Phân biệt cảm lạnh, cúm mùa và Covid 19

Khi gặp các triệu chứng cảm ho, sốt, khó thở… mọi người đều sẽ cảm thấy rất lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyên rằng, những lúc như thế này bạn cần phải bình tĩnh và đừng hoảng sợ. Hãy nhớ rằng, có nhiều căn bệnh khác nhau cùng gây nên các triệu chứng tương tự Covid-19 như là cảm lạnh thông thường và cúm mùa. Và có thể, bạn không có mối liên quan nào đến virus SARS-CoV-2.

Trong mùa dịch COVID-19, mọi người cần có kiến thức để phân biệt dấu hiệu khi nhiễm cảm lạnh, cảm cúm và COVID-19 để biết cách phòng bệnh và tránh hoang mang.

Cách phân biệt cảm lạnh và cúm mùa

Bệnh cúm mùa (hay còn gọi là cảm cúm) chủ yếu do virus cúm A, B gây ra. Các chủng virus cúm đang hoạt động thay đổi theo từng năm. Đó là lý do vì sao mọi người nên tiêm ngừa vắc-xin cúm mỗi năm. Những đối tượng dễ mắc bệnh cúm gồm: trẻ dưới 5 tuổi hay người cao tuổi trên 65 tuổi. Phụ nữ đang có thai. Trường hợp mắc bệnh mạn tính kéo dài: bệnh hô hấp như hen, COPD, bệnh tim mạch như suy tim, bệnh gan, bệnh đái tháo đường… Trong hầu hết các trường hợp, những người bệnh bị cúm sẽ khỏi trong 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi…

Các triệu chứng cúm bao gồm: Khô rát cổ họng; Sốt từ vừa đến cao 39 – 400C, trẻ nhỏ bị cúm sốt kéo dài tới 3-4 ngày; Viêm họng; Cảm thấy rùng mình ớn lạnh; Đau nhức các cơ; Đau đầu; Nghẹt mũi và chảy nước mũi; Mệt mỏi kéo dài trên 2 tuần; Buồn nôn và nôn (phổ biến nhất ở trẻ em). Thời gian ủ bệnh cúm kéo dài 1 – 4 ngày, thời kỳ lây: có thể bắt đầu trước khi sốt 1 ngày, kéo dài tới 7 ngày ở người lớn.

Tác nhân gây ra bệnh cảm lạnh: Thường là các loại virus thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus. Triệu chứng của cảm lạnh cũng có mức độ ít nghiêm trọng hơn so với các triệu chứng gây ra do cúm. Khi bị cảm lạnh, thân nhiệt của người bệnh thường không tăng nhiều, ít có khả năng bị sốt, nếu có sốt thì sẽ sốt nhẹ. Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, viêm họng, hắt xì, ho, nhức đầu hoặc đau cơ thể, mệt mỏi nhẹ. Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7-10 ngày.

Cả hai bệnh cúm mùa và cảm lạnh đều là bệnh thường gặp với các triệu chứng tương tự nhau như sốt, viêm hô hấp trên… nhưng diễn tiến của bệnh có nhiều khác biệt cần theo dõi để xử trí phù hợp.

Dấu hiệu đặc trưng khi mắc COVID-19

Khoảng 2-14 ngày sau khi virus SARS-COV-2 xâm nhập cơ thể, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như:

Ho khan, đau họng: Ho khan, thậm chí có đờm đặc và bọt, khả năng cao là dấu hiệu của viêm phổi. Đây chính là một trong những triệu chứng khá nghiêm trọng và phổ biến của COVID-19. Ho do nhiễm virus SARS-COV-2 sẽ không khỏi khi uống thuốc trị ho thông thường. Do vậy, nếu thấy ho nhiều, kéo dài, đừng chủ quan, hãy đi khám ngay.

Cảm thấy khó thở: Triệu chứng này xuất hiện ở đa số các trường hợp mắc COVID-19. Virus này gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, kiểm soát hệ hô hấp dẫn đến triệu chứng khó thở, tức ngực… Nếu bạn bị ho kèm cảm thấy khó thở thì khả năng nhiễm COVID-19 là rất cao. Lúc này, bạn nên đến bệnh viện kịp thời trước khi bệnh tình trở nên trầm trọng.

Sốt: Không phải tất cả người nhiễm virus SARS-COV-2 đều bị sốt. Tuy nhiên, sốt cũng được coi là dấu hiệu, căn cứ để sàng lọc các trường hợp nghi mắc bệnh. Mức độ sốt ở nhiều người nhiễm bệnh có thể khác nhau. Có những người thân nhiệt tăng cao trên 39,50C nhưng một số người chỉ bị sốt nhẹ.

Trong các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng trẻ em khi bị dịch bệnh Corona tấn công ít gặp phải các triệu chứng nặng. Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên lưu ý các triệu chứng sau đây, nếu như trẻ em dưới 14 tuổi mắc phải, cần được đưa đến ngay cơ quan y tế gần nhất.

  • Thở nhanh hoặc khó thở
  • Môi và mặt xanh, tím tái
  • Lồng ngực o ép theo từng nhịp thở
  • Đau ngực
  • Đau cơ nghiêm trọng (trẻ không chịu đi lại)
  • Mất nước (không có nước tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không chảy nước mắt khi khóc)
  • Co giật
  • Sốt trên 40° C
  • Sốt hoặc ho, mặc dù có cải thiện nhưng sau đó sốt trở lại
  • Tình trạng bệnh lý mạn tính trở nên tồi tệ hơn

Ngoài những triệu chứng bệnh kể trên thì những người từng tiếp xúc, đi lại hoặc sinh sống trong khu vực có người nhiễm bệnh (mặc dù không có triệu chứng bệnh) cũng cần được theo dõi y tế sát sao. Với tình hình hiện tại khi không thể xác định và khoanh vùng F0, chúng ta cần cẩn trọng hơn khi gặp các vấn đề này, tốt nhất là nên có sự hướng dẫn và tư vấn từ bác sĩ.