Con đang là em bé thiên thần, ai bế cũng theo, hay vui hay cười. Thế mà tự nhiên khi được 7, 8 tháng lại trở nên cáu kỉnh, nhõng nhẽo, bám mẹ kinh khủng. Vì sao lại như vậy và mẹ nên làm gì để con đỡ bám mẹ hơn?
Danh Mục
CON VỚI MẸ NHƯ HÌNH VỚI BÓNG
Lúc nào mẹ cũng thấy bên người như có cái đuôi, chỉ cần mẹ đi khuất tầm mắt cái là mếu máo, khóc toáng lên. Mẹ đi nấu cơm cũng khóc, mẹ rửa bình sữa cũng khóc, thậm chí… mẹ đi vệ sinh cũng có đứa tò tò bám gấu áo. Gặp ai lạ, ai muốn bế đều lắc đầu nguầy nguậy, chân quặp chặt lấy mẹ rồi nhắm mắt, mở mồm và …khóc? Có mẹ nào thấy con mình như vậy không?
Đi đâu cũng không nổi lấy vài phút, cứ một mẹ một con quắp nhau. Thấy thế, mọi người xung quanh lại thi nhau bảo “Suốt ngày ôm rịt lấy thì bảo sao nó chẳng bám, cho nó bế chạ tay đi nó quen” rồi thì “Bám mẹ thế này thì còn làm ăn gì” hay “Con nhà này hư thế, bám khóc suốt ngày, cu A nhà bà B ai bế cũng theo, cười như nghé con!” Nghe có mệt không có chứ! Nhà nào có người chơi, người chăm cùng hay xung quanh nhiều chỗ chơi thì em bé vui vẻ; “dễ quen” là bình thường nhưng nhà nào ra vào chỉ có mẹ với con thì ngoài mẹ ra con còn biết bám ai?
VÌ SAO TRẺ TỪ 7 THÁNG LẠI BÁM MẸ HƠN?
Thực tế thì ngoài yếu tố hoàn cảnh thì giai đoạn 7-9 tháng trẻ có sự thay đổi về nhận thức mà theo từ ngữ khoa học là bé vào giai đoạn “Khủng hoảng sợ xa cách” đấy mẹ ạ. Là tâm sinh lý bình thường của trẻ thôi!
Ở tháng tuổi này, bé đã bắt đầu nhận thức được sự tồn tại và “biến mất” của người thân, người chăm sóc, thường là bố mẹ.
Khi bố mẹ đột nhiên đi ra khỏi tầm mắt của bé, bé sẽ cảm thấy lo lắng, và sợ hãi trước sự thiếu vắng ấy, nhưng bé lại chưa hiểu là bố mẹ chỉ rời đi tạm thời thôi. Con không biết phải làm sao, thấy hốt hoảng và tất nhiên điều duy nhất con biết làm khi ấy là la hét, khóc lóc mà thôi.
Đây chắc hẳn là giai đoạn cả mẹ và con đều cảm thấy vô cùng mệt mỏi và phiền toái. Tuỳ từng bé mà mức độ của khủng hoảng xa cách sẽ nặng hay nhẹ khác nhau; có thể kéo dài từ vài tuần cho đến nhiều tháng. Điều này không chỉ ảnh hưởng bởi tâm tính của từng bé mà còn là ở mức độ tạo sự tự lập từ bé do văn hoá gia đình nữa.
Vậy làm thế nào để cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này đây?
1. Tập cho con thói quen tự lập từ sớm
Sớm là từ khi nào. Mới sinh con thì mẹ nào chẳng muốn ôm ấp, bao bọc con không muốn rời. Con như thiên thần xinh đẹp, ngày càng đáng yêu, biết chuyện, biết cười, ngay cả khóc cũng yêu nữa là. Thế nên trong mấy tháng đầu sau sinh, các mẹ có xu hướng dính chặt lấy con, nhất là với các mẹ bỉm lần đầu làm mẹ.
Và thế là dần dần, con cũng hình thành thói quen có mẹ ở bên 24/7. Mở mắt là thấy mẹ rồi, ăn ngủ ị đều một tay mẹ lo nên xa mẹ con sợ hãi là bình thường thôi.
Tất nhiên thì mẹ nào chẳng muốn gần con, nhưng chúng ta hướng đến tương lai cả mẹ cả con cùng vui vẻ thoải mái thì thay vì bắt con đột ngột thay đổi thói quen này, mẹ có thể để bé tập chơi tự lập ngay từ sớm.
Ví dụ, ngay từ sơ sinh, mẹ có thể để con tự chơi 1 mình trong cũi trong khoảng từ 5-10 phút hoặc chơi cùng đồ chơi như treo nôi, xúc xắc. Nhớ là cho con tự chơi sau khi đã được ăn no và bỉm sạch nhé! Dần dần, mẹ kéo dài thời gian tự chơi của con lên. Nhưng để con tự chơi không phải là chỉ có 1 mình con trong phòng, mẹ có thể theo dõi ở 1 vị trí khác không gần con để chắc chắn đảm bảo an toàn nhé!
2/ Để con tự chủ động rời xa mẹ.
Khi 7, 8 tháng là con đã biết tập bò rồi. Lúc này mẹ có thể để bé tự bò đến 1 nơi an toàn khác khuất tầm mắt mẹ rồi sau đó vài phút mới đi theo. Việc để bé tự chủ động rời xa mẹ sẽ giúp bé dễ dàng vượt qua khủng hoảng xa cách hơn. Ngược lại mẹ có thể ra khỏi phòng nhưng trước đó nhớ nói rõ với bé là mẹ đi đâu, mẹ sẽ quay lại ngay và làm đúng như vậy. Bé có thể không hiểu những gì mẹ nói, nhưng sẽ dần hiểu rằng mẹ đi 1 chút rồi chắc chắn mẹ sẽ quay lại.
3/ Cho con làm quen với người chăm sóc mới
Nếu mẹ phải rời bé để làm việc nhà, hay đi làm, mẹ có thể nhờ người thân mà bé quen, gần gũi thường xuyên chăm sóc bé thay mình. Nhất là với các mẹ phải quay lại công việc khi con được đủ 6 tháng và cần nhờ các bà trông ở nhà.
Nhớ cho bác Đạt nên để con làm quen dần với bà trước: vừa là để bà biết thói quen sinh hoạt của con, chăm sóc con được tốt hơn; vừa là để chuẩn bị tinh thần cho bé. Đừng để đến ngay hôm bắt đầu đi làm trở lại đổi thành bà chăm luôn. Chắc chắn bé sẽ vẫn phản ứng lại khi phải xa mẹ, nhưng sự gần gũi gia đình sẽ giúp bé giảm đi sự lo âu và dễ bình tĩnh lại hơn.
4/. Hãy nói lời tạm biệt với con trước khi rời đi
Nhiều mẹ sợ con bám mẹ, quấy khóc thế là nói dối con hoặc tranh thủ lúc con không để ý là lẩn đi mất. Việc mẹ đột nhiên “biến mất” sẽ càng khiến bé hoảng sợ hơn đó.
Luôn tạm biệt em bé bằng một cái ôm nhẹ nhàng, thủ thỉ rằng mẹ sẽ về sớm. Không nước mắt, không bịn rịn, không ngoái lại nhìn nhiều lần, vì bé sẽ ảnh hưởng bởi cảm xúc của mẹ.
Xem thêm: Cho con uống thuốc không còn là nỗi ám ảnh
Cách tăng đề kháng cho trẻ chuẩn WHO