Chuẩn bị cho bé ăn dặm: Những điều mẹ không nên bỏ qua

Ăn dặm đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Việc chuẩn bị cho con như thế nào để hành trình này trọn vẹn và hạnh phúc là những điều mẹ cần quan tâm.

Khi nào bé bắt đầu ăn dặm?

Theo khuyến cáo từ WHO, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để phát triển toàn diện và bảo vệ hệ miễn dịch của trẻ. Thời điểm lý tưởng để bắt đầu thực hành ăn dặm là từ 6 tháng – khi sữa không còn cung cấp đủ lượng dinh dưỡng với nhu cầu hàng ngày của trẻ. 

Cơ thể và mức độ phát triển ở mỗi trẻ không giống nhau. Nếu con bạn có các dấu hiệu dưới đây khi ở mốc 6 tháng (hoặc nhiều trẻ từ 5,5 tháng) là con đã sẵn sàng tập ăn rồi mẹ nhé!

  • Trẻ đã cứng cổ, có thể giữ thẳng đầu 
  • Trẻ có thể ngồi vững, cần ít sự trợ giúp với ghế ăn dặm.
  • Trẻ có thể kết hợp linh hoạt phản xạ mắt, tay và miệng: tự cầm đồ ăn đưa vào miệng.
  • Trẻ có phản xạ dùng lưỡi đón lấy thức ăn từ miệng vào họng và nuốt
Trẻ có thể ngồi, giữ vững cổ và có phản xạ đón thức ăn cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm
Trẻ có thể ngồi, giữ vững cổ và có phản xạ đón thức ăn cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

Tai hại cho con ăn dặm sai thời điểm

Trường hợp thường thấy là nhiều bậc cha mẹ Việt Nam do nhiều nguyên nhân như con chậm tăng cân, tác động từ người nhà, thấy con thòm thèm… đã cho con ăn dặm sớm ngay từ khi trẻ 3 hoặc 4 tháng; hay giữ con quá kỹ nên lùi mốc thời gian ăn dặm muộn hơn 1,2 tháng.

Mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều không tốt cho con.

Giai đoạn trước 6 tháng, hệ miễn dịch, tiêu hóa và nhiều cơ quan chức năng khác của trẻ chưa hoàn thiện, không thể hấp thụ hiệu quả dưỡng chất từ các loại thực phẩm. 

  • Trẻ dễ gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu,…và về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn, thấp còi, suy dinh dưỡng….
  • Làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị dị ứng thực phẩm và nhiễm trùng đường tiêu hóa;
  • Tăng áp lực đào thải chất lên gan, thận. 
  • Trẻ chưa có kỹ năng hoạt động miệng, lưỡi để xử lý thức ăn, dễ gặp trường hợp bị hóc, nghẹn cực kì nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời.

Sau 6 tháng, sữa không còn cung cấp đủ độ đậm năng lượng và dưỡng chất cần thiết theo nhu cầu hàng ngày của trẻ. Thiếu hụt dinh dưỡng giai đoạn này có thể 

  • Làm giảm sự tăng trưởng về mặt thể chất của trẻ; 
  • Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch đang trong giai đoạn hoàn thiện, làm tăng nguy cơ bị dị ứng hoặc nhiễm trùng.
  • Các kỹ năng khác liên quan đến hệ vận động như cầm nắm thức ăn, nhai, nuốt,…cũng bị hạn chế và chậm phát triển. 

Chuẩn bị gì cho con ăn dặm?

Không ít mẹ bỡ ngỡ không biết cần chuẩn bị những gì trước khi con bước vào hành trình ăn dặm. Mẹ hãy chuẩn bị thật tốt những điều sau đây để không bối rối nhé:

Dụng cụ ăn dặm

Tùy vào điều kiện kinh tế, thói quen nấu ăn, đồ dùng sẵn có…mẹ có thể tham khảo lựa chọn mua các dụng cụ sau:

 

  • Thớt: Nên dùng 2 loại thớt khác nhau phân chia dùng để thái đồ ăn sống và chín
  • Máy xay: Đây là trợ thủ đắc lực của mẹ trong công tác chế biến đồ ăn cho con trẻ, đặc biệt với các bé ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm truyền thống. Một bí quyết nhỏ là một chiếc máy xay cầm tay sẽ tiện dụng cho mẹ hơn rất nhiều vì mỗi lần mẹ chỉ cần xay một lượng thực phẩm nhỏ và dễ dàng vệ sinh.
  • Bộ bàn ghế ăn dặm (rất quan trọng): để thiết lập quy tắc bàn ăn và giúp trẻ ngồi cố định
  • Bộ thìa dĩa ăn dặm bao gồm: thìa nước, thìa thức ăn, đĩa nhiều ngăn, chén. Mẹ nên lựa chọn một bộ có chất liệu an toàn và nhiều màu sắc để thu hút trẻ.
  • Khăn, yếm ăn dặm để vệ sinh, tránh thức ăn dây nhiều ra người và quần áo trẻ.
  • Tùy hình thức ăn dặm BLW, truyền thống hay kiểu Nhật, mẹ cần mua thêm bộ rây, dụng cụ cắt, mài, nồi hấp, xoong chảo, bộ trữ đông…để xử lý thực phẩm trong quá trình chế biến.
Đồ dùng chuẩn bị cho bé ăn dặm rất đa dạng
Đồ dùng chuẩn bị cho bé ăn dặm rất đa dạng

Kiến thức ăn dặm

Ngoài dụng cụ chế biến, điều quan trọng là mẹ cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức.

 

  • 3 phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay là: ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm cho bé tự chỉ huy (BLW) và ăn dặm truyền thống. Mẹ nên tham khảo kỹ đặc điểm của từng phương pháp và cách thực hiện để áp dụng phù hợp cho bé nhà mình
  • Tìm hiểu về ăn dặm thông qua các kênh cộng đồng trên mạng xã hội hoặc sách báo. Một số các đầu sách hay về ăn dặm mẹ có thể tìm đọc như: Ăn dặm không nước mắt, Ăn dặm kiểu Nhật, Ăn dặm bé chỉ huy…
  • Cập nhật các kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình ăn dặm của trẻ: giới thiệu đồ ăn cho trẻ như thế nào, xử lý khi trẻ bị hóc, nghẹn…
  • Xây dựng thực đơn khoa học, đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng.

Thực đơn ăn dặm cho bé ăn ngon giai đoạn 6-7 tháng

Đây là giai đoạn khởi động chặng đường ăn dặm của trẻ. Nếu mẹ giới thiệu thực phẩm cho bé vào đúng thời điểm thì sẽ tránh được các nguy cơ trẻ bị dị ứng thức ăn và phù hợp với hệ tiêu hóa trẻ nhỏ. Bé sẽ ăn tốt hơn, ít gặp vấn đề về tiêu hóa hơn. 

Giai đoạn 4 tuần đầu tiên, mẹ chỉ nên cho bé tập làm quen với hai nhóm thực phẩm là nhóm bột đường và nhóm vitamin, khoáng chất.

Mỗi loại thực phẩm, mẹ hãy kiên trì giới thiệu cho trẻ trong 2 đến 3 lần và ưu tiên các loại giàu dinh dưỡng, tốt cho hệ tiêu hóa như khoai lang, khoai tây, bột gạo, ngũ cốc; các loại rau củ như cải bó xôi, bí đỏ, súp lơ… và hoa quả như chuối, bơ, thanh long, kiwi…

Một số thực đơn các mẹ có thể áp dụng cho trẻ giai đoạn mới ăn dặm: 

1. Cháo cà rốt nghiền

  • Cà rốt nghiền: 2 thìa cà phê.
  • Cháo trắng: 2 thìa cà phê.
  • Mẹ nấu cháo gạo theo tỉ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước), sau đó rây qua lưới cho thật mịn và múc ra 2 thìa cà phê.
  • Cà rốt rửa sạch, luộc hoặc hấp chín mềm rồi nghiền mịn.
  • Trộn cháo với cà rốt và cho bé ăn. 
    Cháo cà rốt nghiền là món ăn phù hợp để khởi đầu hành trình ăn dặm cho bé
    Cháo cà rốt nghiền là món ăn phù hợp để khởi đầu hành trình ăn dặm cho bé

2. Súp sữa bí đỏ

  • Bí đỏ: 20g.
  • Sữa mẹ/ sữa công thức: 60ml.
  • Bí đỏ hấp hoặc luộc chín mềm, sau đó đem nghiền nhuyễn hoặc rây cho nhỏ mịn.
  • Pha sữa vào bí đỏ theo tỉ lệ 1:10

Làm tương tự với các loại rau củ, quả khác.

3. Với phương pháp BLW

Thực đơn ăn dặm BLW cho bé không cần chuẩn bị cầu kỳ như phương pháp khác. Các món ăn thường được chế biến bằng cách luộc, hấp hoặc nướng. 1 tuần đầu, mẹ nên giới thiệu từng loại thực phẩm cho trẻ làm quen; sau vài tuần, mẹ để thức ăn vào khay để trẻ lựa chọn, tối đa không quá 4 món. Bắt đầu với những thức ăn dễ cầm và an toàn, cắt thành thanh dài khoảng 6cm, dùng dao lượn sóng để giảm độ trơn của thức ăn.

 

Ăn dặm là một hành trình đầy thú vị và thử thách. Mẹ hãy nắm vững những kiến thức cần thiết để quá trình ăn dặm của con vui vẻ và khoa học nhé!