Sốt là một dấu hiệu đáp ứng của hệ miễn dịch khi bé bị mầm bệnh tấn công. Sốt là cách cơ thể nâng nhiệt độ lên, để làm bất hoạt hoặc giảm quá trình nhân lên của vi sinh vật, tạo điều kiện cho các tế bào bạch cầu đến vây bắt tiêu diệt hay thải ra ngoài. Ngoài ra, sốt còn do độc tố của virus, vi khuẩn làm rối loạn trung tâm điều nhiệt của cơ thể.
Nhưng nhìn chung, sốt là một phản ứng tốt, cho thấy hệ miễn dịch của con đang hoạt động hiệu quả. Nhiễm vi khuẩn sẽ sốt, nhiễm siêu vi sẽ sốt, nhiễm độc hoặc các tác nhân khác cũng có thể gây sốt. Vì thế, sốt là một biểu hiện chung chung cho nhiều tình trạng, cần phải được thăm khám và kiểm tra để xác định nguyên nhân.
Theo định nghĩa của Viện Sức khỏe và Thử nghiệm lâm sàng Vương quốc Anh, sốt là hiện tượng thân nhiệt trên 38 độ C (đo bằng nhiệt kế tại hậu môn), hoặc nhiệt độ kẹp nách từ 37,5 độ C trở lên mà không phải do hoạt động quá mức gây nên.
Về cơ bản, sốt không phải là trường hợp cấp cứu cần nhập viện ngay, tuy nhiên có 8 trường hợp mà chỉ cần con sốt cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nhanh nhất có thể.
Có 8 trường hợp mà mẹ thấy con sốt bất kể ngày đêm thì mẹ phải cho con đi khám ngay
TRƯỜNG HỢP 1
Khi con của bạn dưới 3 tháng tuổi, đo nhiệt độ tại nách là 37.5 độ C phải đi khám ngay. Trẻ dưới 3 tháng tuổi sức đề kháng kém, nếu gặp tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp thì tiến triển rất nhanh xuống phổi gây viêm phế quản, viêm phổi rất nhanh.
TRƯỜNG HỢP 2
Trẻ từ 3 tháng tuổi – 3 tuổi: Khi đo tại nách trên 37.5 độ C và sốt quá 3 ngày thì phải cho đi khám ngay. Hoặc bé sốt kém dấu hiệu mệt mỏi, li bì, bỏ ăn, rút lõi lồng ngực thì cũng phải đi khám ngay.
TRƯỜNG HỢP 3
Trẻ từ 3 tháng tuổi – 3 tuổi: Khi đo tại nách trên 39 độ C thì phải đi khám ngay vì nhiệt độ cao như vậy có thể ảnh hưởng tới vấn đề khác trầm trọng, để lại hậu quả lâu dài.
TRƯỜNG HỢP 4
Trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào sốt hơn 40 độ C phải đi khám ngay lập tức cho dù trẻ vẫn ăn chơi bình thường. Bởi nhiệt độ cao như vậy có thể gây ra những biến chứng khó lường.
TRƯỜNG HỢP 5
Trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào mà có tiền sử co giật thì sốt phải đi khám ngay bất kể ngày đêm.
TRƯỜNG HỢP 6
Trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào mà sốt trên 7 ngày, mỗi ngày sốt 1 cơn kéo dài vài giờ thì phải đi khám thường xuyên để tránh bỏ sót nguyên nhân gây bệnh mà xét nghiệm máu không ra được.
TRƯỜNG HỢP 7
Trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào nếu có bệnh lý nền mãn tính: Tim bẩm sinh, tuyến giáp, gan… nếu sốt thì phải đi khám ngay. Bởi những trẻ có bệnh lý nền sức đề kháng đang kém, nếu sốt thì dễ khiến bệnh trở nặng hơn, diễn biến xấu hơn, xử lý không kịp.
TRƯỜNG HỢP 8
Trẻ sốt và CÓ PHÁT BAN trong quá trình sốt. Nó liên quan đến xuất huyết nên phải cho bé đi khám ngay lập tức. Tránh gây ra biến chứng xấu cho trẻ.
Những chia sẻ chi tiết về chăm con ốm một cách khoa học, ít phụ thuộc thuốc kháng sinh sẽ được tiết lộ trong cuốn sách sắp ra mắt của Thạc sĩ – Dược sĩ Trương Minh Đạt (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y dược, Giám đốc Trung tâm sức khỏe Nhi khoa)