Diệu Nhi mới vài ngày tuổi bị khó thở, đang được lo hỗ trợ hô hấp thì đột nhiên Trúc Nhi ngưng thở, khiến điều dưỡng của hai bé song sinh lo lắng tột độ.
Cả khoa Hồi sức – Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khi đó thót tim. Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Tuyền, 25 tuổi, nhớ lại giây phút ấy: “Giữa đêm, Diệu Nhi bị nhiễm trùng máu, thở khó, cứ sợ bé ngưng thở thì Trúc Nhi đột nhiên ngưng thở trước. May mà phát hiện kịp thời, chúng tôi thay nhau massage lồng ngực, bé thức tỉnh, tự thở lại”.
Điều dưỡng Nguyễn Thu Thảo, 37 tuổi, nói rằng chị có chút bối rối khi tiếp nhận hai bé từ bác sĩ sản, hôm 7/6/2019. “Đây là lần đầu tiên tôi chăm sóc hai bé dính nhau, nên có chút hoang mang, chưa biết cách chăm bé tốt nhất”, điều dưỡng Thảo nhớ lại. Chị Thảo có 14 năm kinh nghiệm điều dưỡng sơ sinh.
Khi ấy hai bé sinh non, chỉ nặng tổng cộng 3,2 kg, chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương. Điều dưỡng Thảo, cùng bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình, Trưởng khoa Hồi sức – Sơ sinh, trực tiếp tới Bệnh viện Hùng Vương đón bé đưa về Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để chăm sóc sơ sinh.
Trên đường đưa về bệnh viện nhi đồng, một bé bị suy hô hấp, bác sĩ lập tức đặt nội khí quản, bóp bóng hỗ trợ thở. Còn chị Thảo tranh thủ thiết lập đường ven truyền dịch trên mu bàn tay hai bé.
Đau đầu nhất là xoay trở tư thế cho hai bé. Diệu Nhi yếu hơn, phải thở máy. Điều dưỡng thử đặt hai bé nằm nghiêng, song song nhau nhưng không ổn. Một lần, kiểm tra xong hai bé, chị Thảo vừa quay lưng ghi chép sổ sách thì nghe tiếng thở dốc nặng nề. Ngoái cổ, chị thấy cánh tay Trúc Nhi quờ quạng vô tình làm tụt ven lẫn ống thở của Diệu Nhi. Chị vội vàng chỉnh ống, giúp Diệu Nhi thở đều đặn lại.
Mày mò tìm tư thế mới, các chị xếp Diệu Nhi nằm ngửa phía dưới, cố định để không làm tụt ống thở ra ngoài. Trúc Nhi thở không xâm lấn nên được nằm phía trên, áp bụng ngực vào người Diệu Nhi. Các điều dưỡng canh sát cả ngày lẫn đêm, hai bé có dấu hiệu vô tình làm tổn thương nhau là can thiệp ngay.
Tư thế này an toàn nhất cho hai bé lúc đó, nhưng khó khăn cho việc chăm sóc. Phần tì đè ngay tại dây rốn, chỗ này chảy nhiều dịch. Nếu điều dưỡng không chăm sóc, quan sát kỹ, vùng rất dễ bị nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho hai con.
Hai bé sinh non, mắc bệnh lý màng trong độ bốn, nhiễm trùng sơ sinh, các bộ phận chưa phát triển hoàn chỉnh, phải nằm lồng ấp. Đây là quãng thời gian rất khó khăn cho hai bé, gia đình và bệnh viện.
Hàng ngày, mỗi ca trực 8 tiếng, các nữ điều dưỡng vén nếp gấp, dùng bông gòn thấm nước muối sinh lý lau rửa nhẹ nhàng cho các con, từ mắt, mũi, mặt, vành tai, đến ngón tay, ngón chân. Lâu dần, quen tay, các bé lớn hơn, cứng cáp hơn nên việc chăm sóc bớt căng thẳng.
Do cấu trúc bụng chậu dính liền, chung hậu môn, các điều dưỡng chăm chút vệ sinh phần dưới cho các cháu kỹ càng hơn. Mỗi bé được mặc một tã riêng. Cứ một tiếng đồng hồ, điều dưỡng trực kiểm tra tã một lần. Bé tiểu tiện, đại tiện là thay tã ngay để không bị hăm, ẩm ướt mông bẹn. Do đó, dù nằm lâu, các con luôn thơm tho, sạch sẽ, không bị loét.
Từng lần đi vệ sinh, mỗi bịch tã bẩn cũng được các điều dưỡng cân đo, ghi lại trong hồ sơ để biết chính xác trọng lượng sơ sinh, báo cáo bác sĩ.
Thấm thoắt hơn hai tháng trôi qua, các bé nặng tổng cộng 7 kg, sức khỏe tốt hơn, bắt đầu cai thở máy, các điều dưỡng mới dám thay đổi tư thế khác cho hai cháu. Lúc này, hai bé cùng nằm ngửa, dọc theo giường bệnh, dùng gối kê cổ, vai. Lần đầu tiên nằm ở tư thế này, hai bé ngủ nguyên đêm yên lành mà không va chạm, hay quấy khóc.
“Hạnh phúc nhất là khi hai bé cai máy thở hoàn toàn, chúng tôi vỡ òa, tụi nhỏ cũng cười”, điều dưỡng Tuyền nhớ lại. Sau khi ngưng máy thở, hai bé được chuyển sang “cánh trại” – khoa Sơ sinh, sống cùng bố mẹ. Nhiệm vụ của nhóm điều dưỡng ở khoa Hồi sức – Sơ sinh hoàn thành.
Ngày 15/7, hai bé 13 tháng tuổi, được gần 100 y bác sĩ tiến hành ca đại phẫu tách rời. Ca phẫu thuật thành công bước đầu, hai bé được tách rời thành công, đang chăm sóc hậu phẫu. Đây là giai đoạn khó khăn thứ hai kể từ khi chào đời của các cháu, sau giai đoạn hồi sức sơ sinh. Nếu vượt qua an toàn, các cháu sẽ trở thành hai con người độc lập và tự sống cuộc đời riêng của mình.
Điều dưỡng Tuyền đã trông nom, chăm sóc các bé đêm trước mổ. Chị lo lắng đến mất ngủ. 13 tiếng đồng hồ các con ở trong phòng phẫu thuật, các điều dưỡng cũng nín thở theo dõi.
“Hồi hộp, căng thẳng như xem trận chung kết giải vô địch bóng đá U23 châu Á ở Thường Châu mấy năm trước. Nhưng chúng tôi tin tưởng ca mổ tách thành công, và các bác sĩ đã thành công”, điều dưỡng Tuyền bộc bạch.
Điều dưỡng Thảo khẳng định: “Nếu được chăm sóc Trúc Nhi và Diệu Nhi sau hậu phẫu, chúng tôi nhất định sẽ nỗ lực 200%, giúp các con hồi phục khỏe mạnh”. Hiện hai bé vẫn được chăm sóc ở khoa Hồi sức Tim, ngày thứ 7 sau ca mổ tách.