Hen phế quản ở trẻ nhỏ có khỏi dứt điểm không?

Mẹ đã bao giờ nghe cụm từ “hen phế quản” và tự hỏi nó có nghĩa là gì? Tình trạng khò khè, ho, khó thở chính là biểu hiện hen phế quản ở trẻ nhỏ khiến cho các mẹ luôn lo lắng.  Nguyên nhân do đâu trẻ mắc hen phế quản, và cách xử trí như thế nào?

Hen phế quản ở trẻ nhỏ
Hen phế quản ở trẻ nhỏ

Hen phế quản ở trẻ nhỏ là bệnh gì?

Hen phế quản ở trẻ nhỏ là bệnh hô hấp với đặc điểm là viêm mạn tính đường thở thường gặp nhất. Hen là bệnh lý đa dạng được đặc trưng bởi các triệu chứng: khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và cường độ.

Nguyên nhân hen phế quản ở trẻ nhỏ

1.Yếu tố di truyền

Nghiên cứu cho thấy hen phế quản có đến 60% di truyền từ cha mẹ.

2.Tác nhân môi trường

Trẻ nhiễm virus đường hô hấp, luyện tập gắng sức, tác nhân gây kích ứng như khói thuốc lá, các dị nguyên trong nhà hoặc ngoài nhà như lông súc vật, mạt bụi nhà, gián, thức ăn, ẩm mốc. Thay đổi thời tiết, đặc biệt là thời tiết lạnh hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản là những tác nhân kích thích đường hô hấp gây ra hen phế quản ở trẻ.

Chẩn đoán trẻ bị hen phế quản dựa vào đâu?

Chẩn đoán hen ở trẻ > 5 tuổi theo Tổ chức Chiến lược toàn cầu về hen phế quản (GINA)

Dựa vào triệu chứng và tiền sử của trẻ:

  • Có cảm giác nặng ngực tái đi tái lại.
  • Ho dai dẳng, cơn ho kéo dài và nặng hơn về đêm.
  • Khò khè khi thở ra.
  • Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp với biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho,…
  • Trẻ tiếp xúc với các loại khói bụi, đặc biệt là các loại khói bếp than ở các khu tập thể hiện nay. Các loại khói thuốc lá, thuốc lào ở các gia đình có bố, mẹ hoặc ông bà hút thuốc lá, thuốc lào. Các loại bụi, đặc biệt là bụi nhà từ các chăn, nệm, thảm len trải sàn nhà.

Chẩn đoán hen ở trẻ < 5 tuổi

Chẩn đoán hen ở trẻ dưới 5 tuổi rất khó phân biệt . Triệu chứng chủ yếu để chẩn đoán là khò khè tái đi tái lại hay khò khè dai dẳng.

  • Khò khè tái đi tái lại nhiều hơn 1 tháng
  • Ho hay khò khè xuất hiện sau các hoạt động gắng sức
  • Ho về đêm mà không có biểu hiện nhiễm virus hô hấp
  • Khò khè thay đổi theo mùa
  • Khò khè không dứt sau khi trẻ 3 tuổi
  • Tiền sử gia đình có người mắc hen

Phân biệt hen với viêm phế quản

  • Hen phế quản ở trẻ và viêm phế quản đều dẫn đến tình trạng các ống phế quản bị viêm, gây ho, khó thở, tức ngực và có tiếng khò khè khi thở.
  • Sự khác biệt chính giữa hen phế quản và viêm phế quản là nguyên nhân gây bệnh. Hen phế quản là một bệnh mãn tính của đường thở, viêm phế quản là một dạng nhiễm trùng ở các phế quản do vi trùng, virus.
  • Hen phế quản là căn bệnh mãn tính, các triệu chứng lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Trong khi đa phần các trường hợp viêm phế quản đều là một tiến trình cấp tính, hầu hết đều có thể phục hồi sau 5-10 ngày.

Hen phế quản có khỏi dứt điểm không?

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP HCM, hen có thể kiểm soát được nhưng không điều trị khỏi hoàn toàn được. Tùy từng trẻ, khi đạt được kiểm soát bệnh, bạn có thể thấy thời gian dài trẻ không còn triệu chứng của hen nữa. Nhưng bạn tuyệt đối không nên chủ quan hoặc để con bạn tự ý dùng thuốc bởi các cơn hen có thể xuất hiện lại khi con bạn bị nhiễm khuẩn hô hấp hoặc khi con bạn đã trưởng thành.

Mục tiêu kiểm soát cuối cùng là không để hen cản trở các hoạt động sinh hoạt và học tập của con. Gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho bé về cả thể chất và tâm lý. Vì vậy bạn nên chủ động nắm bắt thông tin và hành động cùng nhân viên y tế xây dựng tương lai khỏe mạnh cho bé.

Điều trị hen phế quản ở trẻ nhỏ

Để điều trị bệnh có hai loại thuốc chính có tác dụng khác nhau là thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng. Các dạng thuốc sử dụng cho trẻ ở dạng xịt khí dung, sẽ có tác dụng nhanh và hiệu quả hơn các dạng thuốc tiêm hay uống.

Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh dạng xịt khí dung

Thuốc cắt cơn dùng khi trẻ lên cơn hen cấp tính. Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng khí dung hoặc bình xịt định liều 3 lần mỗi lần 30 phút cho đến khi cắt cơn. Liều lượng thuốc dùng sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ. 

  • Cơn hen nhẹ : Trẻ dùng một số thuốc giãn phế quản: Ventolin: liều tối thiểu 0,05-0,15mg/kg  hoặc Bricanyl. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, thuốc hít phải dùng qua mặt nạ, hay buồng đệm để có hiệu quả tốt hơn, giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ (lắng đọng thuốc ở họng, miệng). 
  • Cơn hen phế quản trung bình có thể phối hợp cho trẻ thuốc giãn phế quản và corticoid đường uống ( prednisolon 1-2mg/kg/ngày).
  • Nếu cơn hen phế quản nặng, trẻ khó thở mạnh cần đưa ngay trẻ vào bệnh viện để được điều trị cấp cứu tích cực. 

Thuốc dự phòng

Thuốc dự phòng có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường thở, giảm sưng và ngăn những kích ứng với tác nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em. Thuốc dự phòng bao gồm corticosteroid dạng hít ( Beclomethasone, Budesonide, Fluticasone), các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (Salmeterol, Formoterol).

Tuy nhiên, không phải bé nào cũng cần dùng thuốc này. Bác sĩ sẽ có những chỉ định trẻ có cần dùng thuốc dự phòng hay không và nên dùng loại nào tùy thuộc vào triệu chứng hen và lứa tuổi của trẻ.

Dinh dưỡng cho trẻ hen phế quản

  • Nếu không được điều trị tốt, hen sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển thể chất của trẻ. Trẻ có thể bị chậm lớn, suy dinh dưỡng, lùn, biến dạng lồng ngực. Cùng với việc điều trị bệnh hen một cách hiệu quả, một chế độ dinh dưỡng tốt cũng vô cùng quan trọng và cần thiết để trẻ có thể phát triển tốt về mọi mặt .
  • Khi trẻ phải sử dụng các thuốc phòng ngừa hen lâu dài (thường là corticoid dạng hít), ta cần chú ý cung cấp thêm canxi hoặc dùng thêm các loại thực phẩm, sữa giàu canxi để tránh biến chứng loãng xương cũng như giúp trẻ có thể phát triển tốt hơn.
  • Hen là một bệnh di truyền nhưng hoàn toàn không hề lây từ mẹ sang trẻ qua sữa mẹ. Ngược lại, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng khi mẹ mắc bệnh hen, trẻ được bú mẹ càng lâu càng sẽ có thể tránh được nguy cơ mắc bệnh hen sau này, nhất là khi trẻ được bú mẹ hoàn toàn.

Phòng tránh hen phế quản ở trẻ

Mẹ có thể phòng tránh hen phế quản cho trẻ bằng các biện pháp sau:

  • Không cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như phấn hoa, lông chó, lông mèo.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh dùng thảm trong nhà.
  • Tắm cho trẻ bằng nước ấm.
  • Trong phòng khách hạn chế để hoa, phòng ngủ của trẻ tuyệt đối không để hoa.
  • Cho trẻ ăn nhiều các loại rau xanh, cà rốt, có nhiều vitamin tăng đề kháng.
  • Hạn chế cho trẻ sử dụng các đồ ăn công nghiệp như nước đóng chai, nước có gas, đồ khô vì có rất nhiều chất bảo quản không tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ.
  • Chăm sóc, quan tâm, động viên bé.

Ngày nay tần suất hen ngày càng gia tăng, đặc biệt ở trẻ em do quá trình thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Vì vậy hiểu về bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ và cách phòng bệnh là điều cần thiết cho các bậc phụ huynh để giúp trẻ có thể sinh hoạt, học tập và vui chơi bình thường.

Nguồn tổng hợp: Tổ chức Chiến lược toàn cầu về hen phế quản (GINA)

Xem thêm: Trẻ bị viêm phế quản thở khò khè – bác sĩ khuyên gì?

Cách tăng sức đề kháng cho trẻ nhanh nhất chỉ bằng 7 bước đơn giản