CẢM LẠNH KHÔNG PHẢI DO LẠNH

“Cảm lạnh rồi, đánh cảm thôi!” Là câu nói mình thường xuyên được nghe mỗi khi bé nào đó bị cảm. Trước thì cứ tưởng do lạnh thật, giờ mới biết toàn nghĩ oan cho bạn “lạnh”.

Mà Lạnh thì cả nhà nằm ôm nhau thôi chứ lạnh có lỗi lầm gì đâu.

Chúng tôi thấy rất nhiều người đã và đang nuôi con nhỏ hiểu sai về bệnh này nên cũng điều trị sai cách, dễ làm con trở nên mệt mỏi hơn nên TTSKNK viết 1 chút để các mẹ có thể có thêm kiến thức chăm con nhé.

CẢM LẠNH LÀ GÌ?

Là không phải do Lạnh đâu nhé!
Cảm lạnh là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do virus gây ra. Có hơn 200 loại virus gây cảm lạnh nhưng chính vẫn là rhinovirus. Và vì do virus nên cảm lạnh KHÔNG điều trị bằng kháng sinh. Mấy cái thuốc xanh đỏ tím vàng nâu đen trắng kháng sinh là không nên cho con uống linh tinh nha.
Cảm lạnh khiến trẻ khó chịu, giảm khả năng tập trung, vận động. Có thể đau đầu, buồn nôn, đau ê ẩm người. Đối với trẻ có sức khoẻ bình thường, cảm lạnh không đáng lo nhưng với trẻ sơ sinh hoặc trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch, cha mẹ cần chú ý chăm sóc con kỹ càng bởi cảm lạnh có thể biến chứng gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang…
Cảm lạnh thường sẽ tự khỏi từ 4-10 ngày tuỳ vào sức khoẻ của mỗi trẻ.

BIỂU HIỆN CỦA TRẺ BỊ CẢM LẠNH

Trẻ thường sẽ thấy không được khoẻ, đau họng, sổ mũi và ho. Khi nặng hơn, trẻ sẽ chảy nước mũi, chảy nước mắt, hắt xì, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, ho, thậm chí là sốt.
Nếu con sốt cao thì cha mẹ hạ sốt cho con đúng cách. Không cần dùng kháng sinh.

CẢM LẠNH BAO NHIÊU LẦN/NĂM LÀ BÌNH THƯỜNG?

Trẻ 0-2 tuổi: 8-10 lần/năm
Trẻ 2-6 tuổi: 12 lần/năm
6 tuổi trở lên: 2-4 lần/năm

CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG TRÁNH

Khi con bị cảm lạnh mà có ho thì cũng ko nên vội vàng mua thuốc ho cho con uống. Ho là 1 phản ứng tốt của cơ thể để đẩy virus ra ngoài. Cơ thể của con hoàn toàn có đủ khả năng sản sinh ra kháng thể để đánh sấp mặt mấy con virus lìu tìu. Hãy cho con bổ sung nước (oresol, nước dừa, nước mía…), nghỉ ngơi, tắm nước nóng, thoa dầu tràm ở những vị trí mà ai cũng biết là vị trí nào.
Trong trường hợp con sốt cao, nôn trớ, ớn lạnh… dài ngày không giảm thì phải đưa con đi khám ngay lập tức.
Để tránh được mấy con virus cảm lạnh, cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho con bằng cách:
– bổ sung dinh dưỡng hàng ngày trong khẩu phần ăn
– bổ sung vitamin cần thiết
– thường xuyên hoạt động để tăng cường thể chất
– vệ sinh tay sạch sẽ
Trên đây là 1 số lưu ý về cảm lạnh. Hy vọng kiến thức này sẽ hữu ích với mọi người.
Nguồn: Mẹ Đan Linh