Hướng dẫn mẹ cách trị bệnh thủy đậu khi mang thai (Phần 2)

Tiếp tục bài viết Hướng dẫn mẹ cách trị bệnh thủy đậu khi mang thai (Phần 1), bài viết này Trung tâm Sức khỏe Nhi khoa sẽ giúp mẹ nhận thấy ảnh hưởng trực tiếp của việc bị thủy đậu tới mẹ và thai nhi là ra sao.

Bà bầu với thủy đậu

bệnh thủy đậu
Hướng dẫn về thủy đậu khi mang thai

Tiếp xúc với mầm bệnh

Nếu như trước đó bà bầu đã từng bị bệnh thủy đậu hoặc đã tiêm ngừa thủy đậu thì sẽ không sao.
Nếu như chưa tiêm thủy đậu, chưa bị thủy đậu, xét nghiệm miễn dịch không thấy kháng nguyên thủy đậu (âm tính) thì cần đến bệnh viện ngay:
  • Bác sĩ có thể chỉ định tiêm Globulin miễn dịch với virus thủy đậu (VZIG). Đây là một loại kháng thể tổng hợp từ huyết thanh của người, đã miễn dịch với thủy đậu. Người ta đưa VZIG vào cơ thể với mục đích tạm thời kiểm soát virus nhân bản trong cơ thể, hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh chứ không làm khỏi bệnh. 
  • Tiêm VZIG nên trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh (lý tưởng nhất là 96 giờ). Tóm lại là tiêm trước khi xuất hiện các nốt rạ. Nếu vết rạ nổi lên thì tiêm VZIG không có tác dụng.
  • Nếu tiêm VZIG xong mà lại tiếp xúc với mầm bệnh lần nữa, thì tiêm mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên ít nhất 3 tuần.

Lưu ý: tiêm VZIG có thể tiêm cơ hoặc tiêm tĩnh mạch (cái này bác sĩ chỉ định). Tác dụng phụ sau khi tiêm có thể là đau, nổi đỏ xung quanh vùng tiêm. Sốc phản vệ hiếm khi gặp sau tiêm. Tuy nhiên, cần lưu ý là người thiếu hụt gammaglobulin và đang điều trị bằng liệu pháp thay thế với gamma globulin thì không được chỉ định tiêm VZIG, sẽ làm tăng nguy cơ phản ứng phản vệ.

Nếu bà bầu bị thủy đậu, đã đến giai đoạn nổi rạ

Trong vòng 24h kể từ khi nổi rạ:
  • Bầu trên 20 tuần: bác sĩ có thể sẽ chỉ định Aciclovir đường uống liều dùng 800mg chia 5 lần/ngày trong vòng 7 ngày (cái này phải bác sĩ chỉ định, chứ không được tự ý mua về dùng).
  • Bầu dưới 20 tuần: tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân về lợi ích của thuốc trong điều trị bệnh so với những ảnh hưởng của thuốc với thai nhi.
Về aciclovir thì đây là thuốc kháng virus, có tác dụng ức chế sự nhân bản của virus. Hiện tại thì chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc dùng thuốc này khi mang thai có thể gây dị tật thai nhi. Theo Royal Australia and New Zealand Collêge of Obstetricians Guideline khuyến cáo sử udngj aciclovir đường uống trong tất cả các trường hợp thủy đậu khi mang thai bất kể giai đoạn thai nào. Trong khi Royal College of Obstetricians and Gynaecologists (RCOG) Guidelines khuyến cáo dùng loại này cho phụ nữ mang thai trên 20 tuần bị thủy đậu và trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi phát phỏng rạ. Để thống nhất thì với phụ nữ mang thai dưới 20 tuần, bác sĩ sẽ cảnh báo về nguy cơ và lợi ích khi dùng thuốc. 
Quá 24h kể từ khi nổi rạ: bà bầu sẽ được cảnh báo về các dấu hiệu và triệu chứng của thủy đậu dạng nghiêm trọng, cũng như là các nguy cơ của hội chứng thủy đậu ở thai nhi cùng biến chứng của nó. 

Biến chứng thủy đậu với bà bầu

Đầu tiên phải nói rằng thủy đậu có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong khi mang thai. Các biến chứng có thể xảy ra gồm viêm phổi, viêm gan, viêm não và hiếm khi gây tử vong.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh gồm:

  • Hút thuốc
  • Mắc các bệnh phổi mãn tính
  • Bị ức chế miễn dịch do đang dùng steroid hoặc đã dùng trước đó 3 tháng…
  • Đang mang thai trên 20 tuần

Các trường hợp phát triển triệu chứng hô hấp, thần kinh như sợ ánh sáng, động kinh, ngủ rũ, chóng mặt, buồn nôn, nổi ban xuất huyết, chảy máu, nổi ban đỏ có thể có hoặc không có tổn thương niêm mạc cần được chăm sóc tích cực tại bệnh viện. Các bác sĩ khuyến cáo là bà bầu nên khỏi bệnh trước khi sinh, để kịp truyền kháng thể từ mẹ sang em bé.

Thai nhi với thủy đậu

thủy đậu
Tác hại của thủy đậu với thai nhi

Mức độ ảnh hưởng của thủy đậu đối với thai nhi trong bụng mẹ tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và thời điểm mẹ mắc bệnh. Lưu ý là các biện pháp xử lý thủy đậu không ngăn được việc virus từ mẹ truyền sang thai nhi.

– Trong 3 tháng đầu và dưới 28 tuần:

  • Thủy đậu không phải là nguyên nhân gây sảy thai trong 3 tháng đầu.
  • Bác sĩ sẽ thảo luận với mẹ bầu về hội chứng thủy đậu thai nhi, với các dấu hiệu: xuất hiện sẹo trên lớp da của thai nhi, khuyết tật về mắt (viêm giác mạc, đục thủy tinh thể), giảm sản tứ chi, bất thường hệ thần kinh (tật đầu nhỏ, teo vỏ não, thiểu năng trí tuệ) và các rối loạn chức năng ở cơ hoành ruột hoặc cơ vòng bàng quang… 

– Từ 28 – 36 tuần: Virus có thể sẽ ở lại cơ thể bé nhưng không gây triệu chứng và sẽ tái kích hoạt gây zona thần kinh trong những năm đầu đời sau khi bé sinh ra.

– Sau 36 tuần và gần thời điểm sinh: Thai nhi có thể sẽ bị nhiễm bệnh qua nhau thai và sinh ra với bệnh thủy đậu (thủy đậu sơ sinh).

Nếu bé sinh trong vòng 7 ngày kể từ khi mẹ xuất hiện vết phỏng rạ, thì bé khả năng sẽ bị thủy đậu nghiêm trọng (do truyền qua nhau thai hoặc tiếp xúc trực tiếp với vết rạ loét của mẹ trong khi sinh) và cần được chữa trị ngay sau khi sinh bằng cách tiêm VZIG.

Nếu mẹ bị thủy đậu và phát rạ trong vòng 7 ngày kể từ khi sinh, thì em bé cũng được tiêm VZIG và theo dõi trong 28 ngày sau đó.

Trong thời gian mẹ đang cho con bú bị thủy đậu và vết rạ loét lại ở gần đầu vú thì phải vắt hết sữa ở bên vú này bỏ đi cho đến khi vết loét lành lại, đóng vảy và bong ra. 

Theo dõi biến chứng thủy đậu ở thai nhi. Có 2 cách theo dõi:

  • Siêu âm giúp phát hiện tình trạng dị tật tứ chi, tật đầu nhỏ, não úng thủy, vô hóa mô mềm hoặc thai nhi chậm phát triển. Thời gian kiểm tra là ít nhất 5 tuần sau khi bị thủy đậu.
  • Chọc ối lấy dịch xét nghiệm tìm VZV DNA giúp phát hiện hội chứng thủy đậu ở thai nhi. Bà bầu bị thủy đậu và đã được tiêm VZIG sớm theo chỉ định thì thai nhi ít bị hội chứng thủy đậu thai nhi hơn là không tiêm VZIG.

(Xem thêm: Hướng dẫn mẹ cách trị bệnh thủy đậu khi mang thai (Phần 1))

Bình luận đã đóng.