Hơn 13 giờ mổ tách hai bé song sinh dính liền

93 y bác sĩ cân não suốt 13 giờ 40 phút phẫu thuật tách rời và tái tạo thành công phần dưới cơ thể cho Trúc Nhi và Diệu Nhi.

6h ngày 15/7, hai bé Diệu Nhi và Trúc Nhi, 13 tháng tuổi, dính nhau vùng bụng chậu, được đưa từ phòng Hồi sức sơ sinh, tới phòng mổ số 11, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, 93 y bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện miền Nam, chia thành 11 kíp mổ, chuẩn bị tiến hành ca đại phẫu tách rời hai bé.

Hai bé dính vùng bụng chậu theo kiểu ischiopagus tetrapus, là loại hiếm gặp, chỉ chiếm 6% số ca dính. Về tiêu hóa, hai bé chung một phần hồi tràng, một khung đại tràng và chỉ có một lỗ hậu môn. Về thận niệu, hai bé có hai bàng quang nằm hai bên của ổ bụng chung. Mỗi bàng quang được hai niệu quản xuất phát từ hai bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng một bé. Hai bé có khung chậu xếp thành một vòng tròn.

Để phân biệt hai em, tránh nhầm lẫn nhân sự và trang thiết bị phẫu thuật, các điều dưỡng dán giấy màu đỏ lên trán Trúc Nhi (trái), giấy màu xanh cho Diệu Nhi.

Trước gây mê, hai bé tỉnh táo, tiếp xúc tốt, chơi đùa trên băng ca.

Hai điều dưỡng được phân công nhiệm vụ chăm sóc, dỗ dành các cháu trong thời gian tiền gây mê.

Giai đoạn gây mê kéo dài gần 3 giờ, bắt đầu lúc 6h30. Tùy vào thể trạng mỗi bệnh nhi, kỹ thuật viên gây mê tính toán lượng thuốc dùng cho từng em. Do chưa phân tách, vẫn còn dính liền, cơ thể hai em có sự trao đổi thuốc nên ê kip gây mê đều rất cẩn trọng.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (đeo tai nghe), chỉ huy trưởng cuộc mổ, phẫu thuật viên chính, trực tiếp nghe nhịp tim, đo huyết áp cho Diệu Nhi trước khi đặt nhát dao đầu tiên. Ông lắng nghe kỹ từng nhịp thở bệnh nhân.

7h30, các kíp phẫu thuật hội ý lần cuối trước mổ để xác định lại phương án thực hiện, những giai đoạn phối hợp của các nhóm khác.

Những chỉ số sinh tồn của mỗi bé được các bác sĩ theo dõi sát trên màn hình trong và sau ca mổ. Giai đoạn gây mê, Diệu Nhi vốn có sức khỏe yếu hơn Trúc Nhi nên gặp một chút khó khăn. May mắn, trong hơn 13 tiếng phẫu thuật, các em đều ổn, mọi chỉ số nằm trong vùng an toàn.

Bác sĩ đeo kính lúp phẫu thuật, đảm bảo chính xác và an toàn cho bệnh nhi.

Những nhát dao đầu tiên, khởi đầu hành trình thay đổi số phận hai bé gái do bác sĩ Trương Quang Định thực hiện lúc 9h51.

Sau đó, bác sĩ Trần Văn Dương, bác sĩ ngoại viện từ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng nhóm Phẫu thuật tạo hình, bắt đầu cân cơ và mở bụng tách hai bé. Nhóm phẫu thuật Ngoại tổng quát tiến vào thám sát ruột và thực hiện phương án chia đôi phần ruột chung đã tính toán trước.

Các phẫu thuật viên chăm chú quan sát ổ bụng bệnh nhi qua màn hình máy siêu âm. Những chẩn đoán hình ảnh trước mổ đã được thực hiện nhiều lần, nhưng các bác sĩ không chủ quan.

14h07, các bác sĩ vui mừng khi tách rời hoàn toàn hai bé thành công. Mỗi em được đưa sang một bàn mổ riêng. Cuộc đời riêng độc lập, bình thường của hai bé gái chính thức được thiết lập từ giây phút này.

Trúc Nhi, bé gái được đánh dấu bằng ký hiệu màu đỏ trên trán, ngay khi được tách rời khỏi người chị em song sinh, được đưa sang phòng mổ siêu sạch số 12 để tiếp tục được phẫu thuật tạo hình. Diệu Nhi ở lại phòng mổ ban đầu, cũng được các bác sĩ thực hiện tiếp các thì phẫu thuật khác.

Khi chia tách hai cháu, các bác sĩ quyết định giữ phần đoạn hồi tràng chung, van hồi tràng manh và ½ đại tràng phải cho Trúc Nhi. Diệu Nhi được tạo hình mới những bộ phận này.

18h45, ca phẫu thuật kết thúc. Các bác sĩ đã hoàn tất quá trình mổ tách dính và tái tạo, sắp xếp các cơ quan, nội tạng khiếm khuyết cho hai bé. Cha mẹ Trúc Nhi và Diệu Nhi (bìa trái) vỡ òa khi đón con ở cửa phòng mổ.

“Hành trình hồi phục và hoàn thiện cơ thể còn rất dài phía trước”, bác sĩ Định phát biểu ngay sau kết thúc ca mổ. Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, 79 tuổi, chỉ huy trưởng của nhiều ca tách dính song sinh ở Việt Nam đánh giá “Thành công của ca mổ hôm nay đánh dấu một mốc son mới trong cuộc đời các em, và cả với ngành y tế Việt Nam đang thăng hoa”.