GS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia điều trị vô sinh hiếm muộn, vừa cho biết theo các kết quả nghiên cứu cấp nhà nước, tại Việt Nam, 7,7% các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các cặp vợ chồng không thực hiện tránh thai, sau 12 tháng không mang thai cần đi khám vô sinh hiếm muộn (trước đây khuyến cáo này là 24 tháng). Vì nếu 12 tháng đầu không mang thai lần nào thì phần lớn các cặp vợ chồng cũng không có thai sau đó.
GS Tiến cho hay thực tế điều trị cho thấy, có xu hướng gia tăng cặp vợ chồng trẻ (dưới 35 tuổi) hiếm muộn. Ở nam giới trẻ, nguyên nhân hiếm muộn do các yếu tố về sinh hoạt (hút thuốc lá, lạm dụng rượu, làm việc căng thẳng…); do bệnh lý (tắc ống dẫn tinh, quai bị, không có tinh trùng). Ở nữ giới trẻ, nguyên nhân vô sinh thường gặp do viêm nhiễm đường sinh sản (sau nạo, hút, đình chỉ thai, gây viêm nhiễm, tắc vòi trứng, dính tử cung).
Ngoài ra, các trường hợp dị tật bẩm sinh như: dị dạng tử cung, vách ngăn tử cung, không có tử cung… cũng gây vô sinh ở nữ giới.
Trước đây, các trường hợp khám vô sinh thường sau 35 tuổi, nhưng gần đây gặp các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn rất trẻ, trước 30 tuổi, trong đó nhiều trường hợp do bị tắc, bị viêm dính tắc vòi trứng cần can thiệp phẫu thuật.
GS Tiến cũng lưu ý về xu hướng trữ noãn (trứng) ở phụ nữ kết hôn muộn, mong muốn bảo tồn sinh sản khi kết hôn trong tương lai. Tuy nhiên chuyên gia cũng khuyến cáo, việc trữ noãn ở nữ giới kết quả không được lâu dài do đặc tính riêng. Trường hợp bảo toàn sinh sản, nên trữ đông lạnh phôi (đã được thụ tinh trong ống nghiệm) hoặc lưu trữ tinh trùng, thời gian có thể được nhiều năm, thậm chí tinh trùng có thể lưu giữ 10 – 20 năm. Khi rã đông, tuổi tinh trùng vẫn là thời điểm lưu giữ, không bị lão hóa.