CON ĐANG TẬP NÓI, BỐ MẸ CHỚ LÀM NHỮNG ĐIỀU NÀY

Ở nhiều nhà, bố mẹ ông bà đang làm những điều này dễ ảnh hưởng đến quá trình tập nói của con khiến nhiều bé bị nói ngọng hoặc chậm nói, lười nói hơn. Các mẹ xem mình có đang phạm phải không nhé!

1/Lặp lại lỗi phát âm sai của bé

Các cụ cứ bảo nhà phải có đứa trẻ con trong nhà mới vui. Nhất là lúc đang tập nói, bi ba bi bô cả ngày đáng yêu lắm. Thường thì khi mới tập nói các bé phát âm ra những tiếng ngọng nghịu nghe rất đáng yêu ngộ nghĩnh. Thế là người lớn chúng ta thường cố tình đọc lại theo cách nói của bé một cách thích thú, hoặc dùng để giao tiếp với bé. 

Tuy nhiên, khi những lỗi phát âm này bị lặp lại thường xuyên và kéo dài, vô tình trẻ sẽ coi đấy là cách nói đúng và càng nói ngọng hơn, việc sửa lỗi sau này cũng khó hơn.

Điều bố mẹ nên làm là khi thấy con nói ngọng, nên kiên nhẫn lặp lại cách nói đúng để dạy trẻ nói theo.

Bố mẹ cần tránh lặp lại các lỗi phát âm sai của trẻ
Bố mẹ cần tránh lặp lại các lỗi phát âm sai của trẻ

2/ Lười giải thích

Ở tuổi tập nói các bé thường rất tò mò, hỏi nhiều. Nhiều khi bố mẹ cảm thấy rất phiền khi phải trả lời 10 vạn câu hỏi vì sao lại nghĩ dù sao con cũng còn nhỏ, nói con cũng chẳng hiểu nên chỉ giải thích qua loa. Tuy nhiên, nếu con hỏi không quá phức tạp, bố mẹ nên dành thời gian giải thích cho con một cách dễ hiểu nhất. Điều này không chỉ khiến con mở rộng về vốn từ ngữ, kiến thức về thế giới xung quanh mà còn hiểu được chính xác cách dùng từ. Con càng nhanh biết nói hơn.

3/ Trợ giúp bé quá nhanh

Ở nhiều gia đình, thấy con chỉ chỉ bình nước thì ngay lập tức đưa nước cho con uống; con muốn gì chỉ cần chỉ tay là bố mẹ sẽ giúp con. 

Việc đoán biết đúng ý muốn của con, giúp con khiến bố mẹ rất vui nhưng vô tình việc làm này đã tước mất cơ hội để con được diễn đạt mong muốn của mình qua lời nói. Lâu dần khiến con lười suy nghĩ, lười nói mà thay vào đó chỉ thể hiện bằng hành động.

Đoán ý và trợ giúp trẻ quá nhanh vô tình khiến trẻ lười nói và lười vận động
Đoán ý và trợ giúp trẻ quá nhanh vô tình khiến trẻ lười nói và lười vận động

Thay vì phản xạ nhanh trước những nhu cầu của bé, bố mẹ hãy tìm cách khích lệ, động viên bé phát ra âm thanh, và dùng ngôn ngữ thể hiện mong muốn của mình. Nếu con chưa biết cách, mẹ có thể gợi ý cho con, chỉ vào đồ vật con muốn và gọi tên chúng để con học theo nhé!

4/ Dạy bé nói từ “người lớn”, trả treo

Nhiều gia đình, cả ba mẹ và ông bà đều không ý thức được việc nên chọn lựa từ ngữ mà cứ vô tư dạy bé những từ không hay. Khi thấy bé nói được những từ “người lớn” một cách ngộ nghĩnh, họ lại cười với nhau thậm chí đem khoe với mọi người một cách thích thú cho là con thông minh, bắt chước nhanh. 

Rồi nhiều nhà còn dạy con trả treo, mắng người lớn hay dạy gọi ông bà, bố mẹ chỉ bằng tên thôi. 

Nhưng bố mẹ ông bà nên hiểu rằng, trẻ con như tờ giấy trắng. Vẽ mực lên thì dễ nhưng tẩy đi lại khó. Những tiếng nói đầu đời rất ý nghĩa với con trẻ, là cột mốc đầu tiên cho những câu nói khác để mở rộng kỹ năng giao tiếp xã hội, mọi từ ngữ bé học được đều được vận dụng và khó sửa đổi về sau. 

Để rồi sau đấy chỉ mấy tháng, 1 năm, con vẫn nói những câu đấy thì lại mắng bố mẹ không biết dạy con, con nhà này láo, toàn nói tục chửi bậy. Đều do người lớn ra cả thôi!

Xem thêm:

Quy tắc an toàn tại nhà cho trẻ

Những mốc phát triển trẻ cần đạt được trước khi vào lớp 1