Chính cha mẹ là nguyên nhân khiến con lớn bị già trước tuổi

Những đứa con lớn thường “già trước tuổi” nhưng điều này lại không hề tốt cho sự phát triển của chúng, và nguyên nhân cũng vì cách ứng xử của cha mẹ.

Khi gia đình bạn sinh thêm em bé cũng là lúc đứa trẻ có thể sẽ phải trải qua một sự thay đổi hết sức thú vị: từ một đứa trẻ thành một đứa trẻ lớn hơn.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, những đứa con lớn có thể sẽ phải nhận những nhiệm vụ lớn hơn, được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng hơn và bởi vậy, điều này đôi khi vô tình lại trở thành áp lực cho chính những đứa trẻ được gắn mác “con lớn”.

Lấy ý kiến của các nhà tâm lý học và từ chính kinh nghiệm thực tiễn của những đứa trẻ là con cả trong các cha đình, Brightside đã đưa ra gợi ý cha mẹ nên nuôi dạy trẻ thế nào cho đúng, đặc biệt đối với những người đang có dự định sinh con thứ 2 trở đi.

1. Ý thức rõ về sự trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ là anh chị cả trong nhà thường phải chịu trách nhiệm cao hơn so với những đứa em của chúng. Điều này xuất phát từ việc các bậc cha mẹ thường đặt kỳ vọng ở họ cao hơn.

Khi những đứa trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ biết rằng họ có thể nhờ vả chúng nhưng không phải lúc nào cũng có thể để ý xem liệu rằng chúng có cảm thấy mệt mỏi khi phải liên tục gánh vác các trách nhiệm hay không.

Những câu nói như: “Con lớn hơn nên con phải biết cách hành động sao cho phù hợp” hoặc “Con lớn hơn em nên giúp đỡ em là điều đương nhiên” thực sự quá quen thuộc với hầu hết những đứa trẻ là anh chị trong nhà.

2. Luôn phải kiểm soát bản thân trong mọi tình huống vì được cho là “hình mẫu” cho những đứa em

Trong các gia đình, những đứa con lớn hơn luôn phải cẩn thận với những gì chúng nói hoặc làm, để tránh trường hợp các em có thể học theo các hành vi chưa đúng chuẩn mực của anh/chị. Đây cũng là lý do tại sao những đứa con cả thường có xu hướng chín chắn và trưởng thành sớm hơn, khiến chúng có vẻ như bị già đi so với tuổi thực.

Cũng từ điều này, những đứa con cả có được kỹ năng và tố chất lãnh đạo hơn.
Tuy nhiên, nếu như lúc nào cũng luôn phải tỏ ra mạnh mẽ là một điều thật khó khăn. Vì vậy, chúng cần nhiều hơn nữa sự quan tâm và chia sẻ từ bố mẹ để có thể học cách cân bằng và thích nghi khi trở thành anh/chị.

3. Thường phải chịu trách nhiệm cho các lỗi sai

Đây có vẻ như là một điều đã quá quen thuộc với những đứa trẻ lớn trong nhà. Thế nhưng theo các chuyên gia tâm lý, điều đó thực sự không công bằng khi cả hai đứa trẻ đều làm sai nhưng người chịu trách nhiệm lại chỉ thuộc về đứa con lớn bởi lý do tuổi tác.

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo các bậc cha mẹ phải hết sức công bằng, tỉnh táo và thận trọng trong việc đưa ra quyết định cũng như phương án xử lý cho các tình huống này, tránh để tình trạng thiếu công bằng trong các cuộc xung đột. Nếu không sẽ rất dễ nảy sinh vấn đề như một trong hai đứa sẽ quen với việc liên tục được bênh vực và đứa còn lại luôn bị đổ lỗi.

4. Phải học cách chia sẻ

Chia sẻ là cụm từ mà những đứa con lớn phải học cách làm quen ngay từ khi có em. Dù rằng chúng không mất đi bất cứ thứ gì mà mình đã có, nhưng chúng sẽ phải học cách chia sẻ với những đứa em của chúng: từ giường, tủ, đồ chơi cho đến cả những đồ dùng cá nhân khác. Về lâu dài, có thể những đứa trẻ “được” làm anh/chị sẽ cảm thấy bản thân bị mất dần đi quyền riêng tư.

Các nhà tâm lý cho rằng, mỗi đứa trẻ nên có nơi dành riêng để cất chứa tất cả đồ đạc của chúng . Điều đó thể hiện sự tôn trọng ranh giới của trẻ và của người khác, giúp trẻ dễ dàng giao tiếp với người khác hơn.

5. Ít được bố mẹ đánh giá cao sự nỗ lực

Có một thực tế mà không phải cha mẹ nào cũng biết chính là sự khen ngợi cho những nỗ lực của con trẻ sẽ giúp tinh thần của chúng được nâng cao hơn, cùng với đó những đứa trẻ nhỏ hơn cũng sẽ tiếp cận được với nhiều thứ tốt đẹp mà anh/chị chúng làm.

Tất nhiên, có thể sẽ có những cuộc cạnh tranh xảy ra, nhưng điều đó cũng không sao cả. Tất cả mọi đứa trẻ đều cần sự hỗ trợ của bố mẹ, và mong muốn biết rằng mình cũng được yêu thương. Do đó, các bố mẹ nên đánh giá cao những cố gắng của con đầu lòng và kiên nhẫn hơn với những lỗi sai của chúng.

6. Nhận được ít sự quan tâm và chiều chuộng hơn

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Cornell (Mỹ) cho thấy 70% các bà mẹ dành nhiều sự quan tâm và tình cảm hơn cho những đứa con đầu lòng. Thú vị hơn, chỉ có khoảng 15% trẻ em cho rằng bố mẹ của chúng yêu thương tất cả anh chị em trong nhà như nhau. Điều đó cũng là minh chứng cho việc còn rất nhiều các ông bố bà mẹ đưa ra hình phạt cho những đứa trẻ dựa trên sự cảm tính.

Về lâu dài, nó có thể ảnh hưởng lớn đến lòng tự trọng của đứa trẻ ít được yêu thương hơn. Ở lứa tuổi dậy thì, những đứa trẻ này sẽ dễ có những thói quen và hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, sự căng thẳng giữa những đứa trẻ cũng sẽ tăng lên nếu một trong số chúng được yêu ít hơn (hoặc nếu chúng cảm thấy như vậy).

Tựu chung lại, bố mẹ nên thúc đẩy và khuyến khích sự phát triển của trẻ bằng cách động viên, khen ngợi những điểm mạnh của các con thay vì chăm chăm nhìn vào những điều mà con chưa hoàn thiện. Bởi, mỗi đứa trẻ đều sẽ có những ưu/nhược điểm khác nhau mà chúng ta không thể đánh đồng hay so sánh.

(Theo Pháp luật & bạn đọc)