Khi nào nên và không nên dùng kháng sinh cho trẻ?

Vấn đề cơ bản của rất nhiều bà mẹ Việt Nam đó là không biết rõ nguyên tắc khi nào nên và không nên dùng kháng sinh cho trẻ. Thường các mẹ chỉ đơn thuần dùng theo được “mách” hoặc được bác sỹ/ dược sỹ chỉ định. Thiết nghĩ để có thể nuôi con khỏe mạnh, mẹ nên trang bị những kiến thức cần thiết để tự làm “bác sĩ” tại nhà.

Bài viết này sẽ giúp mẹ hiểu rõ khi nào nên và không nên dùng kháng sinh cho trẻ.

Khi nào nên và không nên dùng kháng sinh?

Mẹ phải luôn nhớ rằng: kháng sinh là “thần dược” để điều trị bệnh nhiễm khuẩn, nhưng nó lại không có hiệu quả với bệnh do virus gây nên. Vậy nên đừng thấy con sụt sịt, hắt hơi, ho, thậm chí ho sặc sụa, thậm chí kèm cả sốt là đã ngay lập tức “cầu cứu” kháng sinh. Hãy xác định nguyên nhân là do vi khuẩn hay virus trước.

Sự thực là virus gây ra 90% bệnh liên quan đến đường hô hấp (Số liệu thống kê năm 2017 của WHO tại các nước phát triển) và 85% ở Việt Nam (Số liệu từ Viện Nhi Trung Ương 2016).

Giám đốc Y học của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật CDC, Tiến sỹ Lauri Hicks khẳng định: “Phần lớn các bệnh hô hấp trên được gây ra do virus, chỉ số ít được gây ra bởi vi khuẩn”. Trong dự án “Hãy thông minh: Biết khi nào kháng sinh có hiệu quả”, Tiến sỹ Hicks nhấn mạnh rằng: chỉ có 2% nhiễm bệnh tại mũi là được gây ra bởi vi khuẩn và cần thiết phải dùng kháng sinh.

Như vậy dù chỉ có 2% khả năng trẻ nhiễm bệnh tại mũi là do vi khuẩn, nhưng hầu như mẹ nào thấy con bị bệnh đều dùng kháng sinh cho trẻ.

Dùng kháng sinh cho bé khi nào thì hiệu quả?
Khi nào cần dùng kháng sinh cho bé?

Không nhiễm khuẩn mà cứ dùng kháng sinh cho con để ăn chắc có được không?

Lạm dụng kháng sinh trước tiên làm mất cân bằng vi sinh đường ruột, thậm chí tạo điều kiện thuận lợi cho những mầm bệnh cắm rễ sâu vào cơ thể.

Còn ở phạm vi cộng đồng, nó có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn biến đổi, trở nên “tinh vi” và “ngoan cố hơn”. Mẹ lạm dụng kháng sinh giống như đang huấn luyện hại khuẩn. Sau khoá huấn luyện đó, kháng sinh mẹ dùng cho bé sẽ trở thành “bại tướng” dưới chân vi khuẩn. Và bé đã kháng 1 kháng sinh. Nếu bé đổi sang kháng sinh khác vẫn tiếp tục huấn luyện vô tư như thế thì bé tiếp tục kháng, gây ra hiện tượng “kháng đa kháng sinh”.

Và khi đã kháng tất cả rồi thì vô phương cứu chữa. Lúc đó, y học cũng bó tay vì những căn bệnh hết sức bình thường. Vì “vi khuẩn tinh vi” đó dễ dàng lây nhiễm từ trẻ này sang trẻ khác. Rõ ràng đây là vấn đề của cả một cộng đồng không trừ riêng ai. Bạn biết rồi nhưng nhà hàng xóm chưa biết con bạn vẫn có thể chịu thiệt hại lớn lao về sức khoẻ.

(Xem thêm: Mách mẹ bí quyết bổ sung canxi cho con như chuyên gia)

Làm sao phân biệt nhiễm bệnh do vi khuẩn hay virus?

Tiến sỹ Frank Esper, chuyên gia nhiễm khuẩn y khoa của Viện Nhi Khoa Cầu Vồng ở Cleverland thừa nhận rằng: “Rất khó để phân biệt giữa nhiễm bệnh do virus nặng với nhiễm khuẩn nhẹ dựa trên triệu chứng đơn thuần”.

Vì thế mà các dược sỹ/ bác sỹ thường phải dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của họ khi quyết định có nên sử dụng kháng sinh cho bé hay không. Và đây là 6 yếu tố họ luôn xem xét trước khi đưa ra quyết định:

1. Bé có sốt không?

Nếu bé bị sốt, co giật hoặc cảm thấy lạnh, bé có khả năng bị nhiễm khuẩn. Sốt do nhiễm khuẩn thường sốt nhẹ ban đầu là: 37.5 độ – 38 độ, chứ không sốt cao xình xịch ngay. Sốt do nhiễm khuẩn dễ kèm thêm các biểu hiện khác về ho, đờm, chảy mũi …

Nhưng Tiến sỹ Esper cho rằng cũng có khi hiện tượng này là do virus như cúm. Lúc đó bác sỹ sẽ phải cân nhắc khả năng mắc cúm của bé (Ví dụ đang có dịch cúm A, hoặc ở khu vực mà có nhiều trẻ mắc cúm. Hay bao nhiêu bệnh nhân bị cúm mà hôm đó đã khám bệnh?). Nếu bé bị sốt, mà có dịch cúm, thì rất có khả năng không cần dùng kháng sinh cho trẻ. Sang năm, chỉ cần tiêm phòng cúm là được.

Dấu hiệu trẻ bị sốt virus: Thường là sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, đi kèm 1 số dấu hiệu khác như:

  • Đau cơ bắp. Ở trẻ nhỏ thì hay quấy khóc, đau đầu. Tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch được. Ở một số bé thường bị nổi ban sau 2 – 3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn). Kèm theo các dấu hiệu khác như trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có rỉ mắt,… khiến khi nhìn mọi vật bị mờ đi.
  • Một số trẻ nhỏ bị sốt cao còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở.
  • Bé sốt do virus thường sốt 3- 5 ngày liên tục, cứ uống hạ sốt xong hết tác dụng của thuốc hạ sốt lại sốt lại.

2. Bé ốm bao lâu rồi?

Khi mà bé bị ốm dài ngày thì do sức đề kháng suy giảm, vi khuẩn sẽ dễ tấn công và chuyển sang bị nhiễm khuẩn (thuật ngữ “sốt virus bội nhiễm” là có ý này). Vì thế khi mà bé ốm cả tuần thì khả năng cao là phải dùng kháng sinh. Đây là lý do mà ban đầu bé rõ là sốt virus mà bác sỹ vẫn cứ kê kháng sinh.

Tuy nhiên, tiến sỹ Esper vẫn cho rằng phần lớn triệu chứng kéo dài là do virus gây nên, không phải do vi khuẩn. Ví dụ có bé ban đầu sốt virus không ho, không sổ mũi, sau đó thì lại bắt đầu ho chảy nước mũi, rất khó phân biệt triệu chứng đó là do vi khuẩn hay virus gây nên. Nên đây cũng là một yếu tố cân nhắc chứ không khẳng định chắc chắn được.

3. Màu của dịch nước mũi

Chất xuất tiết từ mũi trong, nhẹ thường là do virus, còn nước mũi màu xanh hoặc vàng có thể triệu chứng của nhiễm khuẩn. Khó là đại đa số dịch mũi có màu hơi xanh xanh.

(Xem thêm: Sự thật về lợi khuẩn không phải mẹ nào cũng biết)

4. Viêm họng

Khi kiểm tra họng, ngoài việc họng có màu đỏ, sưng bác sĩ sẽ tìm các đốm trắng – dấu hiệu của nhiễm khuẩn để cân nhắc có nên dùng kháng sinh cho con không.

Bị cảm lạnh do virus có thể đau họng. Nhưng đau họng mà không kèm các triệu chứng khác của cảm lạnh (như chảy nước mũi) thì có thể viêm họng do vi khuẩn và cần thiết phải sử dụng kháng sinh trong trường hợp này.

5. Làm xét nghiệm máu

Khi xét nghiệm máu cho bé, thấy bạch cầu tăng và CRP tăng thì bé đã nhiễm khuẩn và gần như chắc chắn phải dùng kháng sinh.

6. Làm kháng sinh đồ

Đây là cách chính xác nhất. Bé nào mà ốm liên tục lại đổi đi đổi lại quá nhiều loại kháng sinh thì mẹ nên nghĩ đến làm kháng sinh đồ cho con khá tốn kém.

Kháng sinh đồ là phương pháp được sử dụng để xác định: Loại kháng sinh nào còn nhạy với vi khuẩn gây bệnh và mức độ nhạy của kháng sinh đối với vi khuẩn đó. Việc lựa chọn kháng sinh đồ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: vị trí nhiễm trùng, tuổi bệnh nhân… trong đó kháng sinh đồ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chọn lựa dùng kháng sinh cho con.

Bác sỹ sẽ lấy đờm, dãi, nước mũi, máu và nước tiểu,… (tuỳ thuộc bé nhiễm bệnh ở đâu) của bé. Sau đó, các mẫu bệnh phẩm này được cấy trên những môi trường để vi khuẩn phát triển. Từ đó, vi khuẩn gây bệnh sẽ được phân lập trên môi trường nuôi cấy thích hợp để làm kháng sinh đồ.

(Xem thêm: Làm sao để sử dụng kháng sinh điều trị viêm hô hấp hiệu quả nhất? (phần 2)

Tham khảo:

Cách tăng sức đề kháng cho trẻ chỉ 7 bước đơn giản

Công thức có một không hai giúp vitamin Zeambi tăng cường sức đề kháng như thế nào?