Danh Mục
Sau đợt con phải nằm viện điều trị vì nhiễm virus RSV, bà mẹ trẻ đã “cấm tiệt” chồng không được làm việc này ở nhà.
Nếu được hỏi nỗi ám ảnh lớn nhất của các mẹ nuôi con nhỏ là gì thì chắc hẳn ai cũng giống nhau ở câu trả lời đó là mỗi lần con ốm. Dù hoàn cảnh khác nhau, dù tính cách mỗi bé cũng không giống nhau nhưng không phải lúc con quấy khóc, cũng không phải những đêm thức trông con… mới khiến các mẹ sợ hãi mà chính là những lần con bị ốm.
Và nếu con bị ốm mãi không khỏi, ốm phải nhập viện điều trị thì nỗi ám ảnh đó càng nhân lên gấp bội lần. Bà mẹ trẻ Tina Ho (hiện đang sinh sống tại Malaysia), mẹ của bé Vince Cheah Jian Feng (1 tuổi) đã từng trải qua cảm giác ấy khi con trai bị ốm nặng lúc 6 tháng tuổi.
Đợt tháng 3 đầu năm nay, bé Vince bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như hắt xì hơi nhiều, chảy nước mũi rồi chuyển sang ho, sốt kéo dài… Thấy tình hình sức khỏe của con chuyển biến xấu, đặc biệt là con sốt mãi không hạ, vợ chồng chị Tina đã đưa con đến bệnh viện khám. Bé Vince đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, sốt không dứt, bác sĩ vừa thăm khám xong đã bắt nhập viện gấp.
Tại bệnh viện, bé được lấy máu xét nghiệm và bác sĩ kết luận bé nhiễm virus RSV, gây ra tình trạng viêm phổi. Bác sĩ nói đây là loại virus rất nguy hiểm, khi trẻ nhỏ bị nhiễm virus RSV mà môi trường xung quanh có người hút thuốc lá thì tình trạng bệnh sẽ nặng lên rất nhanh và còn làm tăng nguy cơ bị suyễn sau này.
Đến lúc này, vợ chồng chị Tina mới “lặng người”, bởi ở nhà, chồng chị chính là người hút thuốc thường xuyên. Không những thế, gia đình chị Tina còn sống chung nhà với 1 vài người cũng hút thuốc lá nữa.
Rất may mắn bé Vince đáp ứng thuốc tốt, sức khỏe chuyển biến tốt lên nhanh và sau 1 tuần con đã được xuất viện về nhà. Từ đó đến nay, sức khỏe của con ổn đinh. Nhưng sau lần đi viện đó, chị Tina đã rút ra bài học xương máu cho chính mình: “Các mẹ có con nhỏ, nhất là bé dưới 1 tuổi, khi chăm sóc nhớ để ý đến bé thật sát sao. Chỉ một biểu hiện khác thường của con cũng có thể là dấu hiệu của bệnh.
Và đặc biệt, cha mẹ hay người thân nếu có ai hút thuốc lá thì hãy tránh xa bé. Tội con lắm! Từ khi bé bị đến giờ, mình đã cấm tiệt chồng mình hút thuốc ở nhà. Ngoài ra, các mẹ cũng đừng cho ai hôn hít bé. Mất lòng trước được lòng sau. Đôi khi những hành động vô tình của người lớn mà gây ra hậu quả khó lường cho các bé. Không chỉ con mình mà nhiều trường hợp lắm rồi, các bé phải lĩnh hậu quả nặng nề từ chính sai lầm của người lớn. Virus RSV rất nguy hiểm, mẹ nào có con bị nhiễm rồi mới thấy nó đáng sợ đến thế nào“.
Phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus RSV cho trẻ sơ sinh
Cậu bé Vince không phải là nạn nhân đầu tiên của khói thuốc lá. Trước đó, đã nhiều trường hợp các mẹ phải trực tiếp lên tiếng cảnh báo sau khi con bị nhiễm virus RSV từ khói thuốc lá của người lớn.
Virus RSV là virus hợp bào hô hấp có thể gây biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ. Virus RSV diễn biến rất nhanh và có thể gây ra những tình trạng nguy hiểm đối với trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 6 tháng. Dù cho triệu chứng bệnh rất bình thường, ban đầu chỉ ho, khò khè có đờm mũi, hắt xì và đi khám thường bị nhầm lẫn sang những bệnh viêm mũi họng hoặc cúm. Thế nhưng ở giai đoạn sau, trẻ thường sẽ bị sốt, thở nhanh, khó thở, ho nặng tiếng, người tím tái, bú kém, nôn trớ và viêm phổi…
Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, virus RSV, bố mẹ nên lưu ý các biện pháp sau:
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu mắc bệnh như ho sốt, hắt hơi, sổ mũi…
– Không nên đưa trẻ sơ sinh đến nơi đông người.
– Đảm bảo môi trường sống của bé trong lành, không có khói bếp hay khói thuốc lá.
– Luôn làm sạch và vô trùng các bề mặt, dụng cụ bé hay tiếp xúc có thể lây nhiễm virus RSV.
– Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn trước khi bế trẻ.
Nguyên tắc đảm bảo bé không bị phơi nhiễm với khói thuốc
Hệ thống miễn dịch của trẻ còn khá non yếu, chưa phát triển đủ để bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng và tác động có hại của khói thuốc lá. Chính vì vậy, cha mẹ cần nâng cao nhận thức và có biện pháp phòng ngừa cần thiết để luôn đảm bảo bé sẽ không bị phơi nhiễm với khói thuốc ở bất cứ đâu, tránh để những sự việc đáng tiếc xảy ra như trường hợp của bé Vince kể trên.
Các bác sĩ nhi khoa đều khuyên rằng, muốn bảo vệ trẻ tuyệt đối khỏi khói thuốc thụ động, chỉ có cách duy nhất là cách ly trẻ hoàn toàn khỏi môi trường khói thuốc và những người đang hút thuốc. Việc tránh đi chỗ khác hút thuốc hay không hút thuốc trong nhà khi có trẻ em gần như không có tác dụng, bởi theo một nghiên cứu tại Đại học bang San Diego (Mỹ), khói thuốc lá còn lưu lại trong phổi, trong hơi thở của bạn, thậm chí còn lưu lại trong nhà bạn đến tận 6 tháng. Ngay cả khi bạn bỏ thuốc lá, chất gây ung thư từ khói thuốc vẫn còn tồn tại trên ghế sofa, tường, thảm, rất lâu sau đó.
– Nếu gia đình bạn có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì thuốc lá không được phép xuất hiện bất cứ đâu, kể cả trong nhà hay trong xe của gia đình.
– Tuyệt đối không đưa trẻ đến những khu vực có người hút thuốc hoặc có khói thuốc như các nhà hàng, nơi công cộng.
– Nếu có ai đó hút thuốc ở gần bé, cha mẹ hãy lịch sự đề nghị họ dừng hút thuốc bởi khói thuốc có thể khiến trẻ nhỏ bị bệnh. Trong trường hợp họ từ chối dừng hút thì cha mẹ hãy di chuyển, đưa bé đến một nơi khác hoặc mở cửa sổ càng rộng càng tốt.