Viêm VA một trong những căn bệnh về đường hô hấp ở trẻ em phổ biến hiện nay khi thời tiết chuyển mùa hay do việc chăm sóc sức khỏe không đúng cách. Bố mẹ thường chủ quan dẫn đến viêm VA ở con to quá gây ra các vấn đề bít tắc đường thở, ảnh hưởng việc cung cấp oxy cho não.Vì vậy các cách chăm sóc trẻ viêm VA của Trung tâm chăm sóc sức khỏe nhi khoa dưới đây, cha mẹ nhất định phải ghi nhớ.
Danh Mục
Viêm VA là gì?
V.A (Végétations Adénoides) là một tổ chức lympho nằm ở vòm họng, là một phần thuộc vòng bạch huyết Waldeyer, còn gọi là amiđan Luschka. V.A phát triển mạnh ở lứa tuổi nhỏ và bắt đầu thoái triển từ 5-6 tuổi trở đi.
Nguyên nhân nào dẫn đến con bị viêm VA??
Viêm VA là tình trạng viêm cấp tính hay mạn tính do nhiễm một loại virus thông thường: Adenovirus, Myxovirus, Rhinovirus… Một số trường hợp nhiễm trùng VA do vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A, Haemophilus Influenzae… Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP), ước tính khoảng 15 đến 30% các trường hợp viêm VA là do vi khuẩn.
Viêm VA cấp và mạn tính với những biểu hiện rõ rệt
Viêm VA cấp tính:
Viêm V.A cấp tính là viêm nhiễm cấp tính, xuất tiết hoặc có mủ ở amiđan Lushka thường gặp ở trẻ sơ sinh.
- Trẻ sơ sinh, bắt đầu đột ngột, sốt cao 40 độ C – 41 độ C, thường kèm theo những hiện tượng phản ứng dữ dội như: co thắt thanh môn, co giật.
- Trẻ lớn hơn cũng có thể bắt đầu đột ngột sốt cao, kèm theo co thắt thanh quản, đau tai và có khi có phản ứng màng não nhưng diễn biến nhẹ hơn ở trẻ sơ sinh.
- Trẻ sơ sinh có thể ngạt mũi hoàn toàn phải thở bằng miệng, thở nhanh, nhịp không đều, bỏ ăn, bỏ bú.
- Trẻ lớn hơn không bị ngạt mũi hoàn toàn nhưng thở ngáy, nhất là về đêm, tiếng nói có giọng mũi kín
- V.A ở vòm mũi – họng sưng đỏ, to, có mủ nhầy phủ lên trên.
- Có thể sờ thấy hạch nhỏ ở góc hàm
Viêm VA mạn tính:
Viêm V.A mạn tính là tình trạng V.A quá phát hoặc xơ hoá sau viêm nhiễm cấp tính nhiều lần. Viêm VA mạn tính thường xuất hiện ở trẻ 18 tháng đến 6-7 tuổi.
- Trẻ thường hay sốt vặt, phát triển chậm so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống kém, người gầy, da xanh. Trẻ đãng trí, kém tập trung tư tưởng thường do tai hơi nghễnh ngãng, não thiếu oxy do thiếu thở mạn tính.
- Ngạt tắc mũi: lúc đầu ngạt ít sau ngạt nhiều tăng dần. Trẻ thường xuyên há miệng để thở,
- Mũi thường bị viêm, tiết nhầy và chảy mũi thò lò ra cửa mũi trước.
- Ho khan.
- Ngủ không yên giấc, ngáy to, giật mình.
- Tai nghe kém hay bị viêm.
Cách phát hiện trẻ viêm VA chuẩn xác – tránh nhầm lẫn với viêm mũi họng cấp
Hiện nay, tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ sử dụng máy nội soi mũi họng để chẩn đoán chính xác bệnh viêm VA và phân biệt các khối u khác ở vòm mũi họng.
Chữa trị Viêm VA ở trẻ thế nào để dứt điểm?
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng của Bộ Y tế năm 2016
Đối với viêm V.A cấp tính, chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng. Chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng. Đặc biệt bố mẹ cần quan tâm đến cách chăm sóc trẻ viêm VA để con mau hồi phục.
Điều trị như viêm mũi cấp tính thông thường bằng hút mũi, rỏ mũi để bệnh nhân dễ thở và thuốc sát trùng nhẹ (ephedrin 1%, argyron 1%) dùng cho trẻ nhỏ.
Nâng cao thể trạng của trẻ bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin, chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý
Đối với viêm V.A mạn tính chủ yếu là cân nhắc chỉ định phẫu thuật nạo V.A.
Cách chăm sóc trẻ viêm VA tuyệt vời bằng mẹo nhỏ trong gia đình
- Cho trẻ súc miệng bằng nước muối vào mỗi buổi sáng thức dậy để sát khuẩn.
- Mẹ có thể cho bé súc miệng với nước nghệ ấm vài lần trong ngày hoặc cũng có thể trộn nghệ với nước muối ấm để giúp giảm đau tức thời cho trẻ. Nghệ có tác dụng sát khuẩn mạnh. Tuy nhiên mẹ nên nhớ chỉ nên dùng nghệ vàng .
- Sử dụng lá bạc hà có khả năng dịu niêm mạc họng đồng thời loại bỏ tình trạng hơi thở có mùi. Mẹ chỉ cần đun sôi một ít lá bạc hà tươi trong nước và cho trẻ uống sẽ thấy hiệu quả tức thì.
- Nước chanh, cam bưởi… rất tốt cho việc tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Ngoài ra nước chanh còn có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và kháng viêm tuyệt vời.
- Bổ sung vitamin tổng hợp trong và sau quá trình viêm VA để nhanh khỏi hơn.
Có nên nạo VA không? Cách chăm sóc trẻ viêm VA khi phải làm tiểu phẫu
Nạo V.A hiện nay rất phổ biến, không nguy hiểm. Tuy nhiên, khi nào nạo và không nạo V.A cần phải thực hiện đúng chỉ định và chống chỉ định của bác sĩ.
Chỉ định phẫu thuật:
- V.A bị nhiều đợt viêm cấp tính, tái đi tái lại (5 – 6 lần /1 năm).
- V.A gây các biến chứng gần: viêm tai, viêm đường hô hấp, viêm hạch.
- V.A gây biến chứng xa: viêm khớp cấp tính, viêm cầu thận cấp tính…
- V.A quá phát, ảnh hưởng đến đường thở.
Thường tiến hành nạo V.A cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, thời gian hợp lý nhất là từ 18-36 tháng tuổi.
Bên cạnh việc tuân thủ chỉ dặn của bác sĩ, cha mẹ cần thực hiện các cách chăm sóc trẻ viêm VA khi làm tiểu phẫu nhằm tăng cường hiệu quả điều trị.
Trẻ nạo VA, mẹ nên cho bé ăn uống gì?
- Với trẻ vừa nạo VA, cha mẹ rất nên chú trọng cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ có thể uống thêm các loại nước hoa quả như nước táo, nho,…
- Sau mẹ nên cho bé ăn thức ăn lỏng và mềm như cháo lỏng, súp, sẽ giúp trẻ dễ nhai, nuốt bớt đau…
- Sau 2 tuần, trẻ có thể ăn uống như bình thường
- Mẹ không nên cho bé ăn thực phẩm cứng, giòn hoặc xù xì. Những thực phẩm này có thể gây chảy máu.
- Các thực phẩm có nhiều gia vị và chua như nước chanh, nước cà chua… có thể gây bỏng và rát.
Lưu ý cần tránh cho bé uống đồ nóng và tránh dùng ống hút.
Nạo VA có tái phát không?
Theo các chuyên gia, các phương pháp nạo VA thông thường và truyền thống rất dễ gặp phải trường hợp sau: Khi nạo VA một thời gian, khối VA còn sót lại tiếp tục bị nhiễm khuẩn gây viêm nhiễm tái phát. Hiện nay, áp dụng phương pháp phẫu thuật tiên tiến nhất nạo VA không tái phát.
Cách chăm sóc trẻ viêm VA để không bị tái phát
- Nâng cao sức đề kháng của bé bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học.
- Mẹ nên sử dụng các thuốc bổ, thuốc tăng cường miễn dịch với trẻ sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng.
- Phòng tránh lây lan tốt trong các vụ dịch lây nhiễm, vệ sinh mũi họng, răng miệng tốt.
- Giữ ấm cho bé khi thời tiết thay đổi.
- Khi có viêm nhiễm mũi họng, cần điều trị đúng và kịp thời.
Qua những chia sẻ hữu ích của các bác sĩ tại Trung tâm sức khỏe nhi khoa ở trên chắc chắn đã giúp các cha mẹ bổ sung vào sổ tay cẩm nang cách chăm sóc trẻ viêm VA hiệu quả. Cha mẹ không nên quá lo lắng khi con mình bị viêm VA. Hãy theo dõi con trẻ và có cách xử lý kịp thời nhất nhé.
Tài liệu tham khảo:
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng của Bộ Y tế năm 2016.
Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng cho trẻ nhanh nhất chỉ bằng 7 bước đơn giản
Có nên cắt amidan cho trẻ không – Khuyến cáo từ Viện Hàn Lâm Hoa Kỳ