Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên viêm phổi thường xuất hiện nhiều hơn ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, và có tỷ lệ tử vong cao.
Các nước đang phát triển có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 lần các nước phát triển. Trong đó Việt Nam thuộc top 10 nước có tỷ lệ viêm phổi ở trẻ em cao nhất thế giới.
Viêm phổi ở trẻ em có thể do virus hoặc vi khuẩn. Trong khi đó, kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn. Như vậy, bác sĩ kê thuốc kháng sinh liệu có đúng? PGS.TS Quỳnh Hương sẽ giải đáp thắc mắc vấn đề trong bài viết này.
Phân biệt ho do viêm phổi và ho thông thường ở trẻ
Ho là một trong những dấu hiệu điển hình nhất ở bệnh viêm phổi nhưng cũng là triệu chứng phổ biến ở các bệnh viêm hô hấp khác.
Theo PGS.TS Quỳnh Hương, ho trong viêm phổi ở trẻ em thường là cơn kéo dài, khiến trẻ mệt mỏi. Nếu viêm phổi do vi khuẩn thì tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng đến mức người ta thường ví là “ruồi bâu không thèm đuổi”.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ bị ho có thể do thay đổi thời tiết hoặc viêm mũi họng thông thường. Nếu mỗi dịp thời tiết thay đổi, trẻ lại bị chảy nước mũi trong vắt, sau đó 3 ngày chuyển sang ho dữ dội nhưng không sốt, chơi ngoan thì không phải viêm phổi. Đó có thể là viêm phế quản liên quan đến dị ứng thời tiết.
Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi khiến các tạp chất trong không khí không bay lên được. Một trong những chất đó gây dị ứng cho trẻ, làm phổi co thắt lại, gây đau ngực, đôi khi thở khò khè, thở rít, ho nhiều về đêm… Trong trường hợp này chỉ cần dùng thuốc giãn phế quản để cải thiện triệu chứng.
Bác sĩ Hương cũng chia sẻ thêm rằng ho dữ dội mà không sốt thì chưa chắc phải dùng đến kháng sinh. Vì có thể đó là do viêm phế quản co thắt và chỉ cần điều trị như một cơn hen. Tình trạng này tuy chưa phải hen nhưng nếu xuất hiện nhiều hơn 3 lần thì có nguy cơ tiến triển thành hen và sẽ khỏi khi trẻ hết tuổi nhũ nhi.
Còn đối với viêm phổi thì trẻ nên nhập viện vì tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam đang ở mức báo động. Hoặc phụ huynh có thể điều trị cho trẻ tại nhà theo chỉ dẫn bác sĩ nhưng nếu vài ngày không đỡ, trẻ sẽ cần nhập viện.
Trẻ bị viêm phổi có nên dùng kháng sinh không?
Trong tài liệu “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều khuyến cáo phải dùng kháng sinh cho tất cả các trẻ bị viêm phổi. Mặc dù viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như vi khuẩn, virus, nấm nhưng trong thực tế rất khó để phân biệt viêm phổi do vi khuẩn hay virus hoặc có sự kết hợp giữa virus với vi khuẩn kể cả dựa vào lâm sàng, X-quang hay xét nghiệm khác. Ngay cả khi cấy vi khuẩn âm tính cũng khó có thể loại trừ được viêm phổi do vi khuẩn.
Chia sẻ về vấn đề này, Bác sĩ Hương cho biết: Nếu trẻ được chẩn đoán viêm phổi tức là tình trạng viêm đã vào rất sâu trong phổi. Phổi là hệ thống đường ống phân chia thành nhiều nhánh nhỏ, vào sâu bên trong có 1 túi đựng khí gọi là phế nang. Khi kết luận viêm phổi tức là viêm đã vào đến phế nang.
Nếu viêm phổi do vi khuẩn thì chắc chắn phải dùng kháng sinh để điều trị. Với viêm phổi do virus thì nguyên tắc là kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể chỉ định kháng sinh với mục đích bảo vệ phổi trước vi khuẩn.
Đó là do khi chúng ta hít không khí liên tục có thể sẽ hít cả vi khuẩn trong không khí. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và nhân lên sẽ gây viêm phổi vừa virus, vừa vi khuẩn. Như vậy, việc dùng kháng sinh là để phòng diệt vi khuẩn. Trong trường hợp này, kháng sinh được chỉ định thường là loại có mức độ nhẹ hơn rất nhiều so với kháng sinh điều trị viêm phổi do vi khuẩn.
Bác sĩ Hương cũng cho biết rằng ở nước ngoài, viêm phổi thường chỉ cần dùng kháng sinh đường uống (ví dụ như augmentin), không điều trị nhập viện. Còn ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các trường hợp điều trị viêm phổi là dùng kháng sinh đường tiêm. Đó là do Việt Nam là nước có tỷ lệ lạm dụng kháng sinh dẫn đến kháng kháng sinh khá cao, kháng sinh uống không còn tác dụng.
Mong rằng qua bài viết này bố mẹ đã có câu trả lời: Trẻ bị viêm phổi có nên dùng kháng sinh không?