Biểu hiện ho là triệu chứng rất phổ biến ở trẻ. Ho là phản xạ loại bỏ yếu tố lạ ở đường thở để bảo vệ đường thở. Vì thế, ho là phản xạ tốt. Khi có bất cứ thứ gì bất thường ở đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện ho. Triệu chứng ho thường gặp trong các bệnh như: viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng), viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, cảm lạnh, dị vật đường thở, khối bất thường ở đường thở…
Danh Mục
Điều trị ho thế nào là đúng?
Các thuốc ho dùng cho trẻ là thuốc hỗ trợ cho điều trị bệnh nền, không phải là thuốc điều trị chính. Mỗi loại thuốc ho khác nhau sẽ có tác động vào từng khâu trong dây truyền phản xạ ho. Mỗi loại ho khác nhau sẽ có các loại thuốc ho phù hợp, như hen phế quản không có chỉ định dùng thuốc ho long đờm ở giai đoạn đầu, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc.
Phần lớn khi điều trị được bệnh nền, triệu chứng ho của trẻ sẽ giảm và hết dần. Ví dụ khi trẻ bị viêm mũi, nước mũi chảy xuống thành sau họng, kích thích phản xạ ho của trẻ, nên khi điều trị khỏi mũi thì triệu chứng ho của bé sẽ hết. Nếu bé chỉ bị viêm mũi họng, viêm phế quản hoặc viêm phế quản phổi đơn thuần, bé chỉ cần được điều trị đợt bệnh. Nhưng nếu thấy bé tái phát triệu chứng nhiều lần, hãy cho bé đi khám bác sĩ.
Bố mẹ hãy kiểm tra các dấu hiệu sau đây, nếu nghi ngờ bé bị hen, hãy cho bé tới khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Cần nhớ rằng, nếu bé bị hen phế quản, sau khi điều trị đợt (cơn) hen, bé cần điều trị dự phòng để tránh tái phát bệnh, quan trọng hơn nữa là điều trị dự phòng giúp bảo vệ chức năng phổi của bé sau này.
Khi nào nghi ngờ con bị hen?
Đó là khi trẻ có các triệu chứng sau: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực (ở trẻ lớn, trẻ biết cảm nhận và mô tả được cảm giác). Mỗi em bé là một cá thể khác nhau nên triệu chứng cũng có thể khác nhau. Phần lớn trẻ có các biểu hiện kể trên nhưng cũng có bé chỉ biểu hiện là các cơn ho.
Khi các triệu chứng (ho, khò khè, khó thở và nặng ngực) hay xảy ra về đêm và gần sáng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với dị nguyên, nhiễm virus và rất hay gặp khi hay đổi thời tiết.
Khi các triệu chứng (ho, khò khè, khó thở và nặng ngực) tái phát nhiều lần.
Khi tiền sử bản thân trẻ và tiền sử gia đình có dị ứng. Hen phế quản 80% do nguyên nhân dị ứng, bởi vậy tiền sử bản thân bé và gia đình là yếu tố rất quan trọng. Tiền sử bản thân bé có thể bị viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, mề đay… Trong gia đình có người bị dị ứng, đặc biệt là bố mẹ, anh chị em ruột bị dị ứng (hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mề đay, viêm kết mạc dị ứng).
Điều quan trọng cần ghi nhớ
Bệnh hen nguy hiểm đối với tất cả trẻ mắc, thậm chí có thể gây tử vong. Nếu trẻ đã được chẩn đoán hen phế quản, có nghĩa là con luôn luôn bị hen (kể cả khi không có triệu chứng hoặc lên cơn hen), kể cả khi con cảm thấy sức khỏe tốt. Vì hen là bệnh mạn tính, nghĩa là bệnh tồn tại liên tục và không bao giờ hết, nên nếu trẻ không được điều trị một cách đúng đắn, hậu quả có thể làm tổn thương phổi không hồi phục, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ sau này.
Điều đáng mừng
Hen phế quản có thể kiểm soát được. Bất kỳ trẻ nào bị hen đều có thể sinh hoạt như trẻ bình thường: Cảm thấy thoải mái, tham gia hoạt động ban ngày và ngủ tốt vào buổi tối. Không cần bắt con chấp nhận bất cứ sự hạn chế nào. Tuy nhiên để đạt được điều này, các bậc cha mẹ và con trẻ cần hiểu và tuân thủ những lời khuyên của bác sĩ chuyên về hen và dị ứng.
Nếu hen của trẻ được kiểm soát, trẻ có thể hy vọng đạt được:
Trẻ có rất ít hoặc không có triệu chứng hen, thậm chí lúc nửa đêm hoặc sau vận động
Ngăn ngừa tất cả hoặc hầu hết các đợt hen cấp.
Trẻ không khó thở khi vận động, bao gồm cả tập thể thao.
Trẻ không phải nhập viện hoặc nằm cấp cứu.
Trẻ ít cần dùng thuốc cắt cơn.
Trẻ bị rất ít hoặc không có tác dụng phụ của thuốc điều trị hen.
TS. BS. Lê Thị Thu Hương ( BV ĐH Y Hà Nội)