Trong nhóm cũng có vài bài viết về Kawasaki rồi nhưng hôm nay mình chia sẻ câu chuyện của bé nhà mình, mình nghĩ nhiều chia sẻ về bệnh này hơn thì mọi người sẽ có những thông tin cần thiết hơn trong quá trình chăm sóc các bé.
Danh Mục
Hành trình bé 4 tuổi rưỡi đối mặt với bệnh kawasaki
Bé nhà mình 4 tuổi rưỡi.
15h chiều ngày thứ 1: bé sốt 38.3đ, lúc này mình chưa cho con uống hạ sốt, và theo dõi thêm. Bé vẫn chơi nhưng hơi lười ăn.
Ngày thứ 2: cả ngày bé chỉ uống chút sữa, bé lười ăn, lười chơi.
Đầu ngày thứ 3: bé vẫn sốt, mình cho đi khám tại ND2, bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, lúc này bạch cầu và chỉ số nhiễm trùng cao. Bác sĩ bảo bé bị viêm amidan cấp và cho thuốc, bác bảo về uống 2 ngày ko hết sốt thì quay lại.
Ngày hôm đó về bé sốt ngày càng cao, mình cho uống hạ sốt nhưng ko hạ, mình thấy ko ổn nên cuối ngày thứ 3: mình mang kết quả xn máu cho bác sĩ khám cho bé từ lúc nhỏ xem, bác nói phải nhập viện gấp, bạch cầu >23.000, thuốc uống sẽ không đáp ứng được, phải truyền kháng sinh.
Thế là bé nhà mình nhập viện lúc 22h đêm hôm đó, bác sĩ nghe phổi bảo êm, bác cho truyền kháng sinh. Sáng hôm sau (ngày thứ 4), bác cho chụp phim phổi, kết luận bé bị viêm phổi (bé có ho vài tiếng), lúc này chân bé bắt đầu phát ban, mình có báo với bác sĩ điều trị, bác nói, chỉ là phát ban khi sốt thôi.
Hình ảnh trẻ có những dấu hiệu của bệnh kawasaki (minh họa)
Truyền kháng sinh 2 ngày, bé vẫn không cắt sốt, bác đổi kháng sinh khác. Thời gian này, bé ko ăn uống, ko chơi, ít tương tác với mẹ, môi nứt nẻ (mình cứ nghĩ do bé ko uống nước nên khô môi).
Ngày thứ 6, bác sĩ trực (một bác khác) cho bé đi lấy đàm xét nghiệm, mình có báo bác, bé sốt hôm nay là ngày thứ 6 rồi nhưng chưa cắt sốt. Bác quan sát, kiểm tra và bảo chuyển qua khoa tim mạch theo dõi Kawasaki. Khoa tim mạch tiến hành siêu âm tim, kq bé bị dãn nhẹ động mạch vành.
Mình đã từng đọc bài viết của các mẹ về kawasaki rồi nhưng mình lại không có 1 liên tưởng nào đến bệnh đó. Lúc này mình thật sự hoang mang, lo sợ và chỉ biết khóc.
21h đêm hôm đó, bác sĩ truyền 15 lọ IVIG, đến 2h sáng hôm sau, bé cắt sốt. Bé được truyền tiếp kháng sinh cho hết liệu trình.
Sau 5 ngày ở lại viện theo dõi, bé được xuất viện, duy trì Aspirin 81mg mỗi ngày 1 viên. Sau 2 lần tái khám (siêu âm tim), bác sĩ nói động mạch vành của bé trong giới hạn bình thường, và không cần uống Aspirin nữa, tiếp tục tái khám định kỳ cho bé, bác bảo bệnh này thì phải theo dõi cả đời.
Bài viết này, mình hy vọng, khi con có các triệu chứng: sốt cao khó hạ, mắt đỏ, môi nứt rỉ máu, lưỡi đỏ có gai, phát ban, sưng mu bàn tay, bàn chân…, các mẹ hãy nghĩ đến kawasaki để kịp thời chữa trị, giảm thiểu những biến chứng ko hay xảy ra.
Vậy bệnh Kawasaki ở trẻ em là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh Kawasaki là một tình trạng sốt cấp kèm theo phát ban trên toàn cơ thể ở trẻ nhỏ. Nó được đặc trưng bởi viêm lan tỏa trong hệ mạch máu nhỏ trên toàn cơ thể, bao gồm cả các động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.
Bệnh này được đặt theo tên của một bác sĩ nhi khoa người Nhật Bản, người đã mô tả các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của bệnh này vào năm 1967. Bệnh Kawasaki thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi, và tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn so với nữ giới.
Lưỡi dâu tây là biểu hiện điển hình của bệnh
Hậu quả ngay lập tức của bệnh Kawasaki có thể không nghiêm trọng. Tuy nhiên, các vấn đề về tim mạch có thể gây nguy hiểm, như viêm tim, phình giãn động mạch vành dẫn đến tử vong, nhồi máu cơ tim ở trẻ nhỏ, hoặc hẹp và suy vành mạn tính sau này.
Bệnh Kawasaki thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi con bú. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn so với nữ giới.
Biểu hiện khi trẻ mắc kawasaki
Sốt là biểu hiện phổ biến nhất và thường xuất hiện đầu tiên trong bệnh Kawasaki. Nó kéo dài trên 5 ngày và có đặc điểm không phản ứng tích cực với kháng sinh hoặc thuốc hạ sốt thông thường.
Các triệu chứng khác của bệnh Kawasaki bao gồm:
- Kết mạc mắt: Mắt sưng đỏ, thường không chảy dịch, thường hình thành trong tuần đầu tiên khi mắc bệnh.
- Môi: Môi đỏ rực, có thể nứt nẻ và rỉ máu.
- Lưỡi:Lưỡi đỏ và có thể có những vết gai nhỏ trên bề mặt.
- Phát ban: Phát ban thường xuất hiện sớm sau khi mắc bệnh, thường là một loại ban đỏ trên toàn bộ cơ thể.
- Biểu hiện ở đầu chi: Sự sưng nề của mu bàn tay và bàn chân, cũng như màu đỏ tím trên gan bàn tay và bàn chân.
- Hạch bạch huyết: Hạch bạch huyết ở vùng cổ và góc hàm có thể sưng lên một bên và thường to hơn bình thường.
Nếu trẻ em có sốt cao liên tục trong 3-4 ngày, kèm theo 2 hoặc 3 trong số các triệu chứng như phát ban đỏ trên da, môi đỏ và lưỡi nổi gai, đỏ mắt hai bên (viêm kết mạc), và sưng hạch góc hàm, cần nghĩ đến bệnh Kawasaki
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki thường tương tự như nhiều bệnh sốt cấp khác, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc sốt phát ban do vi rút. Một số triệu chứng cũng có thể tiến triển theo hướng tự thoái lui, vì vậy bệnh rất dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Vì vậy, nếu trẻ em có sốt cao liên tục trong 3-4 ngày, kèm theo 2 hoặc 3 trong số các triệu chứng như phát ban đỏ trên da, môi đỏ và lưỡi nổi gai, đỏ mắt hai bên (viêm kết mạc), và sưng hạch góc hàm, cần nghĩ đến bệnh Kawasaki và đưa con đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch nhi để kiểm tra sớm.