Hướng dẫn mẹ cách trị bệnh thủy đậu khi mang thai (Phần 1)

Bệnh thủy đậu tuy không được xếp vào bệnh nguy hiểm nhưng lại được cảnh báo là bệnh cực kỳ dễ lây lan nên mẹ bầu cần hết sức cẩn thận. Vậy tác động của bệnh này tới mẹ và thai nhi là như thế nào?

Thủy đậu là gì?

bệnh thủy đậu
Thủy đậu là gì?

Thủy đậu là một bệnh gây ra do virus Varicella Zoster (viết tắt VZV – là một loại thuộc họ nhà Herpes), còn gọi là phỏng rạ, trái rạ. Điển hình là các nốt phỏng nước rất dễ lây lan.

Có 2 con đường lây lan chính:

  • Hô hấp: ho, hắt hơi, sổ mũi (từ những hạt nước bọt nhỏ li ti) thậm chí là nói chuyện. Khả năng lây nhiễm bệnh dựa vào mức độ tiếp xúc mầm bệnh:
    + Nếu mặt đối mặt nói chuyện > 5 phút là đủ để nhiễm bệnh
    + Nếu cùng trong một phòng >15 phút là đủ để nhiễm bệnh
  • Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các dịch từ vết rạ.

Nguyên nhân và nguy cơ của bệnh thủy đậu

Nguyên nhân là do virus Varicella Zoster. Virus này sau khi vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ ngay lập tức sản sinh ra các kháng thể phù hợp để chống lại chúng. Nhưng tất nhiên là thời gian để sinh ra kháng thể phù hợp này khá dài, không thể đáp ứng ngay được, trong khi virus nhân bản theo cấp số nhân (lý do nhiều bệnh dịch có thể gây chết người là vì hệ miễn dịch chưa kịp tìm đúng và sản xuất ra kháng thể để chống lại mầm bệnh thì virus đã nhân lên rất nhiều rồi). Nên vẫn trải qua đầy đủ các giai đoạn ủ bệnh, phát bệnh và khỏi bệnh. 
Sau khi có kháng thể chống lại thủy đậu rồi thì những lần sau đó có nhiễm virus thì cũng không phát bệnh. Nên bệnh này chỉ mắc 1 lần.

Giai đoạn và triệu chứng

bệnh thủy đậu
Giai đoạn và triệu chứng của bệnh thủy đậu
  • Giai đoạn ủ bệnh: từ 7 – 21 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Đây là giai đoạn virus vừa vào cơ thể và nhân bản nhanh chóng, chưa phát ra triệu chứng nào. Nhưng khi xét nghiệm tìm virus thì kết quả có thể là dương tính.
  • Giai đoạn khởi phát: khoảng vài ngày (không cố định). Biểu hiện là sốt và mệt mỏi. Ngoài ra có thể kéo theo các triệu chứng khác như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau cơ, chán ăn…
  • Giai đoạn nổi rạ: kéo dài khoảng 2 tuần. Điển hình là các vết phỏng nước, ngứa và lan nhanh khắp người, từ thân đến tay chân, mặt. Có thể nổi cả ở họng, miệng và đường tiêu hóa. Mật độ khoảng 300-500 nốt. Lưu ý là những vùng phơi nhiễm trực tiếp như mặt, cổ, tay chân (vùng hở ra ngoài ánh sáng) thì dễ lây bệnh hơn là vùng không phơi nhiễm trực tiếp (ở dưới lớp quần áo che mất như lưng, bụng…).
Các vết rạ này cũng theo giai đoạn: 
  • Mụn nước dịch trong
  • Dịch trong dần khóa thành đục như mủ
  • Khô và đóng vảy rồi bong ra
‘Vòng đời’ của các vết rạ này liên tiếp, kéo dài từng đợt nên trên 1 đám da có thể thấy cả 3 giai đoạn mụn này trong cùng lúc.
Sau khi các vết rạ này đóng vảy và bong ra hết thì coi như khỏi bệnh. Thường thì bệnh này tự khỏi khi mà hệ miễn dịch đã sản xuất đủ kháng thể và tiêu diệt hết virus đang hoạt động.

Cách xử lý thông thường

  • Cách ly với người khác, tránh làm vỡ các nốt phỏng vì gây bội nhiễm, và thành sẹo.
  • Rửa mũi họng bằng nước mũi sinh lý thường xuyên để tránh bội nhiễm.
  • Uống nhiều nước lọc, nước hoa quả. Ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin và tăng sức đề kháng. Nên uống men vi sinh để tăng hấp thu dinh dưỡng, tăng miễn dịch.
  • Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
  • Mặc quần áo vải mềm tránh cọ sát với vết phỏng gây vỡ, áo thấm hút mồ hôi.
  • Giữ vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch sẽ, có thể tắm bằng lá kim ngân… kiêng gió, tắm quá lâu.
  • Kiêng ăn đồ tanh, đồ nếp, thịt gà … có thể khiến vết phỏng mưng mủ.
  • Nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.
  • Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa.
  • Nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
  • Khi cần tiếp xúc với người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt bà bầu cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh, nhờ chồng hoặc ông bà hỗ trợ.

Còn tiếp…