Hội chứng rung lắc là một chấn thương não nghiêm trọng xảy ra phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi trong quá trình người lớn chơi đùa, chăm sóc trẻ. Theo Trung tâm Quốc gia về hội chứng rung lắc trẻ em ước tính, ở Hoa kỳ có khoảng 1200 – 1400 trẻ bị hội chứng này mỗi năm và 25% số trẻ này tử vong vì những tổn thương do hội chứng này gây ra và thậm chí con số này còn nhiều hơn thế.
Danh Mục
Nguyên nhân của hội chứng rung lắc
Thói quen đung đưa trẻ sơ sinh của cha mẹ, người thân là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ mắc hội chứng rung lắc. Hội chứng này thường xuất hiện ở trẻ em dưới hai tuổi và tập trung ở độ tuổi từ sơ sinh đến 8 tháng.

Ở độ tuổi này, đầu trẻ chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 1⁄4 trọng lượng cơ thể, các cơ cổ còn yếu chưa giữ được sức nặng của đầu. Não bộ trẻ chưa phát triển, xương sọ mềm, màng não mỏng, có khoảng trống giữa nã0 và xương sọ nên khi trẻ bị rung lắc, nhất là khi bị tung hứng, quay tròn mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính và va đập vào xương sọ gây tổn thương não nặng nề.
Trẻ có thể gặp nguy hiểm khi bị hội chứng rung lắc
Mà nhiều khi những tổn thương này có thể xảy ra chỉ trong 5 giây rung lắc.
– Trẻ có thể bị chảy máu võng mạc làm giảm thị lực hoặc mù;
– Tụ máu dưới màng cứng; đứt gãy, xé rách các nhánh tế bào thần kinh ở vỏ và cấu trúc sâu của não; chảy máu não, gãy xương…
– Các tổn thương lâu dài như chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém,
– Rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh,
– Tổn thương kỹ năng định hướng, và nhận thức
– Nguy hiểm nhất, trẻ có thể bị tử vong.
Nhiều tổn thương lâu dài chỉ phát hiện được khi trẻ đã lớn trên 6 tuổi; đòi hỏi phải điều trị với chi phí tốn kém, kỹ năng chuyên sâu, và nỗ lực lâu dài.

Triệu chứng khi gặp hội chứng rung lắc
Các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị hội chứng rung lắc là:
– Các triệu chứng cơ năng:
+ Rối loạn tri giác ở nhiều mức độ;
+ Lừ đừ, vật vã, hoặc hôn mê: Trẻ quấy khóc nhiều, tỏ ra mệt mỏi, biếng bú
+ Co giật; giãn đồng tử và không đáp ứng với ánh sáng;
+Nôn;
+ Nhịp thở chậm và bất thường;
+ Nằm ở tư thế đầu ngửa ra sau và lưng cong hình vòng cung.
– Triệu chứng thực thể:
+ Xuất huyết võng mạc;
+ Xuất huyết não kín (dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới nhện, dưới lớp Galea);
+ Bầm tím mặt, da đầu, cánh tay, lưng hoặc bụng;
+ Huyết áp thấp bất thường; Thóp phồng…
Bố mẹ cần làm gì khi trẻ gặp hội chứng rung lắc?
Khi thấy trẻ có các biểu hiện trên hãy gọi cấp cứu ngày và đừng cố vận chuyển trẻ tới bệnh viện trên các phương tiện thông thường.
– Đừng bế xốc trẻ lên hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại
– Không cho trẻ ăn lúc này tránh trẻ có thể bị nôn, sặc.
– Nếu trẻ có nôn và không có nghi ngờ chấn thương cổ, có thể xoay đầu trẻ nhẹ nhàng về 1 phía để tránh sặc và ngừng thở. Nếu có nghi ngờ chấn thương cổ, tránh xoay trở trẻ và bảo vệ cẩn thận vùng cổ.
– Nếu trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần phải hô hấp nhân tạo để trợ giúp.

Để ngăn ngừa hội chứng này, cha mẹ và người thân cần tránh:
+ Những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ;
+ Bế thốc; xốc vác trẻ gấp gáp;
+ Tung hứng trẻ khi nô đùa với con;
+ Tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.
+ Những lúc bạn quá vui, quá giận, mất bình tĩnh dễ gây những động tác xốc lắc mạnh tay, hãy để người khác bế ẵm con, bước ra khỏi phòng và ổn định cảm xúc.
Xem thêm:
Cảnh báo các dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh mà 99% mẹ Việt thường bỏ qua