Sinh non và dọa sinh non – Hiểm họa không ngờ đối với mọi phụ nữ mang thai

Sinh non và dọa sinh non – Hiểm họa không ngờ đối với mọi phụ nữ mang thai. Ở giai đoạn mang thai, sức khỏe của mẹ và thai nhi luôn là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Do vậy, mỗi thai phụ nên tự trang bị cho mình kiến thức thiết yếu về những hiểm họa có thể xảy đến.

Trong đó, nguy hiểm mà mẹ nhất định phải biết là sinh non và dọa sinh non. Vậy nguyên nhân dẫn đến sinh non và dọa sinh non là gì? Mẹ phải xử lý như thế nào khi xảy ra tình trạng này? Hãy để Trung tâm sức khỏe nhi khoa giúp mẹ đi tìm ra câu trả lời.

Thế nào được gọi là sinh non?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sinh non là tình trạng em bé sinh ra trước khi đủ 37 tuần thai kỳ. Vào năm 2014 WHO cũng phân loại các mức độ sinh non:

  • Cực non: sinh trước 28 tuần.
  • Rất non: sinh từ 28 – 31 tuần.
  • Non: sinh từ 32 – 36 tuần.

Bé sinh non sẽ khó mà khỏe mạnh được như bé sinh đủ tháng. Những thiệt thòi mà bé sinh non gặp phải là:

  • Thiếu cân, nhẹ cân vì bị ngừng dinh dưỡng từ mẹ.
  • Phổi chưa hoàn thiện, khó hô hấp bình thường sau khi sinh. Dẫn đến dễ bị suy hô hấp và tử vong hoặc dễ mắc bệnh hô hấp sau này như viêm phổi, viêm phế quản.
  • Các cơ quan chưa phát triển đầy đủ, dễ bị khiếm khuyết bẩm sinh hoặc chậm phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ. Cái khó là những vấn đề này vốn tiềm tàng, không có dấu hiệu rõ ràng nên rất khó phát hiện ngay sau sinh.
Trẻ sinh non phải chịu nhiều thiệt thòi
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị sinh non

Nguyên nhân dẫn đến sinh non?

Chưa có nguyên nhân cố định và trực tiếp nhưng những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ sinh non:

Từ mẹ:

  • Tuổi dưới 20 hoặc trên 35.
  • Dinh dưỡng kém hoặc lao động nặng nhọc.
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích.
  • Mắc các bệnh như: nhiễm trùng, chấn thương, bệnh nghề nghiệp, bệnh nội khoa.
  • Có bất thường ở hệ sinh sản như tử cung dị dạng: hai sừng, một sừng vách ngắn, kém phát triển, mắc phải: dính buồng tử cung, u xơ, tử cung có sẹo, hở eo tử cung, khoét chóp.
  • Viêm nhiễm âm đạo – tử cung (lậu cầu, clamydia, trichomonas, viêm màng ối, streptoccocus nhóm B, BV…)
  • Tiền sử sinh non, sẩy thai to, sinh cực non.

Từ thai:

  • Ối vỡ non, ối vỡ sớm
  • Nhiễm trùng ối
  • Đa thai
  • Đa ối
  • Rau tiền đạo, rau bong non

Làm sao để biết mẹ có bị sinh non hay không?

Thường khi thấy dấu hiệu người ta sẽ dùng từ dọa sinh non (vì lúc này chưa sinh non), dấu hiệu hay gặp nhất là:

  • Đau bụng âm ỉ hoặc quằn quại hoặc trì nặng bụng
  • Ra dịch nhầy hồng hoặc nhớt, trong, hơi xanh (màu của nước ối) ở âm đạo
  • Gò (cơn co) tử cung liên tục trên 30 giây, có ít nhất 4 cơn/20 phút, hoặc 8 cơn/60 phút. Sờ cảm nhận được và gây đau.

Lúc này thì mẹ nên đi khám ngay. Nếu khám thấy:

  • Cổ tử cung mở trên 2 cm hoặc xóa mở trên 80%. Siêu âm độ dài cổ tử cung nhỏ hơn 26 mm thì 9/10 trường hợp sẽ sinh non.
  • Xét nghiệm đo Fetal Fibronectin (fFN – chất đệm lỗ ctc) tăng trên 50 ng/ml. Không có triệu chứng: fFN (-) 99,2% chưa sinh trong 7 ngày còn fFN (+) thì 16,7% sẽ sinh trong 14 ngày. Có triệu chứng: fFN (-) 93,9% không sinh trước 37w còn fFN (+) thì 46,3% sinh trước 37 tuần.

Khi bị dọa sinh non cần xử lý như thế nào?

Khi bác sĩ kết luận là mẹ bị dọa sinh non, mục tiêu chính là giữ thai trong tử cung càng lâu càng tốt:

1. Nằm nghỉ ngơi, theo dõi thêm, kiêng đi lại, kiêng quan hệ vợ chồng.

2. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm co để hạn chế các cơn gò tử cung (gò nhiều nó đẩy thai ra sớm). Thuộc các nhóm thuốc sau:

  • Đồng vận beta (ritodrine, terbutaline, salbutamol).
  • Đối vận thụ thể oxytocin (atosiban).
  • Chẹn kênh canxi (nifedipine, nicardipine).
  • Ức chế tổng hợp prostaglandin (indomethacin, sulindac).
  • Dẫn chất của nitric oxide (NO donors, GTN).
  • Magnesium sulfate.

Lưu ý: Những loại thuốc này đều phải được kê và uống theo liều chỉ định của bác sĩ.

3. Nếu dọa sinh non trước 34 tuần, bác sĩ sẽ cho tiêm trưởng thành phổi. Mục tiêu để hoàn thiện chức năng phổi, để bé có ra đời sớm thì vẫn hô hấp bình thường.

4. Nếu hở eo cổ tử cung thì bác sĩ có thể chỉ định khâu eo cổ tử cung.

(Xem thêm: Cảnh báo! Khoảng 1 triệu cặp vợ chồng ở Việt Nam đang bị vô sinh hiếm muộn)

Giải pháp cho trẻ có nguy cơ bị sinh non: Tiêm trưởng thành phổi

Hầu hết các mẹ đều khá lạ lẫm về phương pháp này. Tiêm trưởng thành phổi là do bác sĩ chỉ định và đã cân nhắc giữa nguy cơ so với lợi ích mà thuốc mang lại.

Thông thường phổi đạt được sự trưởng thành khi thai được 35 tuần. Nếu sinh trước thời gian này thì bé sẽ có khuynh hướng phát triển hội chứng suy hô hấp hay bệnh màng trong do thiếu chất surfactant trong.

Tiêm trưởng thành phổi (tiêm glucocorticoid) là phương tiện điều trị duy nhất hiện nay cho thấy cải thiện tỉ lệ sống sót của bé sinh non từ 24 – 34 tuần.

Kết luận

Tóm lại, trong quá trình mang thai, mẹ cần đến phòng khám định kỳ để theo dõi tình hình sức khỏe của thai một cách thường xuyên. Cùng với đó là ăn uống và nghỉ ngơi điều độ nhằm giúp thai nhi phát triển bình thường và khỏe mạnh cho đến khi chào đời.