Nhiều trẻ em bị viêm amidan nhiều lần nên được khuyến cáo cắt amidan khiến cha mẹ lo lắng. “Có nên cắt amidan cho trẻ không” có lẽ là câu hỏi được các phụ huynh quan tâm nhất khi có con viêm amidan thường xuyên. Dựa trên thông tin từ Viện Hàn Lâm Tai Mũi họng, phẫu thuật đầu cổ Hoa Kỳ, Trung tâm sức khoẻ nhi khoa sẽ giúp mẹ giải đáp thắc mắc này.
Danh Mục
Cắt amidan cho trẻ – tiểu phẫu phổ biến thứ 2 tại Mỹ
Viện Hàn lâm Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu – cổ Hoa Kỳ viết tắt là AAO-HNS. Theo thống kê từ AAO-HNS, cắt amidan là phẫu thuật phổ biến thứ 2 được thực hiện cho trẻ tại Mỹ. Năm 2006, có hơn 530.000 ca cắt amidan cho trẻ dưới 15 tuổi, chiếm tới hơn 16% tổng số ca phẫu thuật trong độ tuổi này ở Mỹ. Đây là một phẫu thuật khá đơn giản và nhanh chóng, nhưng nhiều bố mẹ hiện nay vẫn có tâm lý sợ cắt amidan vì sợ đụng đến dao kéo. Có khi cha mẹ lo sợ hệ miễn dịch của bé bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên ở Việt Nam, không phải quyết định cắt amidan nào cũng đủ căn cứ khoa học. Đó cũng là cốt lõi nên cha mẹ vẫn muốn tìm hiểu: Có nên cắt amidan cho trẻ? Khi nào cần cắt amidan?… Rõ ràng nếu cắt amidan mà không có cơ sở khoa học thì lợi bất cập hại.
Amidan là gì? Có nên cắt amidan cho trẻ?
Đơn giản mẹ có thể hiểu amidan giống như một “lá chắn miễn dịch” nằm ở chỗ giao của miệng và hầu-họng để “bắt giữ và tiêu diệt” các vi sinh vật gây hại xâm nhập vào cơ thể bé qua đường mũi-miệng. Tuy nhiên, khi amidan bị viêm nhiễm nhiều lần không chỉ làm giảm khả năng miễn dịch mà còn thành ổ tích tụ vi trùng gây hại. Vì thế, nếu trẻ bị viêm amidan nhiều lần thì cần cân nhắc cắt amidan.
Không ít trẻ viêm amidan lâu ngày dẫn đến amidan sưng to gây rối loạn hô hấp lúc ngủ, có thể gây chậm tăng trưởng, giảm khả năng học, đái dầm… Một số trường hợp nghiêm trọng hơn trẻ có thể bị rối loạn hành vi.
Khi nào thì cần cắt amidan cho trẻ?
Thời điểm cắt amidan không phụ thuộc vào tuổi của bé mà phụ thuộc vào mức độ nghiệm trọng của bệnh do amidan gây ra. Cha mẹ hay nghĩ cắt amidan là do bác sĩ. Điều này đúng. Tuy nhiên, thực tế cha mẹ mới là người cung cấp các thông tin về tình trạng viêm amidan của bé từ trước đến nay để bác sĩ sau thăm khám đưa đến quyết định.
Theo hướng dẫn của AAO-HNS năm 2011, hai khuyến cáo quan trọng để thực hiện cắt amidan gồm:
-
Trẻ nên cắt amidan nếu bị nhiễm trùng họng tái phát nhiều lần:
Trẻ bị nhiễm trùng họng nhiều lần với tần suất cụ thể như sau từ 7 lần/năm trở lên trong năm đó; hoặc từ 5 lần/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp; hoặc từ 3 lần/năm trong 3 năm liên tiếp. Các triệu chứng của nhiễm trùng họng gồm đau họng và có 1 hoặc một vài các triệu chứng sau: Sốt > 38,3 độ; xuất tiết amidan, test liên cầu tan máu β nhóm A dương tính, nổi hạch ở cổ, …
-
Trẻ nên cắt amidan nếu ảnh hưởng đến sinh hoạt:
Amidan phì đại quá to rối loạn hô hấp lúc ngủ bé ngủ ngáy, đái dầm, có cơn ngừng thở lúc ngủ hoặc bé khó nuốt, khó nói…
Cắt amidan có ảnh hưởng đến miễn dịch của trẻ?
Đây chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều mẹ quan tâm. Thực tế, đến nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh tác động lâm sàng đáng kể của cắt amidan đến miễn dịch của trẻ. Có thể bởi vì trong hệ thống miễn dịch của trẻ ngoài amidan thì còn có nhiều tổ chức miễn dịch khác tham gia bảo vệ bé.
Cắt amidan có đau không?
Có lẽ, cha mẹ nào cũng nghĩ cắt amidan trẻ sẽ rất đau. Hiện giờ có một số phương pháp cắt amidan mới, dùng nhiệt, không dùng dao, nên không gây đau đớn. Các phương pháp mới cũng ít khi để lại biến chứng.
Sau cắt amidan, trẻ có nói được không?
Hiện nay có nhiều phương pháp cắt amidan hiện đại nên sau cắt trẻ vẫn có thể nói. Tuy nhiên vẫn nên tránh nói to, hò hét, khạc đờm và những hoạt động thể lực mạnh trong vòng 2 tuần đầu sau mổ.
Mẹ nên cho bé ăn uống như thế nào sau cắt amidan?
Thường trẻ mất khoảng 2 tuần để hồi phục và trở lại bình thường sau cắt amidan. Sau khoảng 2 tuần, bé có thể trở lại chế độ ăn bình thường. Mẹ có thể thử một đồ ăn mới mỗi lần cho tới khi bé có thể ăn lại mà không đau hoặc sợ nuốt.
Trẻ cắt amidan, mẹ nên cho bé ăn uống gì?
- Với trẻ vừa cắt amidan, cha mẹ rất nên chú trọng cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ có thể uống thêm các loại nước hoa quả như nước táo, nho,… Lưu ý cần tránh cho bé uống đồ nóng và tránh dùng ống hút.
- Sau cắt amidan, mẹ nên cho bé ăn thức ăn lỏng và mềm như cháo lỏng, súp, sẽ giúp trẻ dễ nhai, nuốt bớt đau…
- Sau 2 tuần, trẻ có thể ăn uống như bình thường.
Trẻ cắt amidan, mẹ không nên cho bé ăn uống gì?
- Mẹ không nên cho bé ăn thực phẩm cứng, giòn hoặc xù xì. Những thực phẩm này có thể gây chảy máu.
- Các thực phẩm có nhiều gia vị và chua như nước chanh, nước cà chua… có thể gây bỏng và rát.
Sinh hoạt của trẻ sau cắt amidan?
Sau khi cắt amidan cho trẻ, cha mẹ cần có một số chú ý:
- Vẫn cho trẻ súc họng, và đánh răng như thường lệ.
- Tránh nói to, nói nhiều, hoặc khạc nhổ tránh làm bong lớp giả mạc. Giả mạc là lớp màng màu trắng phủ hố amidan, giúp bảo vệ và cầm máu. Thông thường, giả mạc sẽ tự bong sau từ 7 đến 10 ngày.
Cắt amidan có biến chứng không?
Một số ít trường hợp sau cắt amidan có thể gặp biến chứng. Các biến chứng có thể là bị chảy máu, đau, hoặc nhiễm trùng. Nếu có những triệu chứng này, cha mẹ nên cho bé đi khám lại tại cơ sở y tế gần nhất.
Tóm lại
Trẻ có nên cắt amidan hay không nên phụ thuộc vào tình trạng của bé có nhiễm trùng quá nhiều không, hoặc có ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt không. Cắt amidan cũng không còn quá nguy hiểm, và ít để lại biến chứng. Những trường hợp bác sĩ khuyến cáo trẻ nên cắt amidan thì bố mẹ cũng có thể yên tâm, vì quá trình cũng đơn giản, ít đau đớn.
Tài liệu tham khảo:
[1] BS. Trần Thu Thủy (2016), “Chế độ ăn cho trẻ sau phẫu thuật nạo VA và cắt amidan”, Bệnh viện nhi trung ương
[2] Reginald F Baugh, Archer Sanford M et al. (2011), “Clinical practice guideline: tonsillectomy in children”, Otolaryngology–Head and Neck Surgery, 144(1_suppl), S1-S30.
Xem thêm:
Cách tăng sức đề kháng cho trẻ chỉ bằng 7 bước đơn giản