nam có hai loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là loài muỗi nhỏ, màu đen hoặc hơi nâu đen. Trên thân mình và chân có các vằn trắng, ưa thích hút máu người. 

Muỗi hoạt động trong môi trường ánh sáng yếu. Chúng thường tăng cường đốt người vào buổi sáng sớm và chiều tà hoặc hoạt động cả ngày trong những căn phòng thiếu ánh sáng. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các xó tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư như các vũng nước mưa, các mảnh vỡ, vỏ lon, vỏ chai đọng nước, thậm chí cả trong những lọ hoa, chum vại, bể nước.

Làm thế nào để phân biệt sốt xuất huyết với sốt do virus khác

Trong giai đoạn nhiễm virus, biểu hiện của sốt xuất huyết không khác nhiều so với các bệnh sốt virus khác. Trong mùa dịch sốt xuất huyết nếu xuất hiện sốt, đau đầu nhiều, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu diễn biến nặng.

Xét nghiệm quan trọng nhất để hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết là xét nghiệm công thức máu. Nó giúp thầy thuốc quyết định có cần truyền dịch, truyền máu hay không, số lượng cần truyền bao nhiêu. Xét nghiệm này có thể thực hiện được ở tất cả các bệnh viện và hầu hết các phòng khám khu vực.

Sốt xuất huyết ăn gì tốt cho sức khỏe?

sốt xuất huyết nên ăn gì
Sốt xuất huyết nên ăn gì
  • Bí ngô: Giàu vitamin A, giúp hỗ trợ sự phát triển tiểu cầu và điều chỉnh các protein được sản xuất bởi các tế bào cơ thể.
  • Cam, bưởi: Trái cây họ cam giàu chất khoáng và chứa nhiều vitamin C thích hợp để tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
  • Ổi: Tương tự như cam, ổi giàu vitamin C, rất hữu ích để tăng khả năng miễn dịch và tăng số lượng tiểu cầu.
  • Bổ sung  nhiều nước: Cơ thể khi bị sốt sẽ mất nước rất nhanh, vậy nên cách bù nước hiệu quả nhất là uống nhiều nước hoặc bổ sung oresol.

Phòng tránh lây sốt xuất huyết bằng cách nào?

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em cũng như cho người lớn, mẹ cần bổ sung cho mình những kiến thức để phòng tránh, ngăn chặn tình trạng dịch lây lan. Cùng tham khảo một số biện pháp sau.

  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, sinh hoạt để muỗi không có cơ hội sinh sản.
  • Mặc quần áo dài cho bé khi vui chơi.
  • Không để trẻ vui chơi ở những địa điểm thiếu vệ sinh, ao hồ nơi có nhiều muỗi.
  • Sử dụng kem chống muỗi cho bé. Lưu ý sử dụng kem chống muỗi thích hợp với độ tuổi trẻ.
  • Mắc màn khi ngủ cho dù là ban đêm hay ban ngày.
  • Sử dụng vợt bắt muỗi trong nhà.
  • Phối hợp với chính quyền địa phương để phun hóa chất diệt muỗi khi có dịch.

Hi vọng những thông tin trên đã giúp mẹ trả lời câu hỏi sốt xuất huyết có lây không cũng như cung cấp kiến thức, các cách phòng tránh lây bệnh sốt xuất huyết cho con và gia đình.

Tham khảo: ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Xem thêm: Tổng hợp từ A – Z kiến thức về bệnh thuỷ đậu

Cách tăng sức đề kháng cho trẻ nhanh nhất chỉ bằng 7 bước đơn giản

Trung tâm sức khỏe nhi khoa