Danh Mục
Mẹ có biết: Cho con ăn sữa chua như thế nào là tốt nhất? Trong cuộc sống hàng ngày, các mẹ vẫn thường xuyên bổ sung sữa chua như một món ăn bổ dưỡng cho gia đình. Thực chất việc ăn sữa chua là rất tốt cho hệ tiêu hóa, điều này không thể phủ nhận.
Thế nhưng không phải ai cũng biết ăn sữa chua đúng cách để nó thực sự đem lại hiệu quả. Bài viết này sẽ giúp mẹ biết cách cho con ăn sữa chua như thế nào là tốt nhất?
Bản chất của sữa chua
Đường lactose trong sữa và vi khuẩn phân giải lactose tạo thành acid lactic cùng với năng lượng. Quá trình này diễn ra nhờ các vi sinh vật đặc biệt hoạt động trong sữa như: Lactobacillus delbrueckii subsp, Bulgaricus và Streptococcus thermophilus để làm cho sữa chua (tức là nuôi cấy lợi khuẩn).
Sự hình thành acid lactic tạo ra một số acid khác (pH 4.5), giúp kết tụ các protein (caseins) và mang đến kết cấu đặc sệt của sữa chua.Ngoài ra thì quá trình này còn giải phóng các hợp chất khác như carbon dioxide, peptide, amino acid… tạo nên hương vị đặc trưng của sữa chua.
Như vậy, trong sữa chua thứ quý nhất chính là ở giàu lợi khuẩn, protein và canxi.
(Xem thêm: Nguyên nhân khiến bệnh vô sinh tăng ở mức báo động)
Lợi khuẩn trong sữa chua hoạt động như thế nào?
Lợi khuẩn (còn gọi là probiotic) trong sữa chua thường là vi khuẩn (đôi khi cả nấm nữa), có vai trò quan trọng trong quá trình lên men sữa.
Việc bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua cũng không đơn giản. Vì môi trường trong hệ tiêu hóa có độ pH trải dài ở mức độ khác nhau: trong miệng là kiềm nhẹ, đến dạ dày là môi trường acid, đến ruột thì mỗi đoạn lại có mức pH khác nhau… Vậy nên khả năng sống sót của lợi khuẩn sau khi qua tất cả các chặng cũng chẳng còn bao nhiêu (giảm xuống còn khoảng 1/5 ban đầu).
Vì thế ăn sữa chua không đúng cách hoặc bảo quản không đúng cách thì lợi khuẩn chết hết. Mặc dù lợi khuẩn trong sữa chua đã thuộc loại ‘cứng đầu cứng cổ’ có khả năng sống sót cao qua môi trường acid dạ dày.
Mẹ nên bắt đầu cho bé ăn sữa chua từ khi nào?
- 0-6 tháng. Hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện nên nguồn dinh dưỡng chính vẫn là sữa mẹ (hoặc sữa công thức với trẻ không bú sữa mẹ). Bất cứ loại thực phẩm nào khác sữa mẹ cũng có thể làm xáo trộn hệ tiêu hóa của bé.
- 6 tháng. Bé bắt đầu tập ăn dặm để thích nghi dần với nguồn dinh dưỡng ngoài. Có thể cho bé nhấm nháp chút sữa chua (1-2 thìa) để bụng bé quen với thức ăn mới.
- 7-10 tháng. Bé đã thích nghi được nguồn dinh dưỡng bên ngoài. Có thể tăng lượng sữa chua lên 50g/ngày.
- 1-2 tuổi. Có thể cho bé ăn khoảng 80g/ngày.
- Trên 2 tuổi. Có thể cho bé ăn khoảng 100g/ngày.
LƯU Ý: Không nên ép trẻ ăn quá nhiều sẽ khiến tác dụng ngược lại, ảnh hưởng đến đường ruột của trẻ.
Nên ăn sữa chua lúc no hay lúc đói?
Không nên ăn sữa chua không lúc đói
Bởi lúc đói lượng acid trong dạ dày cao khiến:
- Lợi khuẩn trong sữa chua khỏe đến đâu cũng khó trụ được;
- Acid lactic trong sữa chua càng tăng độ acid trong dạ dày, không tốt với dạ dày non nớt của bé;
- Dạ dày và ruột rỗng khiến sữa chua trôi tuột qua đó và nhanh chóng bị đào thải ra ngoài. Do đó sẽ không phát huy được công dụng hỗ trợ tiêu hóa và dinh dưỡng cũng không được hấp thu tốt.
Nên ăn sau bữa ăn 1 – 2h
Bởi lúc này pH dạ dày đã cân bằng lại, tỷ lệ sống sót của lợi khuẩn cao hơn. Mặt khác trong ruột lúc này thức ăn vẫn đang được tiêu thụ dần. Lợi khuẩn bám vào đó được lâu hơn để thực hiện nhiệm vụ của mình là ‘xử lý’ chỗ thức ăn này để nhung mao và vi nhung mao ruột non có thể hấp thu dinh dưỡng dễ hơn. Khoảng thời gian hợp lý để ăn sữa chua là 1 – 2h trước khi đi ngủ.
(Xem thêm: Mẹ đã biết bổ sung vitamin đúng cách cho con?)
Có nên ăn sữa chua kèm đồ ăn khác không?
Nếu là sau khi ăn 1-2 tiếng thì có thể ăn không cũng được. Nếu là ăn lúc bụng rỗng thì nên ăn lót một chút để dạ dày đỡ trống. Ví dụ như một vài miếng trái cây hoặc dùng sữa chua trộn hoa quả nghiền để đổi vị cho bé.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
- Nên tránh ăn sữa chua với các loại quả, nước ép có vị chua (chanh, khế, cam) để phòng rối loạn tiêu hóa hoặc nhuận tràng. Bởi trong thành phần của các loại trái cây này có tính acid và trong sữa chua lại chứa nhiều protein. Khi chúng kết hợp lại với nhau sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho hệ tiêu hóa, gây trướng bụng, khó tiêu hoặc thậm chí là đau bụng tiêu chảy.
- Không nên kết hợp đường với sữa chua lúc nóng. Trong sữa chua có chứa lysine, sẽ phản ứng với fructose trong điều kiện nóng tạo ra độc tố fructose lysine ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Vì vậy, chỉ nên cho đường vào sữa chua sau khi sữa đã được làm lạnh.
- Không dùng chocolate với sữa chua. Trong sữa chua giàu protein và canxi, trong khi chocolate lại chứa axít oxalic. Vì vậy, khi kết hợp chúng sẽ dẫn đến sự hình thành canxi oxalat không hòa tan, khiến việc hấp thu canxi khó khăn. Đôi khi, nó còn có thể gây ra một số tình trạng như tóc khô, đau bụng…
- Không ăn sữa chua cùng các loại thịt mỡ, xúc xích, thịt xông khói. Bởi qua chế biến, các loại thịt sẽ có chất nitrat (nitro) khi kết hợp cùng sữa chua sẽ tạo thành chất nitrosamine là chất gây ung thư.
Một số lưu ý
- Không nên hâm nóng sữa chua trước khi ăn vì nhiệt độ có thể giết chết lợi khuẩn, làm mất các thành phần dinh dưỡng khác trong đó và hương vị thơm ngon của sữa chua.
- Nếu bé đang dùng thuốc kháng sinh thì nên ăn sữa chua cách thời điểm uống thuốc 1-2 tiếng. Vì thuốc kháng sinh cũng giết chết lợi khuẩn có trong đường ruột, trong đó có lợi khuẩn từ sữa chua.
Bé bất dung nạp Lactose có ăn sữa chua được không?
Bất dung nạp lactose là hiện tượng sinh lý tự nhiên do sự thiếu hụt men lactase. Lactose là loại đường tự nhiên có trong sữa và được tiêu hóa nhờ enzyme có tên là lactase giúp phân giải Lactose thành đường đơn glucose và galactos. Nếu cơ thể thiếu hụt loại enzyme này có thể khiến cho cơ thể từ chối một phần hoặc toàn bộ lượng lactose nạp vào, qua các biểu hiện: đầy hơi, nôn, tiêu chảy… sau khi ăn các sản phẩm chứa lactose.
Lactose trong sữa chua được tiêu hóa hiệu quả hơn so với các nguồn lactose từ sữa khác nhờ lợi khuẩn trong đó giúp hỗ trợ tiêu hóa. Hơn nữa, kết cấu của sữa chua đặc hơn sữa cũng lưu lại ở đường tiêu hóa lâu hơn, tạo điều kiện để men lactase ít ỏi hoạt động.
Vì vậy, sữa chua là nguồn an toàn nếu trẻ bị bất dung nạp lactose.
(Xem thêm: 8 bệnh nguy hiểm cần tiêm phòng trước khi mang thai)