Một trường hợp mang khối u trong thai kỳ rất hiếm gặp vừa được các bác sĩ liên viện phối hợp cứu sống. Ngay sau khi rời khỏi bụng mẹ, cháu đã được chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố điều trị.
Thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương ngày 28/8 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp thai nhi bị dị tật hiếm gặp. Sản phụ là chị Nguyễn Thị L. (34 tuổi) mang thai lần thứ 3. Trong giai đoạn thai kỳ, khi đi khám ở tuần thứ 20 bác sĩ chẩn đoán thai nhi có u lớn vùng mặt kèm theo tình trạng tim lớn hơn bình thường.
Các bác sĩ đã tư vấn cho gia đình, người mẹ quyết định giữ lại con với hy vọng kỹ thuật y học hiện đại có thể giúp được cho bé. Ở tuần thứ 34 của thai kỳ, tình trạng thai xuất hiện diễn tiến nguy hiểm với tình trạng đa ối nặng, chậm tăng trưởng.
Kiểm tra hình ảnh bác sĩ xác định khối u phát triển rất nhanh, đạt kích thước 108mm x 88mm x 72mm. Khối u đã xâm lấn cằm, sàn miệng, vùng mặt 2 bên vào khoang cạnh hầu, khoang cảnh 2 bên, khoang sau hầu, lan xuống trung thất trên, bao quanh các mạch máu lớn trung thất nghi ngờ chèn ép khí quản.
Các bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Hùng Vương đã hội chẩn cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Các bác sĩ đã thống nhất hội chẩn với chỉ định mổ lấy thai để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Trưa 27/8 bằng phương pháp mổ bắt con, ê kíp các bác sĩ liên viện đã giúp bé gái có cân nặng hơn 2,2kg chào đời an toàn. Ngay sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, bé được hỗ trợ hô hấp qua nội khí quản và chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tiếp tục chăm sóc, điều trị.
BS Nguyễn Vạn Thông, Trưởng khoa Di truyền y học Bệnh viện Hùng Vương cho biết, đây là trường hợp rất hiếm gặp, bé gái chào đời với khối u Teratoma rất lớn kèm theo tình trạng tim lớn hơn bình thường. Trong giai đoạn thai kỳ, chúng tôi đã tiến hành chọc ối phát hiện vi lặp đoạn nhiễm sắc thể 8.
U tế bào mầm (teratoma) bẩm sinh là một loại tế bào mầm không phổ biến hầu hết ở thể lành tính. Khối u thường gặp nhất ở vùng cùng cụt, ít gặp tổn thương xuất phát từ vùng đầu cổ và mũi họng. Trường hợp của bệnh nhi trên rất hiếm gặp, nếu không được chủ động can thiệp, cháu sẽ đối mặt với nguy cơ tắc nghẽn đường hô hấp. Dự kiến, sau khi được chăm sóc, ổn định sức khỏe, bệnh nhi sẽ được can thiệp phẫu thuật để loại bỏ khối u.