Tiêu chảy là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em, hầu như bé nào cũng từng mắc ít nhất một lần. 4 tháng tuổi hệ tiêu hóa của con khá nhạy cảm nên việc con đi ngoài thường khiến các mẹ lo lắng. Nguyên nhân trẻ 4 tháng tuổi bị tiêu chảy và cách xử lý dứt điểm là vấn đề được các mẹ quan tâm hiện nay.
Danh Mục
Dấu hiệu của trẻ 4 tháng tuổi bị tiêu chảy
Khi phân trẻ có biểu hiện bất thường (lỏng nước hoặc có máu, nhầy) và đi ngoài trên 3 lần/ ngày thì gọi là bị tiêu chảy.
Trẻ quấy khóc, lười ăn, có biểu hiện sút cân.
Lưu ý: Các trẻ nhỏ đi ngoài phân nhão 3 – 4 lần/ ngày mà cơ thể vẫn phát triển tốt thì không phải là tiêu chảy.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ 4 tháng tuổi bị tiêu chảy
1. Tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm:
Với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu, chế độ dinh dưỡng bất thường của mẹ làm thay đổi thành phần dinh dưỡng trong sữa, khiến bé bị tiêu chảy.
2. Trẻ bị tiêu chảy do kháng sinh:
Sử dụng kháng sinh kéo dài, cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của bé, dẫn đến trẻ bị tiêu chảy.
3. Trẻ bị bất dung nạp lactose:
Trẻ không có khả năng tiêu hóa lactose, một loại đường tìm thấy trong các chế phẩm từ sữa dẫn đến trẻ mắc tiêu chảy.
4. Trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò:
Với trẻ ăn sữa mẹ ít, do người mẹ thiếu sữa hoặc trẻ bị cai sữa sớm nên phải ăn các thức ăn như sữa bò …trong thức ăn không phù hợp với tuổi của trẻ.
5. Trẻ bị nhiễm virus tiêu hóa:
Virus rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe doạ đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.
6. Trẻ bị nhiễm vi nấm tiêu hóa:
Nhiễm nấm Candida trong hệ thống đường tiêu hóa khi cơ thể có sức đề kháng yếu.
7. Trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa:
Các vi khuẩn này gây bệnh qua thực phẩm và các dụng cụ cho trẻ ăn, uống. Bệnh cũng có thể lây qua bàn tay bẩn ở những người phục vụ trẻ. Các vi khuẩn thường gặp là trực khuẩn E.coli đường ruột, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn.
Ngoài ra những yếu tố thuận lợi gây bệnh tiêu chảy cấp do điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng, ẩm tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ dàng mắc bệnh tiêu chảy và bệnh sẽ kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong cao.
Trẻ 4 tháng bị tiêu chảy xử trí dứt điểm như thế nào?
Tiêu chảy cấp thường xảy ra đột ngột và diễn biến trong vài ngày. Nếu đợt tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày, là tiêu chảy kéo dài. Cần xử trí kịp thời không để tình trạng tiêu chảy kéo dài có hại cho sức khỏe của trẻ.
Với trẻ bú mẹ
- Mẹ hãy điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày của mình
- Mẹ uống đầy đủ nước từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày ( sữa, nước canh, nước uống lợi sữa)
- Uống sữa chua bổ sung lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa bé
- Không ăn đồ cay, nóng: tiêu, ớt, dưa cải
- Mẹ nên bổ sung cà rốt, chuối ương, hồng xiêm. Chúng có khá nhiều pectin và lignin là những chất chống độc được dùng nhiều trong tiêu chảy.
Với trẻ ăn sữa công thức:
Mẹ có thể theo dõi thêm một thời gian. Nếu vẫn diễn ra tình trạng tiêu chảy, mẹ nên đổi sữa cho con chọn loại sữa tốt cho đường tiêu hóa của bé. Tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ. Pha sữa đúng như liều lượng hướng dẫn. Pha với nước đun sôi để nguội đến độ cần thiết.
Ngoài ra, kết hợp với một số phương pháp khác:
Cho trẻ bú mẹ như thường lệ, nếu trẻ có dấu hiệu mất nước cho trẻ uống dung dịch oresol sau mỗi lần đi ngoài. Tuy nhiên trẻ 4 tháng tuổi bị tiêu chảy phải uống oresol ít muối hơn vì thận của trẻ sơ sinh thải muối kém hơn của trẻ lớn. Đồng thời phải cho trẻ uống sữa xen kẽ giữa các lần uống oresol để pha loãng oresol.
- Cách pha dung dịch oresol như sau: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi pha. Pha 1 gói Oresol với lượng nước đúng theo quy định ghi trên nhãn. Có gói yêu cầu pha vào 200ml nước, có gói pha với 500ml nước và cũng có gói phải pha vào 1 lít nước. Mẹ hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi pha Oresol. Pha 1 gói Oresol ngay trước khi sử dụng. Sau khi pha xong, mẹ có thể giữ nước để uống trong vòng 24 giờ, sau đó không nên dùng nữa. Cho trẻ uống từ từ, từng ngụm nhỏ.
- Bổ sung kẽm: 10mg kẽm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi từ 10-14 ngày. Kẽm góp phần giúp giảm thời gian và độ nặng của tiêu chảy, đồng thời giúp giảm nguy cơ tiêu chảy trong thời gian tới.
Trẻ có biểu hiện dưới đây cần đưa đến bác sĩ ngay
- Có dấu hiệu mất nước (mức độ B): trẻ kích thích, khóc không có nước mắt, lưỡi khô, khát (bú háo hức).
- Có dấu hiệu mất nước (mức độ C): trẻ li bì, mệt lả, mắt rất trũng và khô, khóc không có nước mắt, uống kém hoặc không thể bú được.
Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm phân để xác định chính xác trẻ có bị tiêu chảy do nguyên nhân gì, và có cách xử lý kịp thời.
Phòng tránh tiêu chảy cho con bằng cách nào?
- Mẹ chú ý chế độ ăn để tránh nhiễm khuẩn cho con.
- Sau mỗi lần thay tã cho bé, mẹ nên rửa tay với nước ấm và xà phòng. Đảm bảo tã bẩn luôn được thay ngay và vệ sinh sạch sẽ.
- Vệ sinh trong vấn đề ăn uống: Dụng cụ chế biến và thức ăn phải sạch sẽ, tráng nước sôi trước khi cho trẻ dùng. Các loại quả phải được rửa sạch, gọt vỏ, bóc vỏ.
- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ. Uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do rotavirus.
Trên đây là một số thông tin cơ bản khi trẻ 4 tháng tuổi bị tiêu chảy. Trường hợp trẻ đã uống thuốc mà vẫn không đỡ, phải đưa trẻ đi khám lại để bác sĩ tìm nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả hơn.
Nguồn: Tổng hợp y khoa
Xem thêm: Mừng rơi nước mắt vì cuối cùng con khỏi tiêu chảy sau 2 năm trời chạy chữa
Cách tăng sức đề kháng cho trẻ nhanh nhất chỉ bằng 7 bước đơn giản