KHI NÀO BỎ BỈM CHO TRẺ?

Nhiều mẹ con 3 tuổi, 4 tuổi rồi nhưng vẫn phải đóng bỉm cả ngày vì các mẹ loay hoay chưa biết làm thế nào để giúp con bỏ bỉm. Bài viết này sẽ chỉ mẹ cách cai bỉm cho bé dễ dàng nhé.

THỜI ĐIỂM NÀO PHÙ HỢP?

Với các em bé, việc đóng bỉm nó như thói quen đi theo con trong suốt những ngày đầu đời, từ lúc sơ sinh. Thói quen này chẳng khác nào việc ti mẹ cả. Vậy nên muốn bỏ bỉm cho con thì các mẹ phải tập cho con dần dần nhé. 

Đến giai đoạn bé được 18 tháng – 2 tuổi, mẹ có thể bắt đầu tập cho con rồi. Đây là thời điểm thận của bé đã phát triển toàn diện. Bé đã bắt đầu nhận thức được nhu cầu đi vệ sinh cũng như nghe hiểu lời người lớn nói.

TẬP BỎ BỈM CHO CON BẰNG CÁCH NÀO?

Các mẹ nên bắt đầu hạn chế dùng bỉm cho con vào ban ngày trước. Sau khi con đã có thể không cần bỉm vào ban ngày rồi, mình mới bỏ dần bỉm buổi đêm (bước này khó hơn nhiều vì trẻ ngủ và gần như đi vệ sinh trong vô thức)

– Bước đầu tiên cần chuẩn bị cho con những chiếc bô xinh xắn theo sở thích của con. Điều này sẽ khiến con thích thú, muốn tự đi vệ sinh hơn.

Những chiếc bô ngộ nghĩnh sẽ khiến trẻ tò mò và thích thú, muốn được ngồi bô nhiều hơn
Những chiếc bô ngộ nghĩnh sẽ khiến trẻ tò mò và thích thú, muốn được ngồi bô nhiều hơn

– Đọc cho bé nghe những cuốn truyện về việc bỏ bỉm

Thời gian đầu, bé sẽ cảm thấy khó chịu khi phải bỏ bỉm, ngồi bô. Vì thế, bố mẹ hãy đọc cho bé nghe những cuốn sách có nội dung về chuyện em bé bỏ bỉm. Việc này có thể sẽ làm cho bé tò mò, lắng nghe và muốn làm theo điều đó. 

Một số đầu sách hay mẹ có thể tham khảo như: 

  • Sách Ehon – Kỹ năng sống – Miu Miu tự lập; 
  • Bé trai đi toilet và Bé gái đi toilet 
  • Cuốn Vì mông bé cũng cần được thở; 
  • Sách Cùng chơi với bé – Tự đi vệ sinh nào; 
  • Siêu thỏ – Ứ ngồi bô đâu

– Khi con được 18-20 tháng, bố mẹ (người chăm sóc nếu bố mẹ đi làm và con ở nhà với ông bà) nên xi tiểu cho bé khoảng 2 – 3 tiếng một lần. Bên cạnh đó, quan sát và ghi lại số lần đi tiểu của bé để cân bằng chế độ ăn uống đủ nước nhé!

Tốt nhất, 1 ngày bé nên đi tiểu tầm 8 đến 10 lần, nếu bé tè ít hơn, mẹ nên bổ sung thêm nước cho bé uống, ngược lại bé tiểu quá nhiều thì nên tập cho bé 2 tiếng mới tiểu 1 lần.

– Dạy con thói quen gọi người thân khi muốn đi vệ sinh

Dạy trẻ biết gọi người lớn khi muốn đi vệ sinh và đừng quên khen ngợi trẻ nếu con làm tốt
Dạy trẻ biết gọi người lớn khi muốn đi vệ sinh và đừng quên khen ngợi trẻ nếu con làm tốt

Mỗi khi trẻ đi tè, ị, bố mẹ kiên trì giải thích cho trẻ: “Lúc nào con buồn tè/ị thì con bảo tè/ị nhé! Nếu không con tè/ị ra quần bẩn lắm, thúi lắm!”

Trường hợp con buồn nhưng chưa kịp ngồi vào bô đã đi rồi thì mẹ lại kiên nhẫn bảo con: “Lần sau con gọi mẹ sớm hơn nhé!” hoặc “Con nhịn thêm tí ti nữa thôi để ngồi vào bô mình mới tè/ị nha”. Không nên quát mắng, hoặc tỏ ra khó chịu sẽ khiến con sợ.

– Khen ngợi khi bé chủ động gọi mẹ để đi vệ sinh dù có thể bé sẽ tè dầm: Lúc này mẹ nên khích lệ bé như: “Con lớn rồi này, tự đi vệ sinh rồi này, con giỏi quá!. Có thể khen bé giống nhân vật trong truyện đã kể trước đó.

– Sau khi bé quen bỏ bỉm vào ban ngày rồi, bố mẹ nên bắt đầu tập cho con cai bỉm vào ban đêm. Bố mẹ cần kiên nhẫn rèn luyện cho bé từ từ bằng các biện pháp như: Đi tiểu trước khi đi ngủ, hạn chế cho bé uống nước trước khi ngủ khoảng tầm 2 tiếng, không nên đánh thức bé khi đang ngủ để xi tiểu,…

 

Bỏ bỉm cần bố mẹ kiên trì vì chắc chắn sẽ có nhiều màn “dở khóc dở cười”, bố mẹ phát mệt vì lau dọn đấy! Chúc bố mẹ cai bỉm cho con thành công!

Xem thêm:

Những thói quen vệ sinh mẹ cần dạy cho trẻ sớm

Mốc phát triển của trẻ 1-3 tuổi