Giun móc xâm nhập người do ấu trùng của giun xuyên qua da, chúng hút máu nhanh và nhiều nên dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Cháu tôi được 4 tuổi, đang học mẫu giáo. Gần đây bé có biểu hiện da nhợt nhạt và đi khám bệnh thì bác sĩ cho biết cháu bị nhiễm giun móc gây thiếu máu. Vậy, xin hỏi bác sĩ có cách nào phòng bệnh giun móc? Cảm ơn bác sĩ.
(lehanh@yahoo.com)
Giun sống ở vùng tá tràng và phần đầu của ruột non là nơi có nhiều mạch máu nên giun rất dễ dàng hút máu của vật chủ. Phương thức hút máu của giun móc rất lãng phí nên vật chủ mất máu nhiều, nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu máu. Trong khi hút máu, giun tiết ra chất chống đông máu làm cho các vết ngoạm tiếp tục bị chảy máu sau khi giun đã chuyển sang ký sinh ở một chỗ khác.
Ngoài ra, giun móc còn gây nên hiện tượng viêm loét hành tá tràng nơi chúng ký sinh. Giun móc xâm nhập người do ấu trùng của giun xuyên qua da. Nếu đi chân đất, nhất là trẻ em đi chân đất, chơi nghịch đất bẩn, do tình trạng tái nhiễm, ngứa nên gãi và bị lở loét hoặc thành các vết sẹo đen, có khi trở thành chàm eczema.
Vì vậy để hạn chế khả năng ấu trùng giun móc xâm nhập xuyên da, cần đi giày dép bảo vệ, không đi chân đất, không nên chơi nghịch với đất bẩn để tránh tiếp xúc da. Việc vệ sinh môi trường cũng cần được chú ý như quản lý chặt chẽ nguồn phân thải bằng hố xí hợp vệ sinh. Cần tẩy giun định kỳ theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.