Đưa hai em bé về hồi sức hậu phẫu, bác sĩ Trương Quang Định, chỉ huy trưởng ca mổ tách song sinh, khẳng định “đây chỉ mới hoàn tất cuộc mổ”.
Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tổng chỉ huy ca mổ tách hai cháu Trúc Nhi – Diệu Nhi, thông báo tối 15/7: “Đến giờ phút này khẳng định đã hoàn tất cuộc mổ. Đây là thành công bước đầu của trí tuệ gần 100 người trong ê kip”.
Bác sĩ Định khẳng định, đây mới chỉ là hoàn tất cuộc mổ. Quá trình hồi sức cho các cháu còn nhiều khó khăn và thử thách. “Chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để cuộc mổ thực sự trọn vẹn”, bác sĩ nói.
Hiện, hai bé được mở hậu môn tạm, dẫn lưu bàng quang qua da. Trong ba tháng tới, sẽ có các cuộc phẫu thuật khác để tái tạo hoàn chỉnh hệ tiêu hóa, tiết niệu cho hai em.
Mối lo ngại hiện nay là hai cháu còn nhỏ, thời gian phẫu thuật kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, hồi sức vẫn thường trực. Ông khẳng định, bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị cho các em đến 18 tuổi.
Bác sĩ 54 tuổi từng tham dự nhiều ca tách dính song sinh khác, nhưng trong cuộc mổ này, ông và đồng nghiệp có rất nhiều cảm xúc.
Sáng nay, khi rạch nhát dao đầu tiên cho ca mổ tách hai bé, bác sĩ Định nói: “Đó là thử thách rất lớn”. Bởi trước đó, quá trình sơ sinh của hai bé đầy sóng gió. Nhất là Diệu Nhi, em yếu hơn, bị sốc sơ sinh nên thần kinh ảnh hưởng nhẹ. Quá trình gây mê, sinh hiệu của Diệu Nhi tương đối dao động.
Y văn thế giới đã ghi nhận nhiều ca phẫu thuật tương tự, tách dính xong, các dấu hiệu sinh tồn hai cá thể đều chuyển xấu. Do đó, khi chuẩn bị ca mổ tách hai trẻ, các bác sĩ lo sợ sau 13 tháng sống cộng sinh, khi tách các em ra “sẽ có vấn đề, ảnh hưởng đến nhịp tim, độ bão hòa oxy trong máu”.
“Thêm vào đó, hai em chung nhiều nội tạng nên sự sống ràng buộc lẫn nhau. Không biết phân chia như thế nào mới hợp lý nhất”, bác sĩ Định chia sẻ.
May mắn, kíp mổ sau khi mở vùng bụng chung của hai cháu, xác định mọi chẩn đoán trước mổ đều đúng, kế hoạch phẫu thuật sẽ diễn tiến theo dự kiến. Các bác sĩ vui mừng, hài lòng, ca mổ suôn sẻ diễn ra.
Khoảnh khắc lo lắng nhất là khi tách rời hoàn toàn hai bé. Các bác sĩ kẹp mạch máu, nhìn các chỉ số sinh hiệu trên màn hình monitor không có bất thường mới dám thực hiện tiếp. Mặc dù vậy, xương các bé đã phát triển nhiều, cứng. Việc đục xương chậu gặp khó khăn nhưng cuối cùng kíp phẫu thuật chỉnh hình “vượt qua được”, ổn định đến mũi khâu cuối cùng.
Sức khỏe hai bé ổn định, tiếp tục thở máy, an thần, giảm đau, vận mạch liều thấp, không tai biến trong cuộc mổ.
Theo kế hoạch đã chuẩn bị trước, Khoa Hồi sức Ngoại tiếp nhận hai bé ở 24 giờ hậu phẫu sớm. Các em được theo dõi lâm sàng chặt chẽ. Các thông số cận lâm sàng cũng được theo dõi kỹ lưỡng. Phổi được chụp X-quang mỗi 4-6 giờ. Bụng được siêu âm/CT scan mỗi 6-12 giờ trong 3 ngày đầu, 12-24 giờ trong các ngày sau đó nhằm phát hiện và can thiệp sớm các biến chứng.
Ngày thứ hai sau mổ, Trúc Nhi và Diệu Nhi sẽ chuyển về khoa Sơ sinh theo dõi tiếp. Bác sĩ hướng dẫn gia đình chăm sóc hậu môn tạm của Trúc Nhi. Các bài tập vât lý trị liệu về vận động, hô hấp ở giai đoạn hậu phẫu muộn cũng sẽ được tiến hành.
Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi là chị em gái song sinh, 13 tháng tuổi, ở quận 9, TP HCM, dính liền vùng bụng chậu. Ngày 15/7, sau nhiều lần hội chẩn với các chuyên gia y tế hàng đầu, mọi chuẩn bị trước phẫu thuật tốt, tiên lượng khả năng thành công cao, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiến hành mổ tách hai bé.