Hẳn rằng ai trong chúng ta khi lần đầu thấy con nói dối cũng vô cùng ngạc nhiên, lo lắng thậm chí là có phần sốc. Vậy khi con nói dối, bố mẹ cần ứng xử như thế nào để con biết sai và không tái phạm, bố mẹ hãy đọc hết bài này nhé!
Danh Mục
VÌ SAO CON LẠI NÓI DỐI?
“Không biết nó giống ai”, “Không biết nó học ở đâu cái thói nói dối như vậy”. Nhiều bố mẹ còn phạt con thật nặng, quát mắng, doạ nạt con mà chưa bao giờ dừng lại để nghĩ, để hỏi: Lời nói dối của con đến từ đâu?
Bố mẹ đừng ngạc nhiên quá khi một em bé 2 -3 tuổi, nói còn chưa rành nhưng đã ‘nói dối”.
Thực tế có nhiều nguyên nhân và đôi khi chính các con cũng không ý thức được lời nói của mình là đúng hay sai nữa. Những lần trẻ nói dối có thể bắt nguồn từ:
1/ Con nói dối vì đang sống trong thế giới tưởng tượng của con thôi!
Cũng giống như người lớn chúng ta hay suy nghĩ vẩn vơ thì trẻ nhỏ cũng vậy. Với trí tưởng tượng phong phú của mình, đôi khi con sẽ tự vẽ nên những câu chuyện mà con cảm thấy thú vị. Trong đó, con có thể là công chúa, có thể là siêu nhân, cũng có thể có được thứ đồ chơi gì đó mà con thích. Đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi, con không thể phân biệt được đâu là thực, đâu là trong suy nghĩ. Vậy nên, con dễ dàng thốt ra những lời nói dối rất tự nhiên vì lúc đó con đang ở trong thế giới tưởng tượng của mình chứ không phải ngoài đời thực.
2/ Do con sợ nên nói dối
Khi bị cha mẹ chất vấn về lỗi lầm đã gây ra (thường là với tone giọng cao) nên trẻ dễ bị luống cuống, sợ hãi. Do đó, trẻ có xu hướng nghĩ ngay ra lý do nào đó để bao biện cho mình hoặc đổ lỗi lên người khác. Nhất là khi bố mẹ thường xuyên gay gắt với lỗi sai của trẻ, thì con càng có xu hướng không dám thừa nhận trách nhiệm.
3/ Con nói dối do muốn được chú ý hoặc sợ bố mẹ thất vọng
Một số trẻ có tâm lý hiếu thắng, luôn muốn mình trở thành trung tâm của sự chú ý. Vậy nên trẻ đã tìm cách nói dối để được mọi người chú ý đến mình.
Cũng có không ít trường hợp bố mẹ quá kì vọng vào con: Muốn con học trường top, muốn con đạt thành tích cao nên không ngừng thúc ép con “vào khuôn khổ”. Còn con cũng vì quá sợ bố mẹ thất vọng, sợ bố mẹ mắng nên đã nói dối khi đạt kết quả không tốt.
4/ Do người lớn nói dối nên trẻ học theo
Người thầy đầu tiên trong đời của con là bố mẹ. Tất cả các bậc cha mẹ đều khuyên con phải trung thực, không được nói dối. Nhưng, rất nhiều cha mẹ lại ngang nhiên nói dối trước mặt con, và còn nói dối với chính con. Ví dụ như: Thuốc này ngon lắm ngọt lắm, hay con ngoan thì bố mẹ sẽ thưởng cho cái này. Vậy nhưng đến khi trẻ làm tốt mà bố mẹ lại không thực hiện…vv. Đã bao lần mẹ hẹn con lúc nữa, ngày mai, hôm sau…. Hay bao giờ ba viện cớ “ba hết tiền nên không mua được đâu”… Hay khi đang cầm điện thoại cười khúc khích nhưng lại bảo con “ba mệt lắm không chơi cùng con được!”
Vậy đấy ba mẹ ơi, không có điều gì là tự nhiên cả.
ỨNG XỬ KHÔN NGOAN KHI CON NÓI DỐI
Giữ bình tĩnh
Trước tiên, cha mẹ hãy ngừng cuộc nói chuyện lại và giữ bình tĩnh là cần thiết. Việc chúng ta lập tức quát mắng con, chất vấn con sẽ làm con hoảng sợ và lần sau còn nói dối nhiều hơn. Khi chúng ta thật bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm ra được cách xử sự đúng đắn nhất. Sau khi bình tĩnh, cha mẹ nên ngay lập tức cho con biết rằng, bố mẹ đã biết việc con nói dối và phân tích lời nói dối đó đã có tác hại như thế nào bằng những từ dễ hiểu. Với trẻ nhỏ, bố mẹ có thể lấy ví dụ bằng những câu chuyện như “Cậu bé chăn cừu”…Hãy tỏ ý rằng bố mẹ đã rất buồn, bị tổn thương khi con như vậy, con sẽ cảm nhận được điều đó và tự thấy ân hận vì đã làm cho bố mẹ buồn.
Có hình phạt nhẹ nhàng khi trẻ nói dối
Không chỉ dừng lại ở lời nói mà bố mẹ cũng cần áp dụng thêm hình phạt để trẻ ghi nhớ kỹ lỗi sai này để không tái phạm. Mẹ có thể yêu cầu con đứng khoanh tay trong phòng trong 10 phút và suy nghĩ về việc làm của mình. Với trẻ lớn, mẹ có thể cho trẻ chép phạt ghi ra những điều bé đã nói dối và viết bản kiểm điểm với lời hứa sẽ không lặp lại nữa.
Hãy là tấm gương cho trẻ noi theo
Người mà con tiếp xúc nhiều nhất chính là bố mẹ, ông bà, người thân. Nếu bố mẹ muốn con trung thực thì trước tiên cũng cần thành thật với con. Nếu có trường hợp cần nói giảm nói tránh, cha mẹ nên nói khi không có mặt con ở đó. Trường hợp khi trẻ hỏi câu hỏi khó, bố mẹ không muốn cho con biết về những sự việc không tốt, mẹ có thể nói với con rằng mẹ không chắc chắn, mẹ không nắm rõ để con hiểu được là không phát ngôn khi thông tin chưa rõ ràng.
Giả vờ như đã “quên”
Sau khi đã giải quyết xong, cha mẹ cần “ vờ” như quên và không nhớ lỗi nói dối của con nữa. Tuyệt đối không nên nhắc đi nhắc lại và chỉ trích bé. Như vậy sẽ làm bé sợ hãi và cảm thấy mặc cảm. Đôi khi khiến trẻ mất lòng tin vào bố mẹ.
Tổng kết lại, làm cha mẹ thật khó, nào đâu chuyện đùa. Trên thế giới có hơn 7 tỷ người thì thế giới này có hơn 7 tỷ người nói dối. Điều bố mẹ nên làm là định hướng để con hiểu được nói dối là xấu và không tạo thành thói quen xấu mà thôi.
Xem thêm: Tại sao cha mẹ nên ôm con thường xuyên
Bật mí bí quyết trẻ nằm điều hoà không ốm