Viêm phế quản là tình trạng viêm của các ống phế quản trong phổi, trong khi viêm phổi gây viêm trong túi khí của phổi được gọi là phế nang. Cả hai bệnh đều có triệu chứng giống nhau, ảnh hưởng đến hô hấp có thể gây đau, ho dữ dội và thường khó để phân biệt giữa viêm phế quản và viêm phổi. Bài viết dưới đây sẽ giúp tìm hiểu thêm về sự khác biệt trong các triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị cả hai tình trạng trên.
Danh Mục
Phân biệt bệnh viêm phổi và viêm phế quản như thế nào?
Viêm phổi là gì? Viêm phế quản là gì?
Viêm phổi và viêm phế quản đều là hai bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, với những triệu chứng giống tương tự nhau. Tuy nhiên, cả 2 bệnh này lại ảnh hưởng đến những phần khác nhau của hệ hô hấp, nên bạn vẫn có thể phân biệt được chúng.

Viêm phế quản: là tình trạng viêm, sưng tại các ống phế quản có chức năng dẫn khí từ ngoài vào hai lá phổi.
Viêm phổi: là sự viêm, nhiễm trùng tại các phế nang – nơi được biết đến là các túi khí dự trữ ty cho cơ thể của bạn. Viêm phổi xảy ra làm cho các túi khí này chứa đầy dịch nhầy và mủ.
Viêm phế quản gồm 2 loại là viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính – tình trạng viêm kéo dài tại phổi của người bệnh. Do đó, với nhiều trường hợp, bệnh viêm phế quản mạn tính có thể tiến triển thành viêm phổi.
Nguyên nhân và triệu chứng của hai bệnh này có gì khác nhau?
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản:
Viêm phế quản cấp tính thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Chúng xâm nhập vào các ống phế quản, gây viêm và kích ứng tại đây. Thậm chí, bệnh cảm lạnh thông thường cũng là yếu tố nguy cơ khiến bạn mắc phải căn bệnh này.
Viêm phế quản mạn tính là do người bệnh tiếp xúc với những tác nhân gây kích thích phế quản, chẳng hạn như khói thuốc lá, không khí bị ô nhiễm, hoá chất độc hại, các chất gây dị ứng đường thở,…
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi
Viêm phổi cũng xảy ra do các tác nhân tương tự như bệnh viêm phế quản. Nhưng khác ở chỗ, khi người bệnh hít phải những chất này, chúng xâm nhập và gây viêm tại các phế nang. Bệnh viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra.
Các triệu chứng của viêm phổi và viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản có triệu chứng giống với nhiễm trùng đường hô hấp trên nhiều hơn. Các biểu hiện thường gặp bao gồm: mệt mỏi, viêm họng, nhức đầu, sổ mũi, sốt nhẹ, hơi ớn lạnh, hơi thở khò khè. Người bệnh viêm phế quản cũng bị ho, cơn ho về đêm sẽ xuất hiện nhiều hơn và có thể ho có đờm.
Ờ người bệnh viêm phế quản mãn tính, các cơn ho thường dai dẳng kéo dài, khi gặp tác nhân kích ứng, cơn ho sẽ bùng phát mạnh hơn.

Đối với bệnh viêm phổi, khi mới khởi phát, bệnh cũng có các dấu hiệu tương tự như viêm phế quản. Nhưng sau đó, các dấu hiệu có thể rõ ràng và nặng hơn. Người bệnh viêm phổi có thể sốt cao, đau tức ngực khi thở sâu hoặc khi ho, việc hít vào – thở ra khó khăn hơn, nét mặt tím tái do thiếu oxy…
Như vậy, có thể dễ dàng thấy rằng, tuy có triệu chứng gần giống nhau, nhưng bệnh viêm phổi thường sẽ nặng hơn so với viêm phế quản.
Chẩn đoán viêm phổi và viêm phế quản bằng cách nào?
Ngay khi có biểu hiện của bệnh, có thể bạn sẽ chưa phân biệt rõ viêm phổi và viêm phế quản. Nhưng để đảm bảo sớm xác định và điều trị đúng bệnh, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Để chẩn đoán chính xác với hai căn bệnh này, bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, sau đó dùng ống nghe để lắng nghe tiếng thở. Tuỳ thuộc và tình trạng của mỗi người, một số xét nghiệm sau sẽ được bổ sung:
- Nuôi cấy đờm: Tìm ra nguyên nhân.
- Chụp X-quang ngực: Tìm ra vị trí nhiễm là tại phổi hay phế quản.
- Đo nồng độ oxy tại phổi.
- Xét nghiệm chức năng phổi (dùng phế dung kế): để có hướng điều trị giúp phục hồi chức năng thở cho cơ thể.
Viêm phổi và viêm phế quản được điều trị ra sao?
Phương pháp điều trị viêm phổi và viêm phế quản đều tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, đồng thời tập trung vào việc điều trị làm giảm các triệu chứng để giúp người bệnh dần phục hồi chức năng đường thở.
Ở người mắc viêm phổi do vi khuẩn hoặc viêm phế quản cấp sẽ được điều trị bằng kháng sinh diệt khuẩn; trường hợp do virus sẽ dùng các thuốc kháng virus. Viêm và nhiễm trùng trong 2 trường hợp này thường diễn ra một thời gian ngắn, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà. Nhưng sau đó, người bệnh sẽ cần được nghỉ ngơi và bổ sung dưỡng chất đầy đủ để cơ thể khoẻ lại .
Ở người mắc bệnh viêm phế quản mãn tính, người bệnh cần thực hiện điều trị lâu dài và kết hợp nhiều liệu pháp tự nhiên để có thể kiểm soát bệnh. Thậm chí, họ sẽ cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn về việc phòng ngừa bệnh tái phát.
Mặc dù có những điểm khác nhau như vậy, nhưng với bất kì nguyên nhân nào, đừng quên thực hiện những điều sau để tăng hiệu quả trị bệnh:
- Nghỉ ngơi nhiều sau khi kết thúc đợt điều trị.
- Uống nhiều nước ấm để làm loãng dịch, đờm có trong phổi và phế quản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tống xuất các chất này ra khỏi cơ thể khi bạn ho.
- Dùng thuốc đúng và đủ liều theo sự kê đơn của bác sĩ, có thể dùng thuốc hạ sốt, giảm ho, long đờm, giãn phế quản để các triệu chứng giảm nhanh hơn.
- Duy trì độ ẩm không khí trong nhà hoặc phòng ngủ của người bệnh.
- Áp dụng liệu pháp xông hơi, dùng nước muối sinh lý để làm sạch và thông thoáng đường thở.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc, ô nhiễm môi trường hoặc các chất kích thích gây viêm niêm mạc phổi, phế quản.