LUYỆN NGỦ – NÊN HAY KHÔNG?

Có một sự nhầm lẫn tai hại khi nhiều mẹ cho rằng luyện ngủ là ép con thay đổi thời gian sinh học của cơ thể và rằng việc để con tự ngủ là điều nên làm.

Vâng, mình khẳng định, nếu em bé của bạn có thể tự ngủ theo đúng nhu cầu của cơ thể thì bạn có quyền tự hào về điều đó bởi vì không có nhiều em bé giữ được điều ấy suốt thời gian sơ sinh.

Thật ra mỗi em bé sinh ra đều tuân theo thời gian sinh học của cơ thể mình. Ngủ có giờ, vận động đủ thời gian thì cần nạp năng lượng và lại đi ngủ. Nhưng luôn có nhiều hơn một nguyên nhân khiến bé bị thay đổi thời gian sinh học của cơ thể mình.

Ví dụ như sự thay đổi môi trường đột ngột, tiếng ồn, sự tác động quá nhiệt tình của người lớn (như thích bế ẵm, hôn hít bé), hay thậm chí là sự can thiệp thô bạo vào giấc ngủ của bé (khi thấy bé ngủ lâu thì cố tình đánh thức bé). Bé sẽ bị rối loạn thời gian và lâm vào tình trạng không thể tự trấn an, đồng thời trượt khỏi giấc ngủ định sẵn của thời gian sinh học.

Và việc luyện ngủ lúc này có ý nghĩa như sự giúp đỡ của người lớn để bé dễ dàng trấn an mình, dễ dàng tìm lại biểu thời gian sinh học của cơ thể.

Suốt thời gian lập page đến nay, mình nhận thấy cứ 10 trường hợp bé sơ sinh thì chỉ có khoảng 1 đến 2 bé đảm bảo được việc tự ngủ tốt và tuân thủ đúng biểu thời gian sinh học của cơ thể.

Đa số các bé còn lại đều ngoan trong tuần đầu tiên và bắt đầu bị rối loạn giấc ngủ từ tuần thứ 2 hoặc tháng thứ 2 trở đi. Hầu hết nguyên nhân của các bé bị rối loạn thời gian thường là do có sự thay đổi môi trường đột ngột hoặc do sự tác động của người lớn lên giấc ngủ của bé. Ví dụ, trường hợp của Nobita nhà mình, hai ngày đầu bé ngủ rất tốt, thậm chí ngủ xuyên đêm không thức dậy lần nào.

Đến ngày thứ ba, giường bên cạnh xuất hiện em bé hay khóc đêm, gia đình bé lại còn bật đèn sáng cả đêm vì lý do sợ tắt điện bé không ngủ được ????, lúc ấy lại hết phòng không thể đổi qua nơi khác, kết quả là đêm thứ ba Nobita thức dậy 3 lần do tiếng khóc và ánh đèn sáng như ban ngày và duy trì tần suất này đến khi mình cai ti đêm cho bé ở tháng thứ 3.

Mình cũng biết nhiều trường hợp khác, do thiếu hiểu biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh, người nhà cố tình đánh thức khi bé đang say giấc ngay những ngày sơ sinh đầu tiên. Thậm chí tại bệnh viện, người nhà đến thăm sản phụ thường không để ý đến giấc ngủ của bé, họ nói chuyện rất lớn tiếng và gây ồn ào suốt cả thời gian thăm nuôi. Có nhiều bé rất ngoan cho đến ngày đầy tháng, sau một ngày bị bao nhiêu người sờ nắn, hôn hít, và lay thức dậy bắt cười nói khi đang ngủ khiến bé bị rối loạn thời gian sau ngày hôm đó.

Quay lại việc luyện ngủ, mình muốn nhấn mạnh một lần nữa, luyện ngủ chính là sự giúp đỡ bé tuân theo chính nhu cầu muốn ngủ của cơ thể. Để làm được điều này, có 2 nguyên tắc cơ bản mà bạn bắt buộc phải nắm rõ: thứ nhất, luôn quan sát con, nắm rõ các biểu hiện của con, phân biệt các tín hiệu giữa ăn, ngủ, buồn chán của con một cách rõ ràng; thứ 2, hiểu rõ về giấc ngủ của bé sơ sinh, bao gồm thời lượng ngủ, thời gian lặp lại giấc ngủ theo từng thời điểm và sự phát triển của tháng tuổi.

Cùng với 2 quy tắc cơ bản trong quá trình luyện ngủ là các phương pháp kèm theo (Mình cũng có bài viết ghi rõ các phương pháp khác nhau để các mẹ tuỳ chọn cho con mình) để giúp bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ theo đúng lịch sinh học của cơ thể bé.

Mình cũng khẳng định rằng, các bé bị trượt giấc, hoặc không thể tự vào giấc đúng nhu cầu ngủ của cơ thể thường cáu gắt, khó chăm hơn so với các bé được ngủ đủ. Các bé không tìm lại được giấc ngủ sẽ dần quen với tình trạng này dẫn đến thiếu hụt thời lượng ngủ, ít ngủ.

Giấc ngủ quan trọng thế nào với bé mình không cần nói nhiều nữa. Bé lớn lên trong giấc ngủ, vận động trong giấc ngủ, tập các kỹ năng đầu đời ngay cả khi ngủ và giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình phát triển não bộ của bé.

Cuối cùng, luyện ngủ là kỹ năng mà các bạn lần đầu làm mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng phòng khi con bị trượt giấc, bị rối loạn giấc ngủ.

Mình khá kỵ từ mẹ thông thái, nhưng rất thích cụm từ : làm mẹ có tâm. Nếu bạn ý để tới bé nhiều hơn, bạn sẽ thấy điều gì thực sự cần với con hay không?!

Nguồn: Sưu tầm