CHO TRẺ UỐNG THUỐC CHỐNG SAY TÀU XE, CÓ NÊN HAY KHÔNG?

Trẻ nhỏ đi chơi xa mà hay bị say xe thì có nên cho trẻ uống thuốc chống say tàu xe không? Bài viết dưới đây sẽ giải thích cụ thể nhé.

CÓ NÊN CHO TRẺ DÙNG THUỐC CHỐNG SAY TÀU XE?

Hè về gần rồi, nhà nhà cho con đi du lịch vi vu đây đó, không thì cũng tranh thủ nghỉ hè cho con về thăm ông bà. Ấy thế mà con bị say xe thì ngại thật. Con mệt, mà mẹ đi theo chăm con suốt dọc đường cũng mệt chẳng kém. Nghĩ thôi cũng đã thấy say theo con luôn rồi. 

– Ôi em cũng thích cho con đi chơi, về quê mà mỗi lần nghĩ đến cảnh đi xe mà em ngại lắm. Con bé nó say xe lắm ấy ạ, mỗi lần về là vật vã, mất cả ngày mới lại người, oặt ẹo chán lắm! Thành ra có đi chơi cũng mất cả vui!

– Thế cho nó uống thuốcc đi cho nó đỡ mệt. Giờ có cái thuốc nước đấy, cứ ra tiệm thuốc bảo họ bán cho. Nhạy lắm.

Hiện nay trên thị trường, khi ra các tiệm thuốc, nhiều mẹ được tư vấn dùng cho trẻ con loại cao dán hay loại nước uống nhập khẩu gì đó tốt lắm, trẻ con uống thoải mái. Nhiều mẹ còn bảo thôi, cho nó uống không nó mệt, thỉnh thoảng mới uống có 1 lần chắc cũng chẳng sao. Thế có nên cho con uống hay không?

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng thỉnh thoảng mới uống thuốc say xe nên không ảnh hưởng.
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng thỉnh thoảng mới uống thuốc say xe nên không ảnh hưởng.

Say xe thường do chức năng tiền đình của trẻ quá mẫn cảm. Ngồi xe lắc lư, dễ khiến tiền đình của bé tăng độ hưng phấn, ảnh hưởng đến các chức năng hệ thần kinh, hệ tiêu hoá…gây ra các chứng như buồn nôn, nôn mửa, ra mồ hôi…Ngoài ra, ngủ không đủ giấc, dạ dày và ruột không tốt hay bị cảm lạnh đau đầu… cũng dễ dẫn đến say xe.

Tuy nhiên, thuốc chống say xe, dù là dạng uống hay dán, luôn được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em. Thành phần của các loại thuốc này hay dẫn đến những triệu chứng về mặt thần kinh như chóng mặt, nói sảng, hoảng loạn, tim đập nhanh…, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê, ngưng thở tuy hiếm gặp. Trẻ em dễ gặp các tác dụng phụ này hơn người lớn, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.

VẬY NẾU TRẺ HAY BỊ SAY XE, LÀM CÁCH NÀO ĐỂ GIÚP CON THOẢI MÁI HƠN?

Mẹ có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây để giúp con làm giảm cảm giác bị say xe

  • Trước khi lên xe, không nên cho trẻ ăn quá no, cũng không để bụng đói. Nên cho bé ăn trước đó 2 giờ, và ăn thanh đạm. Hạn chế các loại nước uống có ga, thức ăn có vị chua như cam quýt; uống sữa, sữa chua vì dễ gây kích ứng cơn buồn nôn. Trong suốt thời gian ngồi xe, không nên cho trẻ ăn. 
  • Chuyển hướng chú ý của bé bằng cách kể chuyện, chơi trò chơi, hoặc quan sát các điều thú vị, cảnh vật trên đường đi
Trò chuyện là cách đơn giản giúp trẻ giảm bớt cảm giác say xe
Trò chuyện là cách đơn giản giúp trẻ giảm bớt cảm giác say xe
  • Lựa chọn ngồi ghế đầu, mở một phần cửa sổ để không khí lưu thông nếu ngồi xe khách hoặc xe buýt. Với xe tự lái, bố mẹ không nên hút thuốc trong xe, và không dùng nước hoa hoặc mỹ phẩm có hương quá đậm hoặc ăn uống các loại thức ăn có mùi như sầu riêng, xôi xéo… 
  • Lựa chọn thời điểm đi đường: nên chọn di chuyển vào khung thời gian trẻ ngủ như buổi trưa chiều hoặc đêm. 
  • Sử dụng vỏ trái cây như vỏ cam, quýt cho trẻ ngửi. Tinh dầu ở vỏ cam, quýt sẽ khuếch tán trong mũi giúp trẻ giảm bớt cảm giác buồn nôn, nôn trớ.
  • Tăng cường sức khoẻ thường ngày cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất bao gồm vitamin, đạm, béo, bột đường, và các vi chất khác…
  • Ngoài ra, ngày thường nên tăng cường luyện tập chức năng tiền đình cho trẻ như chơi xích đu, ôm chặt bé từ từ xoay tròn, hoặc cho trẻ đi thang máy thường xuyên…nhé!

Như vậy, với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không được khuyến khích sử dụng thuốc chống say tàu xe. Để con có chuyến đi vui vẻ và khoẻ mạnh, mẹ nhớ lưu ý về thời gian di chuyển, chú ý dinh dường cho trẻ có một cơ thể khoẻ và sử dụng các mẹo nêu trên để giảm bớt cảm giác say xe của trẻ nhé!

Xem thêm:

Dinh dưỡng cho trẻ ngày nắng nóng

MANG THUỐC gì khi cho BÉ ĐI DU LỊCH? DINH DƯỠNG cho trẻ khi đi du lịch lưu ý gì?