Danh Mục
Nghẹt mũi là một điều rất khó chịu. Nước mũi chảy ròng ròng, giọng nói khi nghẹt mũi nghe rất buồn cười. Và khi bạn cố gắng xì mũi để mong muốn được thở thông thoáng hơn thì chẳng xì ra được gì cả. Có nhiều nguyên nhân gây ra nghẹt mũi cũng như có một số cách giúp làm êm dịu chuyện này.
Sau đây là 8 cách bạn có thể làm để cảm thấy dễ chịu hơn và thở thông thoáng hơn.
Nhiều người nghĩ rằng nghẹt mũi là do có quá nhiều chất nhầy trong mũi. Tuy nhiên, nghẹt mũi thực ra là do các mạch máu trong mũi bị viêm, phù nề. Các mạch máu này bị kích thích do cảm, cúm, dị ứng, hay viêm xoang. Dù nguyên nhân là gì, các cách sau đây có thể hữu ích cho bạn.
>> Với nhiều người, hành động đầu tiên của họ mỗi buổi sáng sau khi thức dậy là với lấy hộp khăn giấy để chùi mũi. Tại sao nhiều người bị nghẹt mũi khi ngủ, thậm chí ngay cả khi họ cảm thấy không bị bệnh? Hãy cùng xem bài viết sau của TTSKNK để tìm hiểu về vấn đề này nhé!
1. Sử dụng máy tạo độ ẩm
Máy tạo độ ẩm là một cách nhanh chóng, tiện lợi để làm giảm bớt nghẹt mũi. Loại máy này chuyển nước thành hơi ẩm và từ từ đưa hơi ẩm vào không khí. Điều này giúp tăng độ ẩm trong phòng. Hít thở không khí ẩm có thể làm dịu đi các mô đang viêm và mạch máu bị phù nề trong mũi. Máy làm ẩm cũng giúp làm loãng các chất nhày trong mũi. Điều này giúp thoát lưu dịch trong mũi và làm đường thở thông thoáng hơn. Hãy đặt một máy tạo độ ẩm trong phòng để làm giảm quá trình viêm gây ra cơn nghẹt mũi của bạn.
2. Đi tắm
Có bao giờ bạn bị nghẹt mũi và bỗng thấy khá hơn sau khi tắm nước nóng chưa? Nó có lí do cả đấy. Hơi nước khi tắm giúp làm loãng dịch nhày trong mũi và giảm viêm. Tắm nước nóng giúp bạn hít thở trở lại bình thường, ít nhất là cũng được một lúc.
Bạn cũng sẽ có được hiệu quả tương tự nếu hít thở hơi nước từ nước nóng trong bồn rửa mặt. Cách làm như sau: bật nước nóng và làm đầy bồn rửa mặt. Khi nhiệt độ đã đủ nóng, vắt khăn tắm lên đầu và hơ đầu phía trên bồn rửa mặt. Để hơi nước tích tụ dần sau đó hít thở sâu. Hãy cẩn thận đừng để nước nóng hay hơi nước làm bỏng da mặt.
3. Bổ sung nước đầy đủ
Hãy đảm bảo lượng nước đầy đủ trong cơ thể bạn khi mũi bạn bị nghẹt. Hầu như tất cả các loại thức uống đều có thể giúp bạn bổ sung nước khi bạn bị ốm, bao gồm nước khoáng, nước tăng lực hay nước ép trái cây. Chúng giúp làm loãng chất nhày trong mũi, đẩy dịch tiết ra khỏi mũi và giảm áp lực trong xoang. Giảm áp lực đồng nghĩa với giảm viêm và giảm kích thích.
Nếu nghẹt mũi đi kèm với đau họng thì uống trà nóng và canh súp cũng sẽ giúp làm dịu đi các khó chịu ở cổ họng.
4. Sử dụng thuốc xịt mũi
Một cách khác để bổ sung nước là sử dụng các dung dịch nước muối. Sử dụng thuốc xịt mũi có chứa nước muối có thể làm tăng độ ẩm cho mũi. Các nhát xịt mũi giúp làm loãng dịch nhày trong mũi. Điều này làm giảm viêm phù nề của các mạch máu và giúp thải loại dịch tiết trong mũi. Có rất nhiều loại thuốc xịt mũi được bày bán tại các nhà thuốc.
Một số loại thuốc xịt mũi có chứa thành phần giúp co mạch máu mũi. Hãy hỏi kĩ bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này. Nó có thể khiến tình trạng nghẹt mũi nặng hơn nếu bạn sử dụng nhiều hơn 3 ngày. Ngoài ra nó cũng có một số tác dụng phụ khi sử dụng với các loại thuốc khác.
5. Rửa mũi
Bạn có thể gột rửa các chất nhày nhớt trong mũi bằng cách sử dụng bình rửa mũi. Bạn nên sử dụng nước cất hay nước vô khuẩn để rửa mũi thay vì sử dụng nước máy.
Cách sử dụng bình rửa mũi: Đứng cúi đầu xuống phía trên bồn rửa mặt. Đặt vòi của bình rửa mũi vào một bên lỗ mũi. Bơm nước từ bình rửa mũi chảy vào trong khoang mũi. Khi nước đã đi vào trong lỗ mũi, nó sẽ chảy ra ngoài qua lỗ mũi còn lại và trôi xuống bồn rửa mũi. Lặp lại động tác này khoảng 1 phút và sau đó đổi bên.
6. Chườm ấm
Phương pháp chườm ấm có thể giúp thông thoáng mũi bị nghẹt bằng cách mở rộng đường thở ở mũi từ bên ngoài. Để tiến hành chườm ấm, đầu tiên nhúng khăn mặt vào nước ấm. Vắt nước ra khỏi khăn, sau đó gấp lại và đặt lên trên mũi và trán. Hơi ấm có thể giúp đem lại cảm giác dễ chịu và giảm viêm cho lỗ mũi.
7. Sử dụng thuốc co mạch mũi
Thuốc co mạch mũi giúp giảm phù nề và xoa dịu cơn đau nếu có ở mũi. Thuốc này có 2 dạng chế phẩm: xịt mũi và thuốc viên. Các loại thuốc này được bày bán tại các nhà thuốc.
Tuy nhiên cần sử dụng các loại thuốc này an toàn và đúng đắn. Bạn không nên sử dụng dạng thuốc này hơn 3 ngày mà không có sự giám sát của bác sĩ. Sau 3 ngày, thuốc xịt mũi có chứa co mạch có thể khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên nặng nề hơn.
8. Sử dụng thuốc chống dị ứng
Bạn có thể sử dụng thuốc chống dị ứng nếu tình trạng nghẹt mũi xảy ra là do phản ứng dị ứng. Thuốc kháng dị ứng có thể làm giảm sưng nề, giảm chất tiết, giúp thông thoáng lỗ mũi.
Tuân thủ cẩn thận hướng dẫn sử dụng thuốc. Nếu không bạn có thể khiến vấn đề nặng thêm. Thuốc chống dị ứng cũng có một số tác dụng phụ như gây buồn ngủ. Để đảm bảo thuốc không ảnh hưởng đến bạn thì không nên dùng thuốc khi bạn đang cần tập trung làm việc.
Nghẹt mũi là một cảm giác khó chịu nhưng vẫn có một số cách giảm nhẹ triệu chứng. Một số thuốc có thể có ích nhưng bạn cần phải sử dụng cẩn thận. Hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng không cải thiện kể cả sau khi đã dùng thuốc.
>> Nghẹt mũi là một triệu chứng rất thường gặp mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Tùy vào mức độ nghẹt mũi nhẹ hay nặng mà nó ảnh hưởng ít hay nhiều tới sinh hoạt hàng ngày. Nghẹt mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và một vài nguyên nhân phải điều trị phù hợp thì mới có thể làm giảm nghẹt mũi.